Nhóm giải pháp đối với tỷ giá hối đoái

Một phần của tài liệu 1_ LA_Van Nga_CIEM (Trang 146 - 150)

3. Bố cục luận án

4.2.1.Nhóm giải pháp đối với tỷ giá hối đoái

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu và định hướng của Đảng, Nhà nước. Nội dung nghiên cứu đề xuất chính sách tỷ giá đối với Ngân hàng Nhà nước trong điều tiết tỷ giá hối đoái như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái trong giới hạn ổn định cho phép với việc áp dụng chính sách tỷ giá thả nổi có điều tiết. Việc điều chỉnh tỷ giá nên thực hiện thường xuyên để tránh những sự điều chỉnh với biên độ lớn, gây ra cú sốc cho nền kinh tế. Việc điều tiết tỷ giá hối đoái theo hướng nới lỏng sự can thiệp của NHNN cần thực hiện đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách thương mại, chính sách vay nợ nước ngoài, chính sách quản lý dự trữ ngoại hối.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện điều chỉnh nới lỏng tỷ giá hối đoái theo phương pháp thử và sửa. Trước, trong và sau khi điều chỉnh tỷ giá cần có những khảo sát đánh giá tác động của những điều chỉnh tỷ giá đó tới nền kinh tế cũng như từng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, lữ hành để hạn chế những tác động tiêu cực, lựa chọn mức độ điều chỉnh sao cho có lợi nhất cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần xác địch mục đích can thiệp, thời gian và khối lượng can thiệp bằng cách sử dụng các mô hình kinh tế lượng để tính toán và đưa ra dự báo để việc điều tiết trở nên chủ động tránh rơi vào thế bị động đi theo sau thị trường. Về mục đích can thiệp đó là điều chỉnh sự mất cân bằng của tỷ giá so với cân bằng dài hạn, bình ổn thị trường ngoại hối, tích luỹ dự trữ ngoại hối. NHNN không nên can thiệp để cung cấp ngoại tệ cho các giao dịch liên quan đến hàng hoá chiến lược quốc gia như xăng dầu, xi măng, phân bón vì NHNN không thể kiểm soát được những giao dịch đó của Chính phủ, do đó dẫn đến những áp lực về tiền tệ không mong muốn. Trong

từng thời điểm, sự can thiệp để điều chỉnh sự mất giá của nội tệ là không phù hợp khi có dòng vốn chảy ra đột ngột và dự trữ ngoại hối thấp. Can thiệp nhằm mục đích điều chỉnh sự mất cân bằng của tỷ giá và bình ổn thị trường ngoại hối nên tính đến nguồn gốc của những cú sốc gây nên sự xáo trộn này, sự phù hợp của tỷ giá với chính sách kinh tế vĩ mô, sự luân chuyển của các dòng vốn và mức độ dự trữ ngoại hối. Can thiệp nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối được ưu tiên sau khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra hoặc khi NHNN đang cố gắng củng cố niềm tin của công chúng. Về thời gian can thiệp phụ thuộc vào khả năng của NHNN trong việc đánh giá các yếu tố như độ lệch của tỷ giá khỏi giá trị cân bằng, dao động tỷ giá, tốc độ dao động tỷ giá, bản chất các cú sốc là lâu dài hay tạm thời, chênh lệch tỷ giá mua bán, cơ cấu và tổng dự trữ ngoại hối. NHNN không nên can thiệp quá thường xuyên vào thị trường để xây dựng lòng tin của thị trường về cam kết chính thức duy trì sự linh hoạt tỷ giá. Sự biến dộng tỷ giá vừa phải và trong ngắn hạn có thể là dấu hiệu hữu ích để NHNN và các chủ thể tham gia thị trường tìm hiểu về giá cả.

Những giải pháp cần thực hiện theo đó:

Một là, việc xác định VND theo rổ tiền tệ như hiện nay để công bố tỷ giá trung tâm cần lựa chọn được rổ tiền thích hợp sẽ giảm sự biến động bất thường bởi sự biến động của nền kinh tế của quốc gia có đồng tiền neo theo, giảm các cú sốc từ thị trường thế giới, khi đó tỷ giá sẽ ổn định hơn và vẫn đảm bảo tính linh hoạt của các chính sách. Tuy nhiên, việc lựa chọn các đồng tiền đưa vào rổ tiền cần lựa chọn và điều chỉnh cho phù hợp với tỷ trọng các đối tác thương mại của Việt Nam. Nên đưa ra quy định về khoảng thời gian định kỳ thay đổi nhóm các đồng tiền trong rổ tiền, các tiêu chí để đưa các đồng tiền vào trong rổ tiền xác định tỷ giá.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động can thiệp lên thị trường ngoại hối. Trong trường hợp đồng VND bị lên giá bởi áp lực cung ngoại tệ trong nền kinh tế thì cần sẵn sàng mua ngoại tệ vào để tránh mức dao động tỷ giá quá mức

theo hướng lên giá của nội tệ, gây ra tác động tiêu cực tới cán cân thương mại. Ba là, tăng cường sức mạnh của hệ thống tài chính: Hệ thống tài chính yếu kém làm cho lạm phát dễ leo thang và khủng hoảng tiền tệ. Hệ thống ngân hàng yếu kém ngăn cản Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất ứng phó lạm phát vì việc tăng lãi suất đe doạ sức mạnh của hệ thống ngân hàng. Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng làm trầm trọng thêm tình trạng đô la hoá. Thâm hụt tài chính là một trong những nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính. Thâm hụt tài chính làm tăng áp lực lạm phát bởi việc tài trợ cho thâm hụt tài chính làm suy yếu năng lực của các NHNN trong việc kiềm chế lạm phát. Do đó để thực hiện được chế độ tỷ giá linh hoạt thành công thì NHNN cần nhận được sự trợ giúp từ phía Chính phủ. Vì vậy giữa NHNN và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp trao đổi hợp tác thường xuyên hoặc có sự trao đổi hợp tác về các chính sách sẽ ban hành. Bộ Tài chính cung cấp thông tin về các khoản thu chi lớn theo kế hoạch cho NHNN để NHNN thực hiện các biện pháp trung hoà dòng tiền từ khu vực Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ trong việc tài trợ thâm hụt ngân sách và quản lý nợ.

Bốn là, Chính phủ cần tiếp tục tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để mở rộng thị trường trong nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Điều này sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia giúp NHNN linh hoạt hơn trong việc can thiệp điều tiết tỷ giá hối đoái giúp dao động tỷ giá hối đoái được liên tục và tránh được những cú sốc dao động bất thường.

Năm là, thiết lập các hệ thống quản trị rủi ro một các hiệu quả. Khi hệ thống tài chính trong nước vẫn còn yếu thì nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro gia tăng như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro tỷ giá hối đoái, rủi ro lãi suất, rủi ro thanh toán quốc tế, rủi ro hoạt động. Do vậy cần có một hệ thống quản trị rủi ro tốt, các doanh nghiệp hoạt động có nguy cơ gặp phải rủi ro tài chính cần thực hiện các biện pháp nhằm phòng vệ rủi ro, xây dựng quy

trình quản trị rủi ro cho đơn vị của mình. Về phía Nhà nước, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã phải thực hiện các cam kết về tự do hoá trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng theo các cam kết với WTO. Trong thời gian gần đây, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng ngày càng khó khăn do tác động của các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ năm 2008, khủng hoảng nợ công khu vực Châu Âu năm 2010 và những diễn biến kinh tế phức tạp trong nội tại nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống giám sát đánh giá và cảnh báo sớm rủi ro còn yếu kém. Đặc biệt đánh giá về rủi ro tài chính đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam còn chưa được nhận thức đầy đủ. Vì thế rất cần phải xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm rủi ro tài chính để chủ động phòng ngừa phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả. Và đặc biệt là chủ động đối phó, hạn chế tối đa những bất lợi cho nền kinh tế và lĩnh vực tài chính- ngân hàng.

Sáu là, phát triển thị trường ngoại hối hơn nữa. Thị trường ngoại hối của Việt Nam hiện đã phát triển nhưng thị trường còn nhỏ, có tính thanh khoản thấp và thường chịu các áp lực ngoại hối. Mặc dù đã có Nghị định cấm giao dịch ngoại hối trên thị trường chợ đen nhưng hoạt động này vẫn ngầm diễn ra. Điều này gây cản trở cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Do đó, cần tăng cường giám sát chặt chẽ, nâng cao vai trò của NHNN trên thị trường liên ngân hàng. NHNN là người tạo lập thị trường đảm bảo thanh khoản cho thị trường chứ không phải là người phân phối ngoại tệ. NHNN chỉ tham gia thị trường với tư cách là người mua, bán cuối cùng, thực hiện can thiệp khi cần thiết vì mục tiêu chính sách tiền tệ. Khi đó đòi hỏi NHNN phải có một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn cho việc can thiệp là hiệu quả. Chính sách tỷ giá trong dài hạn cần hướng đến sự ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái được xác lập sát với quan hệ cung, cầu ngoại hối trên thị trường. Bên cạnh đó cần tăng cường tính minh bạch về thông tin các giao dịch ngoại hối. Điều này giúp các chủ thể trong nền kinh tế có thể nhận định dự báo được sự biến động của tỷ giá. Từ đó đưa ra

các quyết định đúng trong các giao dịch ngoại hối. NHNN cũng cần phát triển các bên trung gian, nhà môi giới tiền tệ để thị trường giao dịch có hiệu quả cao. Việc hiện đại hoá thị trường ngoại hối bằng cách đầu tư công nghệ hiện đại để có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế là việc rất cần thiết. Khi đó cũng giảm thiểu các rủi ro hoạt động, giúp thị trường ngoại hối hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các NHTM cần phát triển các loại công cụ phái sinh và đa dạng các hợp đồng phái sinh hơn nữa. Nâng cao trình độ chuyên môn hiểu biết về công cụ phái sinh đối với các nhân viên ngân hàng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn phải đề cao. Bởi đây là một trong những kênh hiệu quả để doanh nghiệp phòng ngừa kiểm soát được rủi ro tỷ giá hối đoái. Như phân tích trong nội dung 3.4 thì hiện nay kim ngạch sử dụng công cụ phái sinh trên thị trường ngoại hối còn thấp và một trong nguyên nhân dẫn tới là do sự hiểu biết của các doanh nghiệp và nhà đầu tư về nghiệp vụ phái sinh còn yếu.

Bảy là, NHNN cần công bố thông tin hàng quý về dự trữ ngoại hối, công cụ chính sách tiền tệ, việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá. NHNN giải thích và làm sáng tỏ tính cấp thiết và chức năng của công cụ chính sách, đảm bảo về thời gian công bố cũng như mức độ thường xuyên của các báo cáo và chất lượng thông tin.

Một phần của tài liệu 1_ LA_Van Nga_CIEM (Trang 146 - 150)