Chính sách giá

Một phần của tài liệu 10161 (1) (Trang 37 - 38)

- Giá là số tiền thoả thuận giữa người mua và người bán về sự trao đổi một loại sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định. Giá cả là yếu tố duy nhất trong Marketing tạo ra thu nhập từ sản phẩm, còn các yếu tố khác tạo ra chi phí. Thực tế, mọi quyết định về giá đều chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.

- Những căn cứ chủ yếu của việc định giá: các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm của doanh nghiệp bao gồm mục tiêu của doanh nghiệp, các hình thái thị trường và nhu cầu, chi phí, giá cả, đặc điểm sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, những phản ứng có thể của họ trước các chính sách định giá của doanh nghiệp và các yếu tố khác của môi trường. Chính sách định giá thường do cách định vị thị trường trước đó quyết định. Trước khi định giá, doanh nghiệp xem mình phải đạt được điều gì với một sản phẩm nhất định.

+ Các mục tiêu thường được lựa chọn trong việc định giá là doanh nghiệp muốn tồn tại, tối đa hoá lợi nhuận, dẫn đầu thị phần, dẫn đầu về chất lượng sản phẩm hay các mục tiêu khác như ngăn chặn không cho đối thủ tham gia thị trường hoặc ổn định thị trường. Việc định giá có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp ở nhiều mức độ khác nhau.

+ Các hình thái của thị trường và nhu cầu cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc định giá của doanh nghiệp. Do đó, trước khi định giá doanh nghiệp tìm hiểu kỹ mình đang kinh doanh trên thị trường nào, cảm nhận của người mua về giá cả và giá trị sản phẩm của doanh nghiệp, mối quan hệ giữa giá cả và nhu cầu như thế nào,...

- Phương pháp định giá sản phẩm: để quyết định giá cho một sản phẩm, doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều cách định giá như: Định giá dựa vào chi phí; Định giá theo lợi nhuận mục tiêu; Định giá theo người mua; và Định giá dựa vào cạnh tranh.

- Điều chỉnh giá: đối với mỗi sản phẩm, doanh nghiệp xác định mức giá cơ bản ban đầu, sau đó sẽ tiến hành điều chỉnh giá trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình, tức xây dựng một cơ cấu giá phản ánh được sự thay đổi về nhu cầu và chi phí theo từng phân đoạn khác nhau của thị trường, thời vụ mua sắm, quy mô đặt hàng và các yếu tố khác. Các chiến lược điều chỉnh giá chủ yếu thường được các doanh nghiệp áp dụng bao gồm: Định giá chiết khấu và bớt giá; Định giá phân biệt; Định giá theo nguyên tắc địa lý; Định giá cổ động; và Định giá danh mục sản phẩm.

- Thay đổi giá: doanh nghiệp chủ động giảm giá khi muốn tận dụng năng lực sản xuất dư thừa, bảo vệ thị phần đang giảm dần hay chi phối thị trường thông qua giá thành thấp hơn do khối lượng sản xuất lớn hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn. Doanh nghiệp chủ động tăng giá khi có sự lạm phát chi phí không tương xứng với việc tăng năng suất làm giảm mức lợi nhuận và nhu cầu tăng nhanh quá mức. Các biện pháp thay đổi giá thường được áp dụng là định giá theo dự toán sau, định giá có điều khoản điều chỉnh, giảm bớt các khoản chiết khấu, giảm số lượng của sản phẩm, thay thế bằng nguyên vật liệu hay công thức chế biến rẻ tiền hơn….

Một phần của tài liệu 10161 (1) (Trang 37 - 38)