quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ
Pháp luật tuyển dụng công chức có nhiệm vụ phải thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ thành các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc chung, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng, thực hiện công tác tuyển dụng công chức. Yêu cầu xây dựng đội ngũ công chức là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước tiên và trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng. Đảng ta luôn đề cao quan điểm xử lý hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn về chức danh và cơ cấu công chức, trong đó tiêu chuẩn về chức danh giữ vai trò chủ đạo; giữa xây dựng và chống
các hành vi sai phạm trong công tác cán bộ, trong đó xây dựng là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên; giữa đạo đức và tài năng, thành tích, công trạng, trong đó coi đạo đức là gốc rễ; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể; chú trọng nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài. Các nội dung trên đều được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật về tuyển dụng công chức. Pháp luật quy định về tuyển dụng công chức phải được xây dựng và hoàn thiện với quy trình tuyển dụng công chức ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ hơn. Với mục đích xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, đáp ứng tiêu chuẩn của từng chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, pháp luật tuyển dụng công chức ở Việt Nam thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức cán bộ như: đẩy mạnh phân cấp trong tuyển dụng công chức giữa các cấp và các ngành; có tỷ lệ công chức trẻ hợp lý để có nguồn nhân lực kế cận, bảo đảm tính kế thửa trong đội ngũ công chức; bảo đảm tỷ lệ công chức là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức; việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm đúng chủ trương thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm trong công tác tuyển dụng công chức.
Thực tế pháp luật quy định về tuyển dụng công chức sẽ là cơ sở để kiểm nghiệm tính đúng đắn và hiệu quả của quan điểm, đường lối của Đảng về công tác tuyển dụng công chức. Nếu quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyển dụng công chức phù hợp, đúng đắn thì pháp luật tuyển dụng công chức sẽ phát huy được vai trò và hiệu quả trên thực tế, nếu trong quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tuyển dụng công chức có sai lầm thì pháp luật về tuyển dụng công chức sẽ không phát huy được vai trò, không thể đi vào cuộc sống và không phát huy được hiệu quả quản lý về tuyển dụng công chức.
Pháp luật tuyển dụng công chức là công cụ thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, pháp luật về tuyển dụng công chức phải chứa đựng các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các hoạt động, công việc trong quá trình tuyển dụng công chức. Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác tuyển dụng công chức ngoài việc thể hiện tư tưởng chính trị, quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền, đi vào cuộc sống, được đại đa số người dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức chấp nhận, bảo đảm tính khả thi cao còn phải phù hợp với đời sống, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước và trình độ, nhận thức của người dân. Có như vậy, pháp luật về tuyển dụng công chức mới phát huy được hiệu quả điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội phát sinh từ quá trình tuyển dụng công chức ở Việt Nam, góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức cán bộ trong Nghị quyết số 18- NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.