Yếu tố văn hoá thường chi phối và ảnh hưởng đến pháp luật, có sự tác động đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật về tuyển dụng công chức nói riêng. Trong đó nhiều qui định pháp luật được xác lập dựa trên cơ sở nền tảng của văn hoá. Mối quan hệ giữa pháp luật về tuyển dụng công chức với các yếu tố văn hoá được thể hiện ở chỗ pháp luật về tuyển
dụng công chức là cơ sở pháp lý quan trọng để nuôi dưỡng các yếu tố văn hoá tích cực và là công cụ để bảo vệ những chuẩn mực đạo đức.
Bên cạnh đó, pháp luật là cơ sở pháp lý, là chuẩn mực để góp phần vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các trường hợp lợi dụng văn hóa ứng xử để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức. Mặt khác, việc xây dựng nền văn hoá hiện đại, kế thừa truyền thống, tinh hoa của văn hóa dân tộc cũng sẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn tham nhũng và bản thân những yếu tố văn hoá này cũng tác động trực tiếp đến pháp luật nói chung và pháp luật về tuyển dụng công chức nói riêng. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức cũng cần chú ý các yếu tố văn hóa để xây dựng các quy định làm sao vừa phát huy, bảo vệ được những giá trị văn hóa tiến bộ, với truyền thống, các giá trị tinh hoa, đồng thời, loại bỏ, ngăn chặn sự xâm nhập các luồng văn hóa độc hại và kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân lợi dụng các ứng xử văn hóa để vụ lợi, tham nhũng. Những biểu hiện xấu trong tác phong làm việc, cách ứng xử duy tình, thiếu tính kỷ luật trong làm việc có ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển dụng công chức. Pháp luật về tuyển dụng công chức phải được hoàn thiện với các quy định chặt chẽ nhằm loại bỏ những hành vi tiêu cực trong tuyển dụng công chức như: nể nang, cảm tính, duy tình, thiếu khách quan, chưa minh bạch và thiếu sự công bằng…
Kế thừa truyền thống tốt đẹp trong lịch sử dân tộc về tuyển dụng công chức kết hợp tiếp thu các giá trị tinh hoa của các nước phát triển trên thế giới là một trong những quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoàn thiện pháp luật về tuyển dụng công chức. Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhiều thời kỳ việc tuyển chọn quan lại đã được xây dựng thành chế độ có tính khách quan, quy trình thủ tục chặt chẽ, nhằm quy tụ và sử dụng được rộng rãi nhân tài cho đất nước. Với các hình thức tuyển dụng đa dạng, các triều đại phong kiến đã tuyển dụng được đội ngũ quan lại có năng lực và phẩm chất đạo đức. Bên cạnh các hình thức được sử dụng như: thế tập (tập ấm), các triều đại phong kiến còn sử dụng các hình thức tuyển dụng, thu hút nhân tài thông qua
chế độ khoa cử, bảo cử và tiến cử, bắt đầu được đặt ra từ triều Lý và kéo dài đến khi chế độ phong kiến suy vong. Trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng công chức cần được nghiên cứu kế thừa các giá trị về kỹ thuật pháp điển hóa, kỹ thuật lập pháp của Bộ luật Hồng Đức. Các quy định về hội đồng tuyển trạch trong quy chế công chức ban hành trong Sắc lệnh số 76-SL ngày 20/5/1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kế thừa và qui định về mô hình Hội đồng tuyển dụng trong văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng công chức.