Nguồn nhân lực hay nguồn lực con người được phát triển trên thực tế và nhận thức về nó cũng được bổ sung qua từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội. Trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, công cụ sản xuất thủ công thì sức mạnh cơ bắp, cùng những kinh nghiệm khá giản dị là yếu tố đặc trưng cho nguồn nhân lực này.
Trong nền sản xuất đại công nghiệp, do yêu cầu đặc thù của lao động công nghiệp, do tính chuyên môn hóa, hợp tác và kỷ luật trong lao động, nguồn nhân lực phải được đào tạo căn bản và không ngừng nâng cao trình độ để phù hợp với các cuộc cách mạng công nghiệp. Một đặc tính của nó là không ngừng phát triển về chất lượng và số lượng có vai trò ngày càng to lớn trong tổng số lao động xã hội. V.I.Lênin đã khẳng định vị thế của lao động công nghiệp là: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động” [121, tr.430].
Thực tiễn nghiên cứu còn cho thấy, quan niệm hiện nay về nguồn nhân lực là rất phong phú, mỗi ngành khoa học có một nhận thức riêng về tính chất, đặc điểm, vai trò, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong từng giai đoạn nhất định. Có quan niệm thiên về mô tả cấu trúc và yêu cầu của nguồn nhân lực: “Nguồn nhân lực là dân số và chất lượng con người, bao gồm: thể
chất và tinh thần, sức khỏe và trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người lao động; là tổng thể nguồn nhân lực hiện có thực tế và tiềm năng được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia phát triển kinh tế - xã hội” [46, tr.323].
Có quan điểm nhấn mạnh tính tổng hòa và cho rằng: “Nguồn lực con người là tổng hòa các yếu tố về số lượng, chất lượng (các phẩm chất về thể lực, trí lực, đạo đức, lối sống, nghề nghiệp và năng lực hoạt động thực tiễn) và cơ cấu của cộng đồng người có thể huy động vào hoạt động sáng tạo vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội [95, tr.17]. Lại có quan niệm nhấn mạnh vào giá trị thực tiễn: “Nguồn lực con người được hiểu là tổng hòa trong thống nhất hữu cơ giữa năng lực xã hội của con người (thể lực, trí lực, nhân cách) và tính năng động của con người” [77, tr.14]. Có nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm nguồn nhân lực chính là “Sự kết hợp thể lực và trí lực cho thấy khả năng sáng tạo, chất lượng - hiệu quả hoạt động và triển vọng mới phát triển của con người” [9, tr.14].
Cũng vì thế, theo Liên hợp quốc: “Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức và năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng” [64]. Quan niệm này về nguồn nhân lực không chỉ phản ánh những yếu tố đang tạo ra sức mạnh trên thực tế, mà cả những yếu tố ở dạng tiềm năng và khả năng biến đổi không ngừng của các yếu tố đó để đáp ứng cho sự phát triển của xã hội.
Nguồn nhân lực cũng có thể được xem xét như là một trong những nguồn lực của cá nhân, tập thể, cộng đồng hay quốc gia. Cùng với nó còn có các nguồn lực khác như tài nguyên, vốn... Nó bao giờ cũng được tạo nên bởi sự tổng hợp nguồn lực chứ không phải là số cộng đơn thuần.
Nguồn nhân lực thường được xét ở các yếu tố chính là: chất lượng, số lượng và cơ cấu. Chất lượng của nguồn nhân lực phản ánh trình độ (cao hay thấp) về tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, văn hóa của các cá nhân, tập thể. Sự phát triển về chất lượng nguồn nhân lực được tiến hành đồng thời cả về thể lực, trí lực, tâm lực trong mỗi con người và cộng đồng
người xác định có thể huy động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của cá nhân. Chất lượng của nguồn nhân lực chỉ có thể được nâng lên khi con người ngày càng được trang bị những tri thức KH&CN tiên tiến, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng và khả năng thích ứng cao với môi trường lao động. Đó “là người lao động có trí tuệ cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bởi một nền giáo dục tiên tiến, gắn liền với một nền khoa học, công nghệ hiện đại” [29, tr.9].
Số lượng của nguồn nhân lực là chỉ tổng số các cá nhân hợp thành nguồn nhân lực đó. Số lượng này được phản ánh qua các chỉ tiêu qui mô, tốc độ gia tăng và cơ cấu nguồn nhân lực thường là của một ngành hoặc một quốc gia.
Cơ cấu của nguồn nhân lực là cấu trúc liên kết, tổ chức của các yếu tố, bộ phận, phương diện hợp thành của nguồn nhân lực. Cơ cấu này được xét ở nhiều góc độ khác nhau. Bao gồm: cơ cấu về độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn (gắn với các chức năng, vị trí khác nhau), cấp độ quản lý, phân bổ theo không gian địa lý (phân bổ nguồn nhân lực theo các vùng, miền)… Cơ cấu của nguồn nhân lực còn biểu hiện ở khả năng liên kết, tương tác giữa các cá nhân, tập thể tạo nên sức mạnh tổng hợp. Nguồn lực của từng cá nhân có được phát huy hay không, phụ thuộc nhiều vào cơ cấu, tổ chức, liên kết của nó.
Tất cả các yếu tố cấu thành đó có một điểm chung là tính chất xã hội trong quá trình phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, phát triển nguồn nhân lực cả số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý là trách nhiệm của cả xã hội: chủ thể cầm quyền, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng nhân lực, là nỗ lực tự thân của người lao động, v.v.
Còn một khái niệm khác gần gũi về ý nghĩa với nguồn nhân lực là
nguồn lao động.
Nguồn lao động là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động
đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Theo quan niệm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đó là bộ phận dân số trong độ tuổi lao động theo quy định, thực tế đang có việc làm, và những người thất nghiệp song đang có nhu cầu tìm việc làm. Việc quy định cụ thể về độ tuổi lao động là khác nhau giữa các quốc gia. Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Lao động (1994), độ tuổi lao động đối với nam từ 15 tuổi đến 60 tuổi và nữ là từ 15 tuổi đến 55 tuổi. Nguồn lao động theo quan niệm trên là đồng nghĩa với dân số hoạt động kinh tế và nó phản ánh khả năng cung ứng lao động của xã hội [136].
Sự phân biệt giữa nguồn nhân lực với nguồn lao động là ở khả năng lao động. Nguồn nhân lực của một ngành thì bao giờ cũng gắn liền với khả năng lao động, tri thức nghề nghiệp, tay nghề, kinh nghiệm... còn nguồn lao động thì chưa tính đến những khả năng đó.
Chúng tôi cho rằng: Nguồn nhân lực hiện nay là gồm tất cả nguồn lực của con người (gồm cả lực lượng đang lao động hay ở trạng thái dự trữ, tiềm năng) bao gồm tổng thể các phẩm chất (thể lực, trí lực, tâm lực) tạo nên năng lực có tính tổng hợp của các cá nhân, tập thể trong các hoạt động lao động sản xuất và dịch vụ để tạo ra của cải vật chất, tinh thần và trực tiếp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.