14. Cty CKHH Miền Nam (Cục HH) 15 Cty TNHH MTV Hải Bình (Bộ
3.2.3. Những bất cập trong tư duy chiến lược, năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý hiện là trở lực lớn đối với sự phát triển của nguồn
của cán bộ quản lý hiện là trở lực lớn đối với sự phát triển của nguồn nhân lực ngành đóng tàu Việt Nam
Về các yếu kém trong tư duy chiến lược của cấp lãnh đạo ngành:
Chủ trương, đường lối của Đảng ta về việc lấy phát triển kinh tế biển là chiến lược phát triển của quốc gia, không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà
còn là vấn đề đảm bảo quốc phòng và an ninh quốc gia. Nhưng sự yếu kém về chiến lược kinh doanh của ngành CNĐT đã khiến cho kết quả đạt được là rất thấp so với mục tiêu và năng lực hiện có. Thậm chí, bất cập này còn làm thành một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng của ngành giai đoạn 2008 - 2009 và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nguồn nhân lực.
Nhận định về những bất cập trong tầm nhìn chiến lược ngành đóng tàu Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1901/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 về “Kế hoạch hành động ngành công nghiệp đóng tàu....” đã chỉ ra 7 vấn đề lớn thì 4 trong số đó liên quan đến chiến lược phát triển ngành:
Thứ nhất, thiếu tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động cụ thể hướng đến phát triển ngành CNĐT phù hợp với diễn biến phát triển mang tính chu kỳ của ngành đóng tàu thế giới. Hiện chưa có cơ quan nghiên cứu được giao làm nhiệm vụ thống kê, dự báo, nghiên cứu chiến lược nên ngành luôn ở thế bị động, phát triển thiếu bền vững.
Thứ hai, hầu hết các công trình nâng hạ thủy của các nhà máy đóng tàu trong nước đều phục vụ cho đóng mới. Hiệu quả sử dụng hạ tầng ngành đóng tàu còn thấp; đầu tư dàn trải, trang thiết bị chưa đồng bộ. Hiệu quả quản trị và ứng dụng IT để quản trị hệ thống (thiết kế - sản xuất - tài chính) còn thấp, chưa đảm bảo được quản trị chi phí và giao tàu đúng hạn.
Thứ ba, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) còn yếu; đầu tư cho R&D trong ngành hàng hải và CNĐT hầu như không đáng kể; kỹ năng và đội ngũ nhân lực chưa được tăng cường theo kịp yêu cầu phát triển của ngành. Nhân lực/kỹ sư thiết kế còn rất yếu, ngay cả ở SBIC, tỷ lệ kỹ sư thiết kế cũng thấp, khoảng trên 1%. Tiến trình đào tạo thiết kế, kỹ sư hàng hải, chuyên gia hoạch định sản xuất và kỹ sư đóng tàu còn tụt hậu xa so với các tiêu chuẩn quốc tế. Không đủ khả năng để thiết kế tàu theo kịp yêu cầu thị trường. Những khó khăn kinh tế nói chung và của các cơ sở đóng tàu nói riêng trong
thời gian gần đây cũng ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và động lực làm việc của nhân lực trong ngành.
Thứ tư, hiện có quá nhiều nhà máy đóng tàu được phân tán ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều nhà máy đầu tư chưa hoàn thiện, đầu tư chắp vá qua nhiều giai đoạn, ít có nhà máy đạt chuẩn quốc tế. Thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa các ngành kinh tế khác như vận tải, công nghiệp dầu khí, du lịch và thủy sản với công nghiệp đóng tàu.
Thứ năm, công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển tự phát, thiếu đồng bộ, phụ thuộc quá lớn vào các nhà sản xuất vật tư thiết bị tại Trung Quốc và các nước châu Á khác cũng như tại châu Âu.
Thứ sáu, các công ty vận tải hàng hải trong nước gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng đội tàu.
Thứ bảy, năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế, tính minh bạch thông tin ở phần lớn các nhà máy đóng tàu còn yếu [106].
Những sai lầm trong chiến lược của CNĐT liên quan trực tiếp đến phát triển nguồn nhân lực thể hiện ở tập trung ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, tập trung vốn, mua công nghệ nước ngoài mà coi nhẹ việc chuẩn bị, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Họ chưa thấy hết được tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề con người. Khá nhiều cán bộ quản lý chưa có tầm và chưa có tâm với ngành để biết đầu tư cho thành quả trong tương lai.
Thứ hai, thụ động trong việc tìm kiếm thị trường, lựa chọn đối tác khách hàng. Khi phát triển kinh doanh, lãnh đạo ngành thường trông chờ những đơn đặt hàng từ nước ngoài mà không chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những thị trường, đối tác khác... Hệ quả là: phụ thuộc vào khách hàng; không lựa chọn được thị trường tiềm năng và phù hợp với ngành; thiếu chiến lược phát triển sản phẩm. Theo đó, nguồn nhân lực CNĐT đã phát triển lệch, hướng ngoại, xem nhẹ thị trường trong nước.
Thứ ba, chưa có chiến lược huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Để
phát triển ngành đóng tàu cần phải huy động nguồn vốn rất lớn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đi vay trong nước và nước ngoài. Nhưng vấn đề là quản lý vốn yếu kém khiến ngành CNĐT thời gian qua đã đầu tư dàn trải, sai mục đích và không hiệu quả. Từ đó đã tạo cơ hội cho tham ô, tham nhũng diễn ra khá phổ biến trong ngành. Hệ quả là vốn thất thoát mà đội ngũ cán bộ quản lý trở nên hư hỏng.
Thứ tư, trong đầu tư phát triển thị trường, ngành chỉ tập trung đóng mới
tàu xuất khẩu nhưng lại coi nhẹ, không chú trọng đến thị trường nội địa. Hệ quả là: 1/ Thị trường thế giới khủng hoảng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của ngành. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới 2008 đã làm cho nhiều nhà máy của ngành đóng tàu Việt Nam phải đóng cửa; 2/ Việc coi nhẹ thị trường nội địa, dẫn đến là ngư dân Việt Nam không có đủ công cụ, phương tiện hiện đại để khai thác các nguồn lực thủy hải sản. Và rộng hơn là ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.
Thứ năm, ngành đóng tàu đã quá chú trọng đến việc đóng mới, mà xem nhẹ khâu sửa chữa (không đầu tư cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, dịch vụ và nguồn nhân lực cho việc sửa chữa tàu) khiến cho nhiều tàu cũ, hỏng phải đem ra nước ngoài sửa chữa. Ngành đóng tàu vừa mất đi một lượng khách hàng, vừa giảm nguồn doanh thu. Theo đó, việc phát triển nhóm nhân lực dịch vụ sửa chữa cũng mất đi cơ hội phát triển tay nghề.
Về năng lực quản lý CNĐT và những tiêu cực trong ngành:
Những yếu kém trong quản lý, quản trị và những tiêu cực trong ngành thực sự là một trong những rào cản lớn nhất cho sự phát triển nguồn nhân lực trong ngành đóng tàu Việt Nam.
Nhiều chiến lược đã được triển khai thực hiện thiếu tính đồng bộ, không triệt để và gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và đời sống của người lao động trong ngành.
Yếu kém trong quản lý, quản trị đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty thua lỗ, nợ nần chồng chất; Nhân lực của ngành đóng tàu không được sử dụng, phát huy và bồi dưỡng để phát triển xứng tầm và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành. Những tiêu cực như lợi ích nhóm, cục bộ, tham ô, tham nhũng kéo dài trong các cấp lãnh đạo của ngành đã gián tiếp ảnh hưởng nặng nề đến số lượng, chất lượng của nguồn nhân lực. Nó đã khiến cho: người tài thực sự không được trọng dụng; thất thoát tài sản của ngành, quỹ phúc lợi giành cho người lao động bị thâm hụt; lợi ích nhóm thậm chí còn trì hoãn, ngăn trở những cải cách, đổi mới... Nhiều sáng kiến bị trì hoãn, hoặc thực hiện một cách hình thức đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, uy tín của ngành và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Tóm lại, những vấn đề đặt ra như trên đòi hỏi phải có những biện pháp để từng bước khắc phục. Cần có sự quyết tâm và kế hoạch đồng bộ gắn với những hành động cụ thể, kiên quyết của Đảng, Nhà nước và bản thân ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Tiểu kết chương 3
Phát triển nguồn nhân lực ngành CNĐT Việt Nam hiện nay được thực hiện trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược biển, xây dựng nền kinh tế biển. Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng ngày 22 tháng 10 năm 2018 đã tổng kết, đánh giá thành tựu và hạn chế sau 10 năm triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam và tiếp tục đưa ra Chiến lược mới. Mặt khác, sự phát triển nguồn nhân lực ngành đóng tàu còn nằm trong bối cảnh chịu sự tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009, dẫn đến khủng hoảng sâu của ngành CNĐT và chiến lược tái cơ cấu của ngành này. Sự tác động mang tính tiêu cực, nhưng cũng qua đó đã bộc lộ rõ
rệt những hạn chế, bất cập vốn có của ngành đóng tàu và nguồn nhân lực của ngành. Chiến lược tái cơ cấu của ngành được triển khai mang lại những kết quả tích cực trên nhiều phương diện (cơ cấu tổ chức, tài chính, quản lý...), nhất là nguồn nhân lực được khôi phục và có bước phát triển, tuy nhiên, tiến độ còn chậm, chưa phát huy hiệu quả cao. Ngoài ra, điều kiện vật chất - kỹ thuật yếu kém của ngành đóng tàu là một thách thức không nhỏ trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực của ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay cho thấy:
Về mặt số lượng nguồn nhân lực: hiện nay, ngành đóng tàu đang đối diện với sự thiếu hụt lớn về nhân lực. Tuy nhiên, xét về triển vọng, số lượng nhân lực của ngành có thể tăng lên, chủ yếu là từ những tín hiệu hồi phục của thị trường chứ chưa hẳn là do tăng công suất và đổi mới đào tạo nhân lực.
Về mặt chất lượng: hiện nay, chất lượng ở mức trung bình và có sự khác biệt lớn giữa các nhóm. Trình độ học vấn, tay nghề của công nhân đạt ở mức trung bình khá so với yêu cầu đặt ra của ngành. Đội ngũ kỹ sư của ngành cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra ở những hạng mục không đòi hỏi tính năng kỹ thuật cao. Đội ngũ quản lý của ngành có bộ phận không nhỏ yếu kém về năng lực quản lý, quản trị và nhất là thiếu đạo đức nghề nghiệp.
Về mặt cơ cấu của nguồn nhân lực: cơ cấu của nguồn nhân lực có một số yếu tố thuận lợi song đa phần gây bất lợi cho sự phát triển của nguồn nhân lực. Đó là: sự phân bổ kỹ sư giữa các chuyên ngành chưa thật sự đồng đều và hợp lý; tỉ lệ giữa số lượng kỹ sư và số lượng công nhân chưa đạt chuẩn; Sự phân bổ nhân lực còn dàn trải và không đồng đều trên phạm vi toàn quốc.
Về đời sống, việc làm và chế độ đãi ngộ của người lao động trong ngành CNĐT Việt Nam: việc triển khai tái cơ cấu ngành làm cho đời sống việc làm của người lao động thoát khỏi cơn khủng hoảng, đã giải quyết được phần nào nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, do nguyên nhân chủ quan và khách
quan, đời sống, việc làm của người lao động hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, tình trạng thiếu việc làm, nợ chế độ chính sách chưa được giải quyết một cách triệt để.
Từ hiện trạng phát triển của nguồn nhân lực ngành đóng tàu đã đặt ra 3 vấn đề đối với sự phát triển nguồn nhân lực ngành đóng tàu ở Việt Nam hiện nay, đó là những vấn đề:
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa năng lực, khả năng hiện còn nhiều bất cập của nhân lực ngành CNĐT Việt Nam so với công nghệ đóng tàu thế giới và yêu cầu của kinh tế thị trường.
Thứ hai, những bất cập trong cơ chế, chính sách “dùng người” đang hạn chế sự phát triển của nguồn nhân lực ngành CNĐT Việt Nam.
Thứ ba, những bất cập trong tư duy chiến lược, năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý hiện là trở lực lớn đối với sự phát triển của nguồn nhân lực ngành đóng tàu Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra cũng là những cơ sở quan trọng để Luận án đưa ra những giải pháp trong việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay.
Chương 4