Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước xác định vai trò của công nghiệp đóng tàu và phát triển nguồn nhân lực cho nó

Một phần của tài liệu Luận Án Phan Duy Hòa (Trang 65 - 70)

trò của công nghiệp đóng tàu và phát triển nguồn nhân lực cho nó

Phát triển bao giờ cũng là một quá trình tự giác, đối với Việt Nam, yếu tố ấy thể hiện tập trung trong đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước với từng lĩnh vực cụ thể. Tất cả những tư duy mới trong chiến lược về biển, kinh tế biển và CNĐT của Việt Nam chỉ xuất hiện rõ ràng, tương đối đầy đủ trong vài chục năm đổi mới gần đây. Đó là một quá trình dần hoàn thiện tư duy chiến lược về biển và những yếu tố liên quan.

- Đường lối của Đảng về Chiến lược biển và phát triển nhân lực cho CNĐT

Mở đầu cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển trong thời kỳ đổi mới là Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 06/05/1993 của Bộ Chính trị

khóa VII, “Về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt”. Nghị quyết xác định “Phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển”. Theo đó, ngành đóng tàu phải phục vụ cho: “Vận tải biển cần phát triển đồng bộ về cảng, đội tàu, dịch vụ hàng hải, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu… Phát triển các đội tàu viễn dương và cận dương, kể cả tàu biển phà sông… Đầu tư chiều sâu để cải tạo và nâng cao năng lực sửa chữa và đóng tàu” [10]. Lúc này biển mới chỉ được nhìn nhận là “kinh tế biển” như là một bộ phận của nền kinh tế của đất nước.

Lần đầu tiên Biển được coi là một chiến lược ở Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Chiến lược biển đã được hoạch định quy mô, với những chủ trương có ảnh hưởng to lớn và tích cực đến phát triển ngành CNĐT Việt Nam. Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 “Về

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đã nhấn mạnh mục tiêu “đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH làm cho đất nước giàu mạnh…” [4]. Nghị quyết đã đề cập đến: “Phát triển công nghiệp đóng tàu; tập trung xây dựng đội tàu vận tải biển và dịch vụ hàng hải”.

Nhận thức mới nhất và đầy đủ nhất về biển của Việt Nam là Nghị quyết số 08, NQT/W, Khóa XII (10/2017) “về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhìn nhận toàn diện rằng:

Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành

quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển [34, tr.69].

Đáng lưu ý là phát triển nhân lực đã được coi là một trong ba khâu đột phá của Chiến lược: “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao” [34, tr.98]. Và "Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản. Bằng nhiều giải pháp, tạo ra nhiều việc làm mới…" [30, tr.404].

Định hướng về phát triển nhân lực biển là:

Phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế, có chuyên môn sâu về biển và đại dương. Có cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân [34, tr.103].

Ngành đóng tàu của Việt Nam đưa ra “Tầm nhìn đến năm 2030”:

1. Phát triển công nghiệp tàu thủy dài hạn phù hợp với nhu cầu của thị trường, khả năng tài chính và năng lực quản lý.

2. Hình thành một số trung tâm có khả năng đóng mới tàu chuyên dụng công nghệ cao, giá trị kinh tế lớn bao gồm cả tàu container, tàu chở dầu, kho nổi chứa dầu đến 100.000 tấn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ trong nước và xuất khẩu [106].

Một chiến lược đã xác định: “Đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp ở tất cả các cấp từ quản lý, kỹ sư, đến công nhân, ưu tiên đội ngũ kỹ sư thiết kế tàu thủy, quản lý dự án đóng tàu” [4].

Đây là tầm nhìn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của CNĐT thế giới và điều kiện phát triển ở Việt Nam.

Nhận thức về các yếu tố cấu thành Chiến lược biển, kinh tế biển và CNĐT cũng đã được cụ thể hóa trên nhiều mặt và có điều chỉnh thứ tự ưu tiên.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa X đã xác định về lộ trình thời gian và thứ hạng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển Việt Nam:

Đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phát về kinh tế

biển, ven biển như sau: 1) Khai thác, chế biến dầu, khí; 2) Kinh tế hàng hải; 3) Khai thác và chế biến hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.

Sau năm 2020, thứ tự phát triển kinh tế biển có sự thay đổi: 1) Kinh tế

hàng hải; 2) Khai thác, chế biến dầu, khí và các loại khoáng sản;

3) Khai thác và chế biến hải sản; 4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; 5) Các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển [31, tr.77-78]. Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XII lại có một lộ trình mới:

Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế

biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác;

(4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới [34, tr.73].

Điểm đáng lưu ý ở đây là hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều gắn bó trực tiếp đến CNĐT và hiển nhiên là cùng với sự phát triển nguồn nhân lực của nó.

- Nhà nước thể chế hóa đường lối phát triển nhân lực cho CNĐT.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, Khóa VII, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 399/TTg ngày 05/8/1993 và Chỉ thị 170- TTg ngày 18/3/1995, chỉ rõ các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Trong Chỉ thị này, ngành CNĐT vẫn còn nằm trong hệ thống nhiệm vụ chung.

Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành, các cơ quan Trung ương đã tổ chức triển khai thực hiện. Quốc hội đã thông qua các Luật Biển Việt Nam (năm 2012), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Bộ luật Hàng hải Việt Nam (năm 2015), Luật Thủy sản (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cùng nhiều luật của các ngành, lĩnh vực có nội dung liên quan đến biển, đảo.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, hơn 100 Quyết định về quản lý nhà nước để thực hiện các chiến lược về biển, đảo. Trực tiếp liên quan đến CNĐT là Quyết định số 80/2008/QĐ-TTg, ngày 13/6/2008 về Đề án “Hợp tác quốc tế về biển đến năm 2020” và Quyết định số 35/2009/QĐ/TTg, ngày 03/03/2009 về phê duyệt điều chỉnh chiến lược phát triển Giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến một số chủng loại tàu:

Chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng như tàu container, tàu hàng rời cỡ lớn, tàu dầu, tàu khí hóa lỏng, tàu Lash…Trẻ hóa đội tàu biển đạt độ tuổi bình quân 12 năm vào năm 2020. Nghiên cứu phát triển tàu chở khách cao tốc ven biển và tàu khách du lịch. Đến năm 2020 đội tàu quốc gia có tổng trọng tải là 12-14 triệu DWT [100]. Thập niên gần đây, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo; khai thác, sử dụng, tái tạo các nguồn tài nguyên và môi trường biển trước sự suy giảm nhanh chóng của các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, ô nhiểm môi trường biển;... Đặc

biệt, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của thế giới (2007 - 2017) và chủ yếu là do cơ chế quản lý tài chính lỏng lẻo, đầu tư dàn trải, sai mục đích, quản trị yếu kém đã dẫn đến sự khủng hoảng của Tập đoàn Vinashin, Vinaline. Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 65-KL/TW, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 90/NQ-CP và Quyết định số 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đề án tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn CNTT Việt Nam. Tinh thần nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là: “Quyết tâm giữ bằng được các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thủy truyền thống, có điều kiện và khả năng phát triển dài hạn, duy trì cơ bản năng lực của ngành đóng tàu; giảm thiểu tối đa thiệt hại, sớm khắc phục tình trạng thua lỗ và từng bước phát triển bền vững” [104].

Trong đó, đáng chú ý nhất là Quyết định số 1901/QĐ-TTg, ngày 22/10/2014, về kế hoạch hành động phát triển ngành CNĐT thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ký. Với Nghị quyết này chúng ta xác định rõ Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của ngành CNĐT Việt Nam trong hợp tác đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực.

Tóm lại, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã và đang từng bước tạo cơ sở cho ngành CNĐT và nguồn nhân lực của ngành phát triển. Tuy nhiên, do năng lực quản lý yếu và nhiều tiêu cực trong ngành làm cho những chủ trương, đường lối đúng chưa phát huy tối đa hiệu quả. Sự phát triển nhân lực cho CNĐT cũng vì thế chịu nhiều thăng trầm.

Một phần của tài liệu Luận Án Phan Duy Hòa (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(179 trang)
w