3.1.2.1. Tổng thể nghiên cứu
Tổng thể của khảo sát này là khoảng 50% số lượng người lao động từ công nhân cho đến cấp bậc trưởng phòng đang làm việc tại Chi nhánh SXKD Thức ăn Thủy sản Công ty Cổ phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam, không tính các nhân viên bán hàng ngoài thị trường.
3.1.2.2. Phương pháp chọn mẫu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra ở phần mở đầu của đề tài, thiết kế chọn phi xác suất với hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên thuận lợi đã được sử dụng và được xem là hợp lý để tiến hành nghiên cứu đề tài này. Lý do để lựa chọn phương pháp chọn mẫu này vì người trả lời dễ tiếp cận, họ sẵn sàng trả lời bảng câu hỏi nghiên cứu cũng như ít tốn kém về thời gian và chi phí để thu thập thông tin cần nghiên cứu.
Vì đây là nghiên cứu khám phá nên phương pháp chọn mẫu phi xác suất với hình thức chọn mẫu thuận tiện là phù hợp nhất. Các bảng câu hỏi nghiên cứu sẽ được gửi trực tiếp đến người lao động từ công nhân đến cấp trưởng phòng để trả lời.
3.1.2.3. Kích thước mẫu
Một nguyên tắc chung là mẫu càng lớn thì độ chính xác của các kết quả nghiên cứu càng cao. Tuy nhiên trên thực tế thì việc lựa chọn kích thước mẫu còn phụ thuộc vào một yếu tố hết sức quan trọng là năng lực tài chính và thời gian mà nhà nghiên cứu đó có thể có được.
Đối với đề tài này, do các giới hạn về thời gian, kích thước mẫu sẽ được xác định ở mức tối thiểu cần thiết nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của cuộc nghiên cứu. Kích thước mẫu dự kiến ban đầu là 200 theo số lượng khảo sát khoảng 50% số lượng người lao động (506 người).
Một số nhà nghiên cứu khác không đưa ra con số cụ thể về số mẫu cần thiết mà đưa ra tỉ lệ giữa số mẫu cần thiết và số tham số cần ước lượng. Tác giả Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) cho rằng tỷ lệ mẫu cần khảo sát là 4 hay 5 so với tổng biến cần khảo sát. Trong đề tài này có tất cả 28 biến quan sát vì vậy số mẫu tối thiểu cần thiết là 28 x 5 = 140. Như vậy, số lượng mẫu 200 là chấp nhận được đối với đề tài nghiên cứu này.