Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo trong kho tàng văn hóa dân tộc

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 170 - 172)

- Các khu xưởng chế tác thủ công

2. Giá trị của di sản văn hóa Óc Eo trong kho tàng văn hóa dân tộc

Đối với lịch sử - văn hóa dân tộc: Các di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo đã được phát hiện ở vùng đồng bằng trũng thấp miền TNB, cùng với những sử liệu Trung Hoa đã góp phần minh chứng cho một nền văn hóa - văn minh từng tồn tại trên đất nước Việt Nam vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Họ vốn là chủ nhân của nền văn hóa Đồng Nai (người Mã Lai) - một nền văn hóa đạt trình độ khá cao ở vùng miền Đông Nam Bộ, họ dần dần thâm nhập xuống vùng đất TNB để tìm sản vật, cùng với những người đến từ vùng biển nói ngôn ngữ Nam Đảo sinh sống trên vùng đất mới. Tại đây, họ tiếp tục tạo nên một nền văn hóa đa dạng đạt đến trình độ cao về mọi mặt.

Giá trị của nền văn hóa Óc Eo để lại cho các thế hệ sau là rất lớn. Bởi lẽ, Phù Nam được coi là một trong ba quốc gia hình thành sớm nhất Đông Nam Á từ thế kỷ I SCN; cũng là một trung tâm chính trị quyền lực lớn mạnh, có tầm ảnh hưởng lớn tới các nước trong khu vực, đã từng kiểm soát cả vùng Nam Đông Dương. Đây là một quốc gia có nền kinh tế, mậu dịch hàng hải đặc biệt phát triển thời bấy giờ, trở thành một cường quốc quân sự - chính trị, hình thành một nền văn hóa Phù Nam cổ và lan toả đến các vùng lân cận, mà ngày nay còn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.

Trước hết, mặc dù cư dân Phù Nam dù không phải là người sáng tạo ra chữ viết, nhưng họ đã vay mượn chữ của người Ấn Độ, chữ Brahmi theo ngôn ngữ Sanskrit để ghi lại những sự kiện quan trọng về chính trị, tôn giáo còn lưu lại cho đến ngày nay. Đây là một cứ liệu lịch sử vô cùng quan trọng, xác thực để những người hôm nay có thể tìm hiểu về nền văn minh và những giá trị mà họ để lại.

Về tôn giáo, cư dân Phù Nam đã sớm có tín ngưỡng bản địa. Trong quá trình phát triển, họ đã tiếp thu cả hai tôn giáo của nền văn minh Ấn Độ: Hindu giáo và Phật giáo. Điều này làm cho đời sống tinh thần của họ vốn đã phong phú lại càng thêm đa dạng, tạo dấu ấn đặc sắc cho nền văn hóa Óc Eo, để lại nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cho ngày nay.

Về nghệ thuật, cư dân Phù Nam đã sớm có một nền nghệ thuật phát triển. Đặc biệt, nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến một trình độ cao và được biểu hiện trên nhiều hiện vật khác nhau, từ các vật dụng bằng đá, gốm, và các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc đến những đồ trang sức tinh vi.

Như vậy, có thể thấy rằng, văn hóa Óc Eo thực chất là sản phẩm vật chất của vương quốc cổ Phù Nam tồn tại sáu thế kỷ đầu Công nguyên, với những địa điểm phát hiện trải rộng hầu khắp châu thổ sông Cửu Long mà nền tảng của nó là miền Tây sông Hậu. Nền văn hóa này tồn tại và phát triển, rực rỡ và đa dạng, tinh tế và độc đáo cùng với không gian và thời gian của vương quốc Phù Nam. Nó còn có ảnh hưởng lan toả ra bên ngoài châu thổ, để lại nhiều dấu tích cho đến ngày nay.

Từ những điều đó đã cho thấy vị trí và tầm quan trọng của nền văn hóa Óc Eo vô cùng to lớn; là nền văn minh cổ nằm trên vùng châu thổ ĐBSCL. Những giá trị văn hóa đặc sắc này là chính là một phần nằm trong dòng chảy của tiến trình văn hóa Việt Nam. Văn hóa Óc Eo (vương quốc Phù Nam) cũng như văn hóa Sa Huỳnh (vương quốc Champa) đều là một phần không thể thiếu trong lịch sử cổ đại Việt Nam. Đây chính là tính đa tuyến của lịch sử Việt Nam mà trong dòng chảy của nó ngoài dòng chủ lưu là nền văn hóa Văn Lang - Âu Lạc thì Chămpa và Phù Nam là hai dòng hội nhập tạo nên toàn bộ lịch sử Việt Nam. Trong một bài phát biểu tổng kết hội thảo khoa học “Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam”, GS Phan Huy Lê từng nói rằng: “Lãnh thổ của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều trải qua những biến động, khi mở rộng, khi bị thu hẹp và có hướng bị thu hẹp, có hướng được mở mang, thậm chí có trường hợp bị thôn tính và sáp nhập vào nước khác. Không có một lãnh thổ quốc gia bất biến, lãnh thổ là sản phẩm lịch sử gắn kết với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của các cộng đồng quốc gia, dân tộc. Quá trình hình thành và xác lập lãnh thổ Việt Nam cũng không ngoài quy luật chung đó” [75, tr.395].

Như vậy, có thể khẳng định rằng, văn hóa Óc Eo trên vùng đất Nam Bộ, văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam cùng với lịch sử của các vương quốc này là một bộ phận của văn hóa và lịch sử văn hóa Việt Nam tạo nên sự đa dạng, phong phú trong một chỉnh thể nền văn hóa Việt Nam.

Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng TNB: Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo thuộc xã Vọng Thê - huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Sự phong phú về loại hình, độc đáo về chất liệu và vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác, nên đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…

Từ sau năm 1975, diện mạo văn hóa Óc Eo ngày càng rõ nét, hàng ngàn hiện vật làm bằng các chất liệu như vàng, bạc, đồng, thiếc, chì, thuỷ tinh, đá, gỗ, gốm… đang được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng ở các tỉnh Nam Bộ. Đây là nguồn tài liệu chủ yếu giúp các nhà khoa học nghiên cứu về nhiều mặt đời sống cư dân văn hóa Óc Eo. Bản thân nó chứa đựng những giá trị vô cùng to lớn của dân tộc trong quá khứ; là tài sản vô giá của thời đại trước để lại; là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng TNB. Bởi trong bản thân mỗi di vật đều chứa đựng tâm hồn, in dấu những nét đẹp văn hóa phong phú, đa dạng, muôn sắc màu của một đế chế hùng mạnh tồn tại trên đất Nam Bộ, từng thống trị cả vùng Nam Đông Dương. Đây chính là nguồn lực phong phú, góp phần vào sự phát triển kinh tế, đưa vùng TNB thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Bởi lẽ, những DSVH Óc Eo thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, dịch vụ đang là một trong những nguồn thu hút vốn đầu tư nước ngoài khá lớn. Nó không chỉ tạo điều kiện cho ngành kinh tế du lịch phát triển mà còn tác động đến sự tăng trưởng các ngành kinh tế khác.

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 170 - 172)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w