Tây Nam Bộ và mạng lưới thương mại trên biển giai đoạn thiên niên kỷ I sau Công nguyên

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 147 - 149)

- Các khu xưởng chế tác thủ công

4.1. Tây Nam Bộ và mạng lưới thương mại trên biển giai đoạn thiên niên kỷ I sau Công nguyên

kỷ I sau Công nguyên

Cùng với các khu vực khác trên đất nước Việt Nam, TNB nằm ở phía Nam bán đảo Đông Dương, giữa Đông Nam Á và Đông Á; giữa lục địa và Thái Bình Dương, được biển bao quanh từ hai phía. Đặc điểm kiến tạo địa chất và quá trình biển tiến, biển thoái đã tạo nên nhiều vụng ven bờ và các đảo cho tàu thuyền neo đậu và trú bão trên con đường hàng hải.

TNB còn được coi là ngã tư đường của sự giao lưu Đông Tây, mà trước hết là sự giao lưu giữa hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Hoa; nằm trên con đường biển nối liền Ấn Độ, Trung Quốc qua tới Trung Cận Đông. Đây là hai trung tâm văn hóa của thế giới, có sự phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến các vùng lân cận. Ngay từ thế kỷ I, “con đường mậu dịch hàng hải giữa đế quốc La Mã tại Châu Âu và Trung Hoa đã được thiết lập. Thuỷ lộ xuyên qua hải phận Đông Nam Á, phát sinh từ việc các thương nhân tại bờ biển phía đông Ấn Độ muốn tìm đến trực tiếp nguồn cung cấp tơ lụa từ Trung Hoa” [152, tr.369]. Hải Cảng Óc Eo của vương quốc Phù Nam là điểm dừng chân cho chặng đường buôn bán trên biển từ Ấn Độ đến Trung Hoa và ngược lại [PL1.3, tr.191]. Tàu thuyền khởi hành từ các hải cảng gần cửa sông Hằng Hà, chạy dọc theo bờ biển của vịnh Bengal cho đến khi gặp bán đảo Mã Lai, từ đó trung chuyển qua eo đất Kra, rồi dọc theo bờ biển của vịnh Thái Lan cho đến khi tới Phù Nam [152, tr.369]. Sau khi đến vùng TNB, họ dừng chân nơi đây một thời gian để tiếp tế lương thực cũng như chờ cho thời tiết thuận lợi, rồi lên chiếc thuyền khác để làm một cuộc du hành đến Trung Hoa. Mặc dù, băng qua bán đảo Mã Lai tại eo đất Kra đòi hỏi việc bốc dỡ, vận tải trên đất liền nhưng so với việc lái thuyền chạy qua bán đảo Mã Lai với eo biển nông, đầy bãi đá ngầm và xoáy nước nguy hiểm, thì an toàn hơn nhiều.

Vùng TNB là xứ sở chịu ảnh hưởng gió mùa và chế độ dòng hải lưu. Gió mùa tạo ra hai mùa: mùa mưa và mùa khô, với khả năng lợi dụng sức gió điều khiển giao thông đường thuỷ bằng thuyền buồm, duy trì một hệ thống trao đổi từ Tây Nam đến Đông Bắc (từ tháng 4 đến tháng 10) rồi từ Đông Bắc đến Tây Nam (vào giữa tháng 10 đến tháng 4 sang năm), trong thời hạn một năm theo thường lệ. Chế độ dòng hải lưu và chế độ gió định kỳ đã điều khiển việc giao thông đường thuỷ từ miền duyên hải Châu Phi, nước Ả Rập, vịnh Ba Tư, Ấn Độ và Trung Quốc giúp cho các thương nhân thuận lợi trong việc trao đổi các loại hàng hoá. Cảng biển Óc Eo của vương quốc Phù Nam là chỗ nghỉ giữa hai chặng đó. Chính nhờ vào yếu tố tự nhiên này (chế độ các dòng hải lưu và chế độ gió định kỳ) mà vương quốc Phù Nam trở thành một quốc gia có nền hải thương (buôn bán trên biển) phát triển rực rỡ lúc bấy giờ [32, tr.250]. Buôn bán phát triển, các loại hàng hoá phong phú, đã làm thay đổi bộ mặt của cả vương quốc, Phù Nam nhanh chóng trở thành cường quốc lớn mạnh thống trị cả vùng Nam Đông Dương.

Bên cạnh đó, TNB là vùng đồng bằng châu thổ trẻ; có địa hình bằng phẳng và thấp dưới 10m; là sản phẩm bồi lắng phù sa của hệ thống sông Mê Kông và sông Sài Gòn từ khoảng 7.000 năm trở lại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trái phát triển, đặc biệt là cây lúa. Nguồn thực phẩm từ các loại động vật cũng vô cùng phong phú. Nơi đây cũng là một vùng đồng bằng mới được hình thành do mực nước biển rút vào thời kỳ 2000 năm cách ngày nay, rất thuận lợi cho cho việc giao lưu trên con đường Đông - Tây. Đây chính là điểm dừng chân/ cảng biển an toàn, nơi cung cấp lương thực, nước ngọt lý tưởng cho các chuyến buôn bán dài ngày trên biển và là nơi có nguồn hàng lâm thổ sản phong phú để các thương nhân lựa chọn.

Để thuận lợi cho việc luân chuyển hàng hoá giữa các vùng với nhau, cư dân Óc Eo đã xây dựng một hệ thống kênh đào rất công phu, nối liền Angkor Borei (Campuchia) với các di tích ở miền TNB. Họ có thể cho thuyền chạy sâu vào đất liền theo các con kênh đào để giảm chi phí bốc dỡ hàng hoá khi phải lưu chuyển trên cạn. Chính điều này giúp cho vương quốc Phù Nam trở thành một quốc gia có nền thương nghiệp phát triển, có sự giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Như vậy, có thể thấy vùng TNB có vài trò rất quan trọng trong mạng lưới thương mại trên biển những năm đầu Công nguyên. Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu và nguồn tài nguyên, cư dân Óc Eo đã có điều kiện để giao lưu, tiếp biến những tinh hoa văn hóa của thế giới bên ngoài, đưa nền thương nghiệp phát triển rực rỡ, làm cho đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây phong phú, đa dạng hơn.

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 147 - 149)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w