Một số khu trung tâm tôn giáo, chính trị

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 43 - 45)

Vương quốc Phù Nam chịu ảnh hưởng một cách sâu sắc bởi văn hóa Ấn Độ, nó được xem là một trong những “quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông” đầu tiên. Sự ảnh hưởng này được thể hiện trong tất cả các mặt đời sống của cư dân nơi đây: chính trị, kỹ thuật, văn hóa, tôn giáo, phong tục... Trong đó, tôn giáo đóng vai trò quan trọng nhất, nó chi phối toàn bộ mọi hoạt động khác. Chính vì thế, trong vương quốc lúc bấy giờ đã hình thành nên những trung tâm tôn giáo, chính trị quan trọng như di tích Gò Tháp, Đá Nổi, Gò Xoài...

Di tích Gò Tháp (Prasat Pram Loven) là tên gọi chung cho một khu vực gồm nhiều gò nhỏ nằm trên một giồng đất rộng thuộc ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một tập hợp gồm nhiều công trình kiến trúc mang tính chất tôn giáo như: kiến trúc Gò Tháp Mười - được xem là đền thờ thần Vishnu; di tích 10GT.H11 và di tích Bà Chúa Xứ - được xem đền thờ thần Surya; các di tích 93GT.M1, 93GT.M2, 93GT.M3, 93GT.M4, 93GT.M5 và 10GT.H10 - đền thần Vishnu và thần Siva; Gò Minh Sư - đền thần Siva [127, tr.71-90]... Trong các di tích này, xuất hiện dày đặc các di vật, tượng thờ hoặc các hoá thân của các vị thần, phật. Đặc biệt, tại đây, các nhà khảo cổ học còn tìm được 8 bản văn khắc. Trong đó, có

bản văn khắc (ký hiệu K5) nhắc đã tới việc hoàng tử Gunavarman thuộc dòng tộc Kaundinya cho dựng một tượng đôi bàn chân của thần Vishnu, người được mệnh danh là Sri Cakratirtha. Văn bia còn cho biết, đây chính là vùng đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam và phong cho con trai là Gunavarman cai quản. Như vậy, có thể xem, di tích Gò Tháp là một trung tâm tôn giáo, chính trị quan trọng của vương quốc Phù Nam.

Di tích Nền Chùa (Tà Keo) thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây từng được xem là trung tâm thương mại lớn nhất vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ. Qua các đợt khảo sát, L.Malleret đã cho rằng, di tích này được coi là “tiền cảng” của “thành phố cảng Óc Eo” [15], là một trung tâm văn minh và là vùng cảng thị cực Tây Nam của vương quốc Phù Nam. Sự cường thịnh của nền văn minh này được thể hiện qua các dấu tích để lại.

Đặc biệt, nơi đây phát hiện nền móng của một ngôi đền khá lớn được xây bằng đá, dạng hình chữ nhật dài 25,6m, rộng 16,3m [16, tr.335]. Toàn bộ phía trên đã bị sụp đổ, đá được phủ lên toàn bộ mặt gò. Nền móng được nện chặt bằng đất sét rất vững chắc, có tác dụng chống nước muối ngấm vào. Bên ngoài có một chiếc linga bị vỡ còn phân nửa bằng sa thạch, cao khoảng 1m cùng với nhiều hiện vật khác như linga, yoni bằng đá, con dấu khắc hình thuyền, hình ốc, bùa đeo đúc hình người, mảnh gốm có hình nghệ nhân chơi đàn, nhiều hạt chuỗi, đá quý… Tại đây, 19 ngôi mộ hoả táng cũng được phát hiện. Trong các ngôi mộ có chôn theo nhiều lá vàng mỏng có in hình người, hình thần, hình bò Nandin, rùa, rắn, những đồng tiền, nhẫn, đá quý…

Như vậy, di tích Nền Chùa ngoài những dấu tích của cư trú, cảng thị thì còn có nhiều dấu tích của một trung tâm tôn giáo. Di tích có vai trò rất quan trọng, phản ánh nhiều mặt về hoạt động kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân nơi đây.

Di tích Gò Xoài nằm trong quần thể di tích Bình Tả, thuộc xã Đức Hoà Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là một quần thể di tích có từ thời tiền sử tới sơ sử, được phân bố theo các trục lộ cổ và sông Vàm Cỏ Ðông. Cụm di tích này có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII SCN bao gồm các di tích như: Gò Xoài, Gò Đồn, Gò Năm Tước.

Di tích Gò Xoài được xây bằng gạch, có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20 mét, nền móng của di tích có cấu tạo rất chắc chắn và phức tạp, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (badan), sỏi đỏ, cát trắng… Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông, cạnh 2,2m; sâu trên 2,5m, ở gần đáy hố thờ đã phát hiện được tro và một bộ sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình những linh vật như rùa, rắn, voi; những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý; một bản văn minh Pali lai gồm 5 dòng: dòng thứ nhất ghi một đoạn Pháp Thân Kệ, dòng thứ hai ghi một đoạn Kinh Pháp Cú (cả hai đoạn minh văn trên đều thuộc về Phật giáo), dạng mẫu tự trên minh văn này được nhận định thuộc loại mẫu tự Nam Ấn (Deccan), thế kỷ VIII - IX SCN [93]. Căn cứ trên các sưu tập di vật, dạng thể và quy mô của các kiến trúc và nhất là nội dung của bản minh văn đã phát hiện tại di tích Gò Xoài, có thể nhận định rằng, đây là một trong những di tích quan trọng của văn hóa Óc Eo.

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w