Giao lưu văn hóa với miền Trungvà miền Bắc Việt Nam

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 149 - 153)

- Các khu xưởng chế tác thủ công

4.2.1. Giao lưu văn hóa với miền Trungvà miền Bắc Việt Nam

Việt Nam có đường bờ biển dài với nhiều vụng, đảo ven bờ và các cửa sông, thuận tiện cho việc giao thông trên biển. Ngay từ xa xưa, các nhóm cư dân bản địa đã thường xuyên có các hoạt động giao lưu và trao đổi văn hóa bằng đường biển và đường sông. Nhờ đó, họ tiếp nhận và chia sẻ các thành tựu văn hóa, góp phần hình thành và phát triển nên những quốc gia và nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam. Những dấu tích khảo cổ học rất phong phú và đa dạng đã phát hiện được từ nhiều di tích ven biển, cũng như dọc theo các dòng sông vào sâu trong đất liền, cung cấp nhiều chứng cứ quan trọng cho việc nghiên cứu mối quan hệ giao lưu giữa các quốc gia cổ đại ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam với các nước trong khu vực.

Các học giả cho rằng, từ 3.000 năm cách ngày nay, đã có những người đi biển, lái buôn hoặc kiều dân lui tới và dần dần thiết lập các cơ sở ở vùng hải đảo và đất liền Đông Nam Á [161, tr.10-118]. Tuy nhiên, mối quan hệ này chỉ thật sự phát triển vào thời đại kim khí, đặc biệt vào giai đoạn muộn. Trong nhiều di tích khảo cổ học quan trọng của thời kỳ này xuất lộ những di vật thể hiện các mối giao lưu văn hóa rộng rãi giữa các vùng với nhau và với thế giới bên ngoài. Các di tích ở vùng gần cửa sông, trên các cồn cát ven biển hay các đồng bằng nhỏ trước núi ven biển ở thời kỳ này không chỉ là các địa điểm có tính chất dừng chân hay điểm trung chuyển ven biển mà còn là những trung tâm lớn, thông thương với các vùng sâu trong đất liền bằng các con sông và với nhiều vùng khác bằng các tuyến hải lộ.

Những thế kỷ trước SCN, trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại 3 nền văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo (vào giai đoạn sớm - tiền Óc Eo). Đây đều là những trung tâm có sự giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện kiểu mộ chum/vò trong các di tích Làng Cả, Làng Vạc, Đồng Mỏm,

Hoàng Lý… (Bắc Bộ); cũng như cá di tích Hậu Xá, An Bàng, Gò Mả Vôi, Tiên Lãnh (Nam Trung Bộ); di tích Hàng Gòn, Dầu Giây, Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt… (Đông Nam Bộ); ở di tích Trà Dôm, Bàu Cạn, Lung Leng (Tây Nguyên); di tích Linh Sơn, Gò Tháp, Nhơn Thành (TNB) là những minh chứng thiết thực nhất cho sự giao lưu giữa các nền văn hóa với nhau.

Một số loại hình di vật như hạt chuỗi đá quý, đá màu, thuỷ tinh, vàng, gương đồng… có mặt trong cả ba nền văn minh Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo. Điều đó cho thấy, mối quan hệ giao lưu giữa các vùng đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Cư dân các quốc gia cổ đại giao lưu, trao đổi, buôn bán với nhau trực tiếp theo con đường ven biển, hoặc gián tiếp qua các hệ thống sông tới các di tích sâu hơn trong đất liền. Những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh (khuyên tai hai đầu thú), văn hóa Hán (gương đồng, một số loại hình gốm), và các đồ trang sức ngoại nhập (hạt chuỗi hình tròn hoặc hình quả nhót bằng đá mã não, serpentine, amethyst, cristal từ Địa Trung Hải và Ấn Độ), được cư dân ở hai bên cửa sông Đồng Nai tiếp nhận và có lẽ cũng là người trung gian chuyển tiếp vào sâu hơn dọc theo sông Đồng Nai, lên tới vùng Bình Dương (di tích Phú Chánh), Lâm Đồng (di tích Phù Mỹ) và qua hệ thống sông Vàm Cỏ, vào vùng Đồng Tháp Mười (di tích Gò Ô Chùa, Gò Hàng, các dấu tích văn hóa sớm ở Gò Tháp)…

Qua những chứng cứ khảo cổ học đã cho thấy, sự tồn tại và phát triển của các quốc gia cổ đại ở các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam, cũng được nhận thấy trên nhiều khu vực Đông Nam Á, đều có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự hoạt động của các tuyến giao thương trên biển. Sự phát triển văn hóa, xã hội và kinh tế, đặc biệt là thương mại trên biển, đã thúc đẩy các quốc gia cổ đại ngày một lớn mạnh bởi sự vững chắc về năng lực tổ chức xã hội, ảnh hưởng chủ yếu từ nền văn minh Ấn Độ. Mô hình tổ chức xã hội của Ấn Độ chủ yếu dựa vào tư tưởng và tôn giáo mà các nhà truyền giáo cùng những thương nhân đã mang đến bằng đường biển. Phù Nam là chính thể sớm nhất được biết tới như là một cường quốc hải thương, đặc biệt phát triển vào thế kỷ III SCN theo các tư liệu thư tịch Trung Hoa, với các dấu tích khảo cổ học phong phú và giàu có nhất xuất lộ từ Nam Việt Nam và nhiều loại hình di vật tương đồng được phát hiện rộng rãi ở nhiều di tích thuộc

Đông Nam Á. Tuy nhiên, các chứng tích khảo cổ học vô cùng phong phú gợi ý sự có mặt của nhiều chính thể thuộc các cấp độ khác nhau, ít nhất là vào đầu thiên niên kỷ I SCN ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Phần lớn trong số này đã bị các lớp văn hóa Hán che phủ một cách cưỡng bức. Chỉ có Lâm Ấp thoát khỏi một cách nhanh chóng vào thế kỷ II SCN, chắc chắn có phần góp sức to lớn của kinh tế thương mại và giao lưu văn hóa trên biển, để hình thành nên nền văn minh Champa rực rỡ trong nửa sau thiên niên kỷ I SCN.

Kết quả của hoạt động giao lưu thương mại trên biển suốt hành trình dài từ thời kỳ Đá mới đến nửa đầu thiên niên kỷ I SCN, đã góp phần tạo cơ hội cho các cư dân bản địa tiếp nhận nhiều kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời, nhu cầu về hàng hoá, lương thực, thực phẩm và các đồ tiêu dùng khác đã góp phần thúc đẩy các nền kinh tế địa phương khởi sắc. Mật độ dân cư ngày càng tập trung đông hơn dọc bờ biển và những cửa sông quan trọng. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, các chứng cứ khảo cổ học đã cho thấy, nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, với các kỹ năng xử lý và khai thác nguồn nước độc đáo của các cư dân miền Trung và hệ thống kênh đào phát triển rộng khắp trên vùng đồng bằng Nam Bộ giúp cho nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng lúa phát triển, đồng thời, giúp cho sự giao lưu giữa các nhóm cư dân được dễ dàng hơn. Vai trò và vị trí của những người đứng đầu các nhóm cư dân, thường là liên quan đến thương mại và giao lưu trao đổi chính trị, ngoại giao, văn hóa có thể nhận thấy rõ nét thông qua mức độ giàu có của các đồ ngoại nhập xuất lộ trong các khu mộ táng (Việt Khê, Lai Nghi…). Lúc này, các ngành thủ công phát triển mạnh mẽ. Người thợ thủ công thời kỳ này đã có thể tạo ra những đồ trang sức bằng thuỷ tinh, mà kỹ thuật kéo ống để tạo ra các hạt chuỗi hình trụ tròn nhỏ được truyền bá từ Nam Ấn Độ. Dấu tích sản xuất được thấy

ở di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) và nhiều di tích ở Nam Thái Lan. Dấu vết xỉ còn được thấy trong các khu vực cư trú và cả trong các mộ táng (di chỉ cư trú và mộ táng chân Gò Minh Sư, Gò Tháp, Đồng Tháp) [158, tr.232-244].

Điêu khắc đá và gỗ cũng là một ngành thủ công ra đời và đặc biệt phát triển. Nó là những sản phẩm quan trọng của quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia

cổ đại. Với nghề mộc, kỹ thuật ghép gỗ bằng mộng cắt và chốt rời ở mộ thuyền Động Xá (Thế kỷ II SCN), cũng được thấy sử dụng trong việc ghép các cánh tay vào thân tượng Phật bằng gỗ ở Gò Tháp, một khu vực xuất lộ dấu tích xưởng điêu khắc gỗ của thời kỳ văn hóa Óc Eo [159].

Như vậy, có thể thấy, bên cạnh việc tiếp thu nhiều kiến thức và kỹ thuật khác nhau từ Ấn Độ, sự giao lưu văn hóa với các quốc gia cổ đại khác đã khiến cho cư dân cổ vùng đồng bằng sông Mê Kông, cũng như cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, tiếp nhận được những kỹ thuật từ vùng địa Trung Hải từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Vào những thế kỷ cuối TCN và những thế kỷ đầu SCN, con đường thương mại mà Việt Nam là điểm dừng chân quan trọng giữa vùng Đông Á và thế giới Địa Trung Hải, đi qua Ấn Độ và Đông Nam Á, hoạt động rất sôi nổi. Vùng châu thổ sông Hồng, ở nhiều mức độ khác nhau, đã chia sẻ và tiếp nhận các ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Trong khi kỹ thuật đóng thuyền ở mộ thuyền Việt Khê chia sẻ kỹ thuật truyền thống, sử dụng chốt gỗ, buộc dây phổ biến ở Đông Nam Á, tồn tại từ 3.000 năm TCN đến 1.200 năm SCN [162], thì kỹ thuật đóng thuyền sử dụng mộng cắt và gắn chốt rời của các mộ thuyền Động Xá và Yên Bắc (niên đại xác định vào thế kỷ II SCN) được cho là tương tự kỹ thuật truyền thống của châu Âu và Tây Á. Những con thuyền thời kỳ sớm của Ai Cập và Châu Âu sử dụng kỹ thuật này trong khoảng thời gian 1.300 năm TCN hay sớm hơn và kéo dài tới năm 700 SCN. Rất nhiều tàu có nguồn gốc Ai Cập, La Mã, trong đó, đáng chú ý nhất là các tàu Kyrenia, Madrague de Giens, Antikythera I and Caesarea, có niên đại 300 TCN - 100 SCN, sử dụng kỹ thuật như ở Động Xá và Yên Bắc. Điều đáng chú ý là trong khi các mộng và chốt của Động Xá và Yên Bắc có kích thước nhỏ, thì ở các tàu kể trên, chúng có kích thước lớn hơn nhiều. Sự khác biệt đó được cho là quy định bởi kích thước của các con tàu lớn được chế tạo cho những chuyến đi xa trên biển. Còn ở Bắc Việt Nam, những con thuyền nhỏ ở Động Xá và Yên Bắc phù hợp với việc đi lại trong sông [163]. Thuyền độc mộc là một phương tiện truyền thống phổ biến trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Những con thuyền sớm nhất

được phát hiện ở Đan Mạch, cách ngày nay 8.300 - 7.200 năm đã chứng minh điều đó. Nó là phương tiện đi lại quan trọng của cư dân vùng hải đảo châu Á Thái Bình Dương và quần đảo Hawai. Gần đây, ngày càng nhiều thuyền độc mộc và các mảnh vỡ [PL2.6, h.1-h4, tr.214-215] được phát hiện ở khu vực Huế, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang. Một số có thể thuộc niên đại rất muộn, căn cứ vào các di vật đi kèm. Sự có mặt của loại thuyền này ở vùng ven biển Tiền Giang, cho thấy, có khả năng chúng không chỉ được dùng trên sông mà còn được dùng cho các chuyến đi ven biển [131].

Ngoài ra, những di vật ngoại nhập như tiền Ngũ thù, lục lạc [PL2.13, h.3, tr.235], chuông đồng và gương đồng Trung Quốc [PL2.2, h.6, tr.201] là một trong số những dấu hiệu về sự phát tán các thành quả của văn minh Trung Hoa trong khu vực quốc gia cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam và Đông Nam Á. Hay là một pho tượng Phật đồng [PL2.12, h.17, tr.233], có kích thước nhỏ bé được phát hiện ở Gò Cây Thị, Óc Eo. Phong cách thể hiện cho thấy, đây là hình mẫu tiêu biểu của nghệ thuật thời Bắc Nguỵ [85, tr.27-29].

Như vậy, từ các chứng cứ khảo cổ học có thể thấy, từ rất sớm, cư dân Phù Nam đã có các hoạt động trao đổi với các nhóm cư dân cổ ở Việt Nam và Đông Nam Á bằng đường biển, đường sông. Việc trao đổi hàng hoá là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành sản xuất thủ công bản địa, tăng cường sức sản xuất và số lượng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân nơi đây.

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 149 - 153)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w