Phong tục, tập quán

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 136 - 147)

- Các khu xưởng chế tác thủ công

3.3. Phong tục, tập quán

Phong tục, tập quán là những hoạt động sống, liên quan đến vòng đời của con người, như phong tục về sinh đẻ, cưới xin, ma chay… Tuy nhiên, với nguồn tư liệu hiện có rất khó có thể phác thảo hết được những phong tục tập quán của cư dân Óc Eo ở miền tây Nam Bộ.

Tục lệ ma chay là phong tục duy nhất để lại dấu vết rõ nét trong hệ thống những phong tục tập quán của cư dân Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ. Nó thể hiện thái độ ứng xử của con người với con người, giữa cõi sống và cõi chết. Mỗi dân tộc có một quan niệm, một hình dung riêng về cái chết. Tuỳ vào từng quan niệm mà họ có những tục lệ, cách ứng xử với người chết khác nhau, từ đó cách thức mai táng cũng khác nhau.

Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, ngay từ thời nguyên thuỷ, cư dân Đông Nam Á đều tin rằng, mỗi người sinh ra và mất đi ra đều có linh hồn. “Hồn”

có quan hệ mật thiết đối với mỗi con người. Linh hồn là thứ tồn tại vĩnh cửu. Khi nó cư trú trong thể xác con người thì nó chiếm hữu, điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của người đó. Nếu hồn thoát khỏi xác thì con người sẽ chết. Nhưng chết không có nghĩa là hết. Người chết có thể “về với tổ tiên, ông bà nơi chín suối. Do có hồn nên người chết vẫn có thể thường xuyên đi về phù hộ độ trì cho con cháu ở dương gian” [12, tr.201]. Quan niệm này chính là cơ sở ra đời những phong tục ma chay trong đời sống cư dân Đông Nam Á thời cổ đại.

Vương quốc Phù Nam nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, đối với cư dân nơi đây, tục lệ ma chay rất quan trọng trong đời sống của họ. Theo Lương thư, “tục chôn cất người chết ở Phù Nam có 4 cách: thuỷ táng (thả thi thể xuống sông), hoả táng (thiêu xác), địa táng (chôn thi hài), điểu táng (để thi thể ngoài trời cho chim rỉa xác)” [140, tr.332]. Tuy nhiên, dấu tích rõ ràng về phong tục này qua các cuộc khai quật có thể thấy, cư dân Óc Eo có hai hình thức mai táng chủ yếu: hoả táng và địa táng, trong đó hoả táng để lại nhiều dấu vết rõ ràng hơn.

Hoả táng: theo quan niệm của những dân tộc chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo, cái chết chính là nơi nương náu cuối cùng, là chốn vĩnh hằng của con người, mà thân xác chỉ còn được giữ lại với tư cách tượng trưng bằng một nhúm than tro. Phù Nam là một vương quốc chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Ấn Độ giáo, trong đó, tục hoả táng để lại nhiều dấu vết rõ nét nhất. Tục hoả táng được coi là hình thức mai táng phổ biến trong cư dân Óc Eo. Nó thường được tổ chức theo nghi thức của những người theo Bàlamôn giáo, Phật giáo. Khi người thân trong gia đình, dòng họ mất, họ thường đưa lên giàn hoả thiêu chất củi để đốt. Sau khi thân xác cháy thành tro, những người trong gia đình có thể cho than tro vào một chiếc chum hay tháp, chôn trong mộ có hộc vuông được xây kiên cố cùng một số đồ tuỳ táng. Những ngôi mộ này thường được đắp bằng nhiều lớp đất sét, cát, gạch, đá... trên một gò đất cao, được xử lý đất đắp rất phức tạp: có lớp bằng phẳng, có lớp xéo, có lớp chồng chéo... Ở trung tâm của mỗi ngôi mộ có khối trụ vuông bằng gạch, gỗ hay đá (ở Óc Eo), bên trong lấp đầy cát trắng, xung quanh thường được gia cố bằng một khối lượng

lớn gồm hàng tấn đá tảng hay gạch vỡ và cát có chất kết dính [64, tr.313] như khu mộ NC82BCX-A nằm trong khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) hay một số mộ táng ở Óc Eo (An Giang); Đá Nổi (An Giang); Nền Chùa, Cạnh Đền, Kè Một (Kiêng Giang); Gò Thành, Nhơn Thành (Tiền Giang)...

Như vậy, có thể thấy rằng, trong các di tích Óc Eo, những ngôi mộ táng được xây dựng một cách đồ sộ, kiên cố hơn những ngôi nhà ở của người sống. Họ xây các mộ huyệt kiên cố với mong muốn mộ được trường tồn với thời gian, cũng đồng nghĩa với mong muốn linh hồn được bảo vệ, trường tồn.

Địa táng không được phát hiện nhiều như hoả táng, tuy nhiên, đây cũng là một hình thức mai táng hết sức quan trọng, thể hiện một cách nhìn, một phong tục chôn cất đã từng tồn tại trong đời sống của cư dân Óc Eo ở miền TNB. Có thể do cách thức chôn cất của địa táng (mộ đất - người chết được đặt trong huyệt, thường không có áo quan, chỉ có một số đồ tuỳ táng), do vậy, khi các nhà khảo cổ khai quật loại mộ này thường không tìm thấy xương cốt, hoặc chỉ còn vài mảnh xương và đồ tuỳ táng nên rất khó xác định. Tuy nhiên, phát hiện gần đây của các nhà khảo cổ học trong lớp sinh thổ hố 02OE.H2 ở Gò Tư Trâm “một ngôi huyệt mộ hình chữ nhật, dưới đáy còn in dấu chiếu cói và chất hữu cơ màu trắng” [17, tr.20], đã góp thêm tư liệu cho hình thức mai táng này. Như vậy, ở ngôi mộ này, không tìm thấy xương, nhưng những chất hữu cơ màu trắng trong mộ có thể là xương cốt đã bị phân huỷ. Đặc biệt, trước khi chôn cất thi thể đã được quấn bằng chiếu cói. Điều này cho thấy, trước khi chôn cất người chết cư dân Óc Eo đã sử dụng chiếu (hoặc một loại giống chiếu) để quấn thi thể người chết lại.

Tại chân Gò Minh Sư (Gò Tháp, Đồng Tháp), trong đợt khai quật năm 2003, các nhà khảo cổ học phát hiện được 21 ngôi mộ. Trong đó, có một số ngôi mộ được xác định chôn mộ huyệt đất, bởi sự xuất lộ các mảnh xương sọ, xương chi. Các mộ được chôn quay đầu về hướng bắc, đông và đông bắc. Hình thức mai táng này (địa táng) cũng được thấy ở giai đoạn sớm, tại An Sơn, các nhà khảo cổ học đã khai quật 3 ngôi mộ còn nguyên di cốt, trong đó có hai ngôi mộ được chôn quay đầu về hướng nam, nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng [140, tr.330]. Địa táng là hình thức mai táng rất phổ biến trong đời sống của cư dân Đông Nam Á cổ xưa. Có thể nó mang

nhiều ý nghĩa riêng, khó giải thích hết được. Song cũng có thể, trong đó có quan niệm con người được sinh ra từ cát bụi, khi chết lại trở về cát bụi của người xưa.

Một hình thức mai táng rất đặc biệt, đó là tục chôn cất người chết nối tiếp nhau. Hình thức này được các nhà khảo cổ học phát hiện ở Rạch Rừng với 8 trong 3 di cốt nguyên vẹn được chôn trong tư thế đặt nằm sấp, người hơi gập xuống, hai tay để giữa hai đùi và ba người được chôn nối tiếp nhau trên một đường thẳng, đầu người sau tiếp theo chân người trước, quay đầu về hướng đông. Trên tay chân đeo vòng bằng đá, đầu cũng được đeo nhiều đồ trang sức và những hạt chuỗi bằng xương là trang sức trên áo [140, tr.330]. Hình thức mai táng này, cho đến nay, mới chỉ phát hiện duy nhất ở Rạch Rừng. Có thể đây là một hình thức cúng tế chứ không phải là một tập tục chôn cất của cư dân Óc Eo.

Với niềm tin về một thế giới bên kia đang tồn tại, chờ đợi con người từ thế giới bên này đến cư ngụ, trong phong tục chôn cất người chết của cư dân Óc Eo, đồ tuỳ táng là một trong những đồ vật quan trọng, không thể thiếu khi chôn cất người thân của mình. Những đồ tuỳ táng là sự chuẩn bị cho tương lai để sử dụng ở thế giới bên kia. Vì vậy, dù người giàu hay người nghèo đều được chôn theo các vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Chẳng hạn, họ tin rằng, khi sang thế giới bên kia vẫn phải lao động sản xuất, tạo ra của cải nuôi bản thân (họ chôn theo các loại dụng cụ lao động, sản xuất...); vẫn phải ăn uống (chén bát, nồi, cà ràng...); vẫn cần phải làm đẹp (đồ trang sức); hay họ vẫn cần có những vị thần linh phù hộ khi bước sang cuộc sống mới (những lá vàng có in hình hoặc liên quan đến các vị thần linh như Vishnu, Siva...). Điều đặc biệt, trong hầu hết những ngôi mộ của cư dân Óc Eo đều có những viên sỏi được chôn theo. Có thể, nó có một ý nghĩa tâm linh nào đó rất quan trọng đối với họ mà chúng ta cần thời gian nghiên cứu tiếp.

Như vậy, qua đó cho thấy, nhân sinh quan, thế giới quan của cư dân Óc Eo ở miền TNB không khác với quan niệm của những cư dân khác ở vùng Đông Nam Á cổ đại. Họ cho rằng, khi chết là bước sang một thế giới khác, cũng giống như thế giới họ đang ở, chứ không phải sẽ trở thành những vị thần linh có quyền năng vô biên để phù hộ những người đang sống. Tuy nhiên, những đồ vật chôn theo này thường được đập nhỏ, rải đều trong mộ.

Có thể dựa vào những đồ tuỳ táng được chôn trong các ngôi mộ để phân biệt mộ của những người thuộc tầng lớp trên, tầng lớp tăng lữ với mộ của những người bình dân, nô lệ. Qua phân tích những di vật trong các ngôi mộ táng, các nhà khảo cổ phát hiện, có một số ít ngôi mộ chôn theo số lượng lớn đồ vật có giá trị, cùng với không ít sản phẩm tiêu biểu cho trình độ kỹ thuật cao được du nhập từ nước ngoài thời bấy giờ. Hay mộ táng ở Gò Thành (Tiền Giang) cũng cho thấy, hài cốt của người chết chỉ còn lại dưới dạng than tro với những di vật tìm thấy trong các ngôi mộ, chắc hẳn đây là táng thức của tầng lớp đẳng cấp tăng lữ, hoặc những người giàu có, là tín đồ của đạo Bàlamôn và đạo Phật... Như vậy, có thể thấy, qua các ngôi mộ không chỉ hiểu được những phong tục tập quán, mà còn có thể nhận biết phần nào thân thế, địa vị xã hội của chủ nhân, sự phân hoá giàu nghèo sâu sắc trong xã hội của cư dân Óc Eo ở miền TNB.

Đặc biệt, trong văn hóa Óc Eo không có những nghĩa địa tách rời, riêng biệt, các ngôi mộ được chôn rải rác trong các khu cư trú. Điều này được thấy rõ nhất ở di tích Gò Tháp, Gò Minh Sư với các ngôi mộ được tập trung thành một khu vực liền kề nơi cư trú.

Phong tục chôn cất của cư dân Óc Eo rất phong phú, đa dạng. Có thể họ còn có nhiều nghi thức, nghi lễ cho người chết. Nhưng do thời gian, những phong tục, nghi thức đó đã bị vùi lấp cùng chủ nhân của nó, khó có thể làm sáng tỏ được. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định rằng, cư dân Óc Eo đã có những tập tục, những quan niệm nhất định trong phong tục chôn cất người chết. Cái chết đối với họ là một sự giải thoát, đưa họ về với thế giới vĩnh hằng.

Phong tục đeo nhiều đồ trang sức của cư dân Óc Eo được thể hiện rất rõ qua các bức tượng và số lượng lớn đồ trang sức được phát hiện trong các di tích Óc Eo đã được chứng minh ở trên.

Ngoài ra, còn một số phong tục, tập quán của cư dân Óc Eo đã được các sứ giả Trung Hoa mô tả lại như: khi thiết triều, nhà vua ngồi nghiêng một bên, chân phải co lên, chân trái buông thõng xuống đất một cách thoải mái, còn trong cuộc sống thì người Phù Nam rất đơn giản, nhưng họ không trộm cắp hay [1, tr.367]. Tuy nhiên, những phong tục này khó có thể chứng minh bằng tư liệu khảo cổ học.

3.4. Chữ viết

Chữ viết là hệ thống ký hiệu, là phương tiện để ghi lại thông tin. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chữ viết có một vai trò rất to lớn, nó trở thành công cụ duy nhất để con người có thể truyền đạt cho nhau những kinh nghiệm sản xuất và đấu tranh. Đây là dấu hiệu của một cộng đồng cư dân đã bước vào thời kỳ lịch sử.

Vùng châu thổ sông Cửu Long được xem là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa; nơi gặp gỡ, tiếp xúc của nhiều ngôn ngữ, nhiều tộc người, đặc biệt là nền văn minh Ấn Độ. Chữ viết xuất hiện trên vùng đất này từ những năm đầu Công nguyên, là kiểu chữ Brahmi của vua Ấn Độ. Những thương nhân và thuỷ thủ đã đưa các nhà sư và những vị Bàlamôn từ Ấn Độ đi cùng để giúp họ một số nghi thức cầu nguyện, hoặc để những nhà truyền giáo Ấn Độ đi cùng thuyền buôn cập bến dừng chân, truyền những tôn giáo mới vào vùng đất này. Những người này đã mang theo chữ viết Ấn Độ. Khi người dân bản xứ chấp nhận tôn giáo mới cũng là lúc họ chấp nhận loại chữ viết này. Đó là dạng chữ Brahmi, theo ngôn ngữ Sanskrit, có niên đại sớm nhất được xác định trên những cổ vật Óc Eo từ thế kỷ I và có sự tiếp nhận liên tục đến thế kỷ VI SCN. Mẫu tự Brahmi gồm có 6 nguyên âm và 30 phụ âm [9, tr.39].

Cư dân Óc Eo những thế kỷ đầu Công nguyên đã tiếp nhận chữ viết từ Ấn Độ và dần xây dựng nên một hệ thống chữ viết để ghi lại tiếng nói của mình. Chữ Brahmi với ngôn ngữ Sanskrit là ngôn ngữ chính thức trong vương quốc Phù Nam. Cư dân nơi đây sử dụng ngôn ngữ Sanskrit để chạm khắc những chỉ dụ trên bia đá, trên khung cửa của những ngôi đền, trên kim khí bằng sắt, đồng, vàng, hoặc trên những miếng đất nung…

Bia ký là một trong những di vật quan trọng nhất ghi lại những phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa của cư dân cổ cũng như lịch sử của vùng đất. Rất nhiều tấm bia ký ở thời kỳ Phù Nam được tìm thấy khắp các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ Việt Nam, Campuchia, Lào… nhưng chúng ta có thể phân làm 6 loại chữ viết [9, tr.36]:

- Bia ký có nét chữ Brahmi cổ nhất được tìm thấy ở Võ Cạnh (Nha Trang). - Bia ký sử dụng những nét chữ đầu hộp mang tên nhà vua Bhadravarman. Loại bia này xuất phát từ chữ viết bia ký Vātātaka của Ấn Độ.

- Chữ viết trên bia ký Phú Hữu và bia ký Long An tương tự chữ viết bia ký Pallava.

- Những chữ viết trên bia ký Đồng Tháp Mười và bia ký Ta Prohm cùng loại với chữ viết bia ký Pallava. Nó được chạm khắc rất tinh xảo.

- Chữ viết hình tròn được người ta tìm thấy ở những bia ký trong thời kỳ đầu Công nguyên. Nét chữ chạm khắc rất thô.

- Chữ viết có hình thon dài, giống với chữ viết Amarāratī như bia ký Phu Lokhon.

Qua đó cho thấy, những chữ viết trên bia ký Phù Nam đều có mối liên hệ mật thiết với chữ viết Ấn Độ. Thời kỳ đầu chữ khắc trên đá còn thô, nhưng từ thế kỷ IV trở đi, các chữ viết có phần sắc sảo hơn. Đặc biệt, từ thế kỷ VII SCN trở về sau, bia ký ở vùng này có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều nét chữ khác với nguồn gốc ban đầu [9, tr.37]. Nội dung trên các tấm bia ký ở vùng miền TNB đa số đề cập đến những nội dung tôn giáo, lễ vật dâng cúng hoặc tán dương các vị vua, nhân vật quan trọng, người đứng đầu cai trị vùng đất hay những người chạm khắc. Duy chỉ có bia ký nằm ở xã Mỹ Hưng, huyện Bình Phú, tỉnh Long An là cột mốc chỉ rõ địa phận

đây là biên giới của Rajaputra Kompon Do” [9, tr.262].

Ngoài ra, dấu tích chữ viết của cư dân Óc Eo còn được thể hiện trên những miếng vàng được tìm thấy trong các ngôi mộ táng. Theo thống kê không đầy đủ, có khoảng 35 lá vàng được khắc chữ cổ [17, tr.382]. Trong đó, di tích được phát hiện nhiều nhất là di tích Đá Nổi với 31 lá vàng, Gò Tháp có 3 lá, Gò Xoài có 1 lá. Hầu hết những lá vàng này đều được khắc dạng chữ Brahmi, theo ngôn ngữ Sanskrit, trong đó có 5 lá vàng được khắc chữ riêng biệt.

Tại di tích Óc Eo (Ba Thê), các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy 1 chiếc nhẫn mặt ngọc có khắc chữ Mã Lai, 12 mảnh thiếc có khắc chữ Brahmi [110, tr.39].

Một phần của tài liệu Luan an. (9-11-2015) (Trang 136 - 147)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(189 trang)
w