Bản chất của tiền lương trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu luu-ban-nhap-tu-dong-8-17 (Trang 41 - 43)

Bản chất của tiền lương trong doanh nghiệp, trước hết thể hiện dưới góc độ kinh tế của nó, tức là, tiền lương trong doanh nghiệp là kết quả của quá trình thỏa thuận trao đổi hàng hóa sức lao động của người lao động cung ứng sức lao động của mình trong một khoảng thời gian nào đó hoặc trên nền tảng một kết quả của một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào đó ra đời và sẽ nhận được một khoản tiền tương xứng đã thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Theo Các Mác, giá trị sức lao động bao gồm (bằng): giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết để bù đắp lại sức lao động đã hao phí trong quá trình sản xuất, giá trị của những chi phí nuôi dưỡng con người trước và sau tuổi có khả năng lao động, giá trị những chi phí cần thiết cho việc học hành. Theo ông, những

chi phí này không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu tự nhiên và sinh lý của con người mà còn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ văn minh đạt được. Như vậy, tiền lương thường xuyên biến động quay quanh giá trị sức lao động, nó phụ thuộc vào quan hệ cung cầu và giá cả tư liệu sinh hoạt, sự biến động này quyết định bản chất của tiền lương. [60, tr.10-11]

Ở một góc độ nào đó, việc người lao động cung ứng sức lao động cho người sử dụng lao động với các yếu tố: (i)Thời gian đã bỏ ra; (ii) Năng suất lao động; (iii) Tinh thần, động cơ làm việc; (iv) Trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo, thì đổi lại, người sử dụng lao động đã nhận kết quả của sự cung ứng sức lao động đó, sẽ hoàn lại hoặc cam kết hoàn lại cho người lao động: (i) Tiền lương cơ bản; (ii)Thưởng; (iii) Phụ cấp; (iv) Các chế độ bảo hiểm (nếu có); (v) Cơ hội thăng tiến và phát triển…[60, tr.12]

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương không chỉ bị chi phối bởi quy luật giá trị mà còn bị chi phối bởi quy luật cung cầu lao động. Trong đó nếu cung lao động lớn hơn cầu lao động thì tiền lương sẽ giảm xuống; ngược lại, nếu cung lao động nhỏ hơn cầu lao động thì tiền lương sẽ tăng lên.

Các nhà kinh tế học tư bản cho rằng tiền lương là giá trị sức lao động hình thành trên thị trường lao động, nó không những liên quan trực tiếp đến sự tồn tại của người làm công mà còn cả với lợi nhuận hay thua lỗ của người sử dụng lao động. Đây là điểm chung phản ánh những lợi ích gián tiếp hay trực tiếp, trước mắt và lâu dài của cả người lao động và người chủ thuê lao động.

Nhà kinh tế học người Anh Adam Smith cho rằng tiền công không chỉ là sự bù đắp cho lao động, tính theo mỗi giờ lao động mà đó là thu nhập của người nghèo và vì thế, không những phải đủ để tự duy trì trong khi lao động mà cả trong khi ngừng lao động. Tiền công, theo ông, là hình thức trả công lao động có ảnh hưởng đến sự tồn tại của các cá nhân người lao động sống

bằng tiền công và hơn thế ảnh hưởng đến cả những lĩnh vực vượt ra khỏi tầm lĩnh vực lao động. [60, tr.11-12]

Bản chất của tiền lương, ngoài thể hiện ở sự thỏa thuận giữa hai chủ thể chính và chủ yếu là người sử dụng lao động và người lao động, còn thể hiện ở quy luật giá trị và quy luật cung cầu sức lao động. Quy luật giá trị thể hiện ở chỗ, người lao động đưa hàng hóa sức lao động ra trao đổi với người sử dụng lao động, thì sức lao động đó sẽ được lượng hóa thành một đại lượng vật chất cụ thể, có thể vật chất hóa thành tiền hoặc một hình thức vật chất nào đó.

Về mặt xã hội, tiền lương còn là số tiền bảo đảm cho người lao động có thể chi trả cho những tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động của bản thân, đồng thời dành một phần để nuôi thành viên gia đình cũng như có dự trữ bảo đảm cho thời điểm hết tuổi lao động [60, tr.13]. Vì thế, ngoài tiền lương cơ bản, trong quá trình lao động, người lao động còn có thể được nhận các khoản phụ cấp tính trên lương, các khoản thưởng và các khoản phúc lợi. Ngoài ra, tiền lương trong thời đại ngày nay còn có cả ý nghĩa như là khoản đầu tư cho người lao động không ngừng phát triển về kỹ năng, kỹ xảo lao động, tác phong công nghiệp, khả năng học hỏi, sáng tạo…

Một phần của tài liệu luu-ban-nhap-tu-dong-8-17 (Trang 41 - 43)