III. Xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới.
Nói tới tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, phải chú ý tới con đường và phương pháp hình thành đạo đức mới. Đặc điểm và quy luật hình thành đạo đức Hồ Chí Minh cho thấy một ssó nguyên tắc cơ bản xây dựng đạo đức mới sau:
a. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức.
Nói đi đôi với làm mới đem lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và có tác dụng đối với người khác. Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đường làm một nẻo chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng. Đó là thói đạo đức giả. Lòng tin của nhân đối với Đảng, với chủ nghĩa xã hội một phần quan trọng phụ thuộc vào vấn đề nói đi đôi với làm.
Một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống, và Hồ Chí Minh là một tấm gương đạo đức trong sáng tuyệt vời.
Trong xã hội, tấm gương của các thế hệ trước đối với thế hệ sau là đặc biệt quan trọng. Chính thế mà thế hệ trước luôn có trách nhiệm nặng nề đối với thế hệ sau trong việc giáo dưỡng, bồi dưỡng đạo đức. Dĩ nhiên, người già cũng có thể học tập người trẻ để không ngừng hoàn thiện đạo đức của mình.
Có những tấm gương chung, có tấm gương riêng, lớn và nhỏ, xa và gần. Những tấm gương đạo đức của những người tiêu biểu, những người tốt việc tốt có ý nghĩa thúc đẩy cho quá trình xây dựng và củng cố, phát triển nền đạo đức mới.
Đối với cán bộ, đảng viên, “trước mặt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người khác bắt chước”158.
b. Xây đi đôi với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.
Muốn xây dựng đạo đức mới, muốn bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cách mạng cho nhân trong các giai đoạn khác nhau của cách mạng, thì cùng với xây dựng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện sai trái, trái với những yêu cầu của đạo đức mới.
Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới từ trong gia đình đến nhà trường và ngoài xã hội.
Vấn đề quan trọng trong giáo dục đạo đức là phải khơi dậy ý thức lành mạnh ở mọi người để mọi người tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình. Bởi lẽ, tiếp nhận sự giáo dục đạo đức là vấn đề nhất thiết không thể thiếu, nhưng sự tự giáo dục, tự trau dồi đạo đức ở mỗi người còn quan trọng hơn.
Trong xây dựng những phẩm chất đạo đức mới, đồng thời phải chống cái xấu, cái sai. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm cái xấu, cái sai và hướng mọi người vào cuộc đấu tranh cho sự trong sạch lành mạnh về đạo đức. Phải thấy trước những gì có thể xảy ra để đề phòng, ngăn chặn.
Hồ Chí Minh yêu cầu phải kiên quyết chống các loại giặc nội xâm (tham ô, lãng phí, quan liêu) vì nó nguy hiểm như việt gian, mật thám. Chống nó vừa bằng giáo dục, vừa bằng xử phạt với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Người vạch rõ nguồn gốc của mọi thứ tệ nạn là chủ nghĩa cá nhân. Muốn xây dựng đạo đức mới, chung quy lại là phải chống cho được chủ nghĩa cá nhân.
Để xây và chống có kết quả, phải tạo thành phong trào của quần chúng rộng rãi. Người đã thường xuyên phát động những phong trào như vây. Có phong trào, có cuộc vận động chung cho toàn Đảng, toàn dân; có phong trào, có cuộc vận động riêng cho từng ngành, từng giới. Qua đó, lôi kéo mọi người vào cuộc đấu tranh xây dựng đạo đức mới, chống lại các loại giặc nội xâm do chủ nghĩa cá nhân gây ra.
c. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Người chỉ rõ: mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, nó là công việc phải kiên trì, bền bỉ suốt đời, không được chủ quan, tự mãn. Người dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”159.
Theo Người, ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt, chỗ xấu, ai cũng có thiện, có ác trong bản thân mình. Vấn đề là dám nhìn thẳng vào mình, không tự lừa dối, huyễn hoặc