Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - THS HOÀNG NGỌC VĨNH ppt (Trang 71 - 72)

III. Xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

1.Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng XHCN, chúng ta phải đem hết tinh thần và lực lượng ra phấn đấu; phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, một trong những bài giảng đầu tiên của Người cho lớp thanh niên trí thức yêu nước đầu tiên của Việt nam là “tư cách của một người cách mạng”. Đến Di chúc của mình, Người vẫn dành một phần trang trọng để bàn về đạo đức, yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, Đảng phải luôn quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Người xem xét đạo đức cả trên hai bình diện lý luận và thực tiễn. Về lý luận, Người để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm sâu sắc và toàn diện về đạo đức. Về thực tiễn, Người luôn coi trọng thực hành đạo đức, mà bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức

Khi đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh coi đạo đức là nền tảng

của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng154. Chăm lo cái gốc, cái nguồn, cái nền tảng ấy phải là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình và mỗi người trong xã hội.

Đạo đức là gốc, là nguồn, là nền tảng, bởi lẽ muốn làm cách mạng thì trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, cái đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, với nhân dân lao động, với dân tộc mình. Cái tâm, cái đức ấy phải thể hiện trong các mối quan hệ hàng ngày với dân, với nước, với đồng chí, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh mình. Phải có tâm, có đức mới giữ vững được chủ nghĩa Mác-Lênin và đưa được chủ nghĩa Mác-Lênin vào cuộc sống.

Xóa bỏ đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới là một bộ phận của cuộc cách mạng xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới với những lý tưởng và khát vọng cao đẹp xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản. Người nói: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”155.

Đạo đức là vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và CNXH.

Những vấn đề đạo đức đã được Hồ Chí Minh xem xét một cách toàn diện: Đối với mọi đối tượng như công nhân, nông dân, trí thức...; Trên mọi lĩnh vực hoạt động của con người, từ đời tư đến đời công, sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu, lãnh đạo, quản lý...; Trên mọi phạm vi từ hẹp đến rộng: từ gia đình đến xã hội, từ giai cấp đến dân tộc, từ các vùng, miền, địa phương đến cả nước, từ quốc gia đến quốc tế; Trong cả ba mối quan hệ chủ yếu của mỗi người (đối với mình, đối với người, đối với công việc): quan hệ giữa cán bộ, đảng viên của Đảng, của Nhà nước với dân, giữa cấp trên với cấp dưới...

Người dạy: Nếu quyền lực là sức mạnh để giữ vững thành quả cách mạng và phát triển đất nước, thì quyền lực cũng có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực, có thể đưa đến những tổn thất cho cách mạng.

Những vấn đề đạo đức mà Người đặt ra với cán bộ, đảng viên chính là nhằm ngăn chặn, khắc phục những hiện tượng tha hóa có thể xảy ra: quan liêu, cậy quyền cậy thế, lợi dụng quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị... chúng có thể trở thành nguy cơ làm sụp đổ sự nghiệp của một người, thậm chí của một Đảng Cộng sản.

Đạo đức mới do Người đề xướng và dày công vun đắp, xây dựng đã lật ngược lại các kiểu đạo đức cũ của giai cấp thống trị, áp bức bóc lột nhân dân. Nó xóa bỏ những chuẩn mực đạo đức phong kiến đã luôn trói buộc nhân dân lao động vào những lễ giáo hủ bại, hà khắc. Nó hoàn toàn trái ngược với đạo đức của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ cực đoan của giai cấp tư sản. Nó xa lạ với đạo đức tôn giáo luôn khuyên con người khắc kỷ, cam chịu, chấp nhận số phận trong chốn trần tục, để hướng tới cuộc sống sau khi chết.

Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”156.

Thực hiện được điều căn dặn tâm huyết ấy của Người là có được vũ khí mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu GIÁO TRÌNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH - THS HOÀNG NGỌC VĨNH ppt (Trang 71 - 72)