III. Xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Xây dựng Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.
a) Nhà nước đảm bảo quyền làm chủ thật sự của nhân dân.
Để dân được hưởng quyền dân chủ trong thực tế, không chỉ xác nhận quyền đó trong Hiến pháp và pháp luật, mà còn tạo điều kiện vật chất và văn hóa để người dân nâng cao năng lực làm chủ; phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng văn hóa chính trị, phát triển tính tích cực công dân, mở mang kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, khuyến khích nhân dân tham gia giám sát công việc của cơ quan Nhà nước từ dưới lên trên. Bởi lẽ, “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”153. Quyền làm chủ của nhân dân không chỉ được xác nhận trong Hiến pháp và Pháp luật, mà chủ yếu phải được thể chế hoá, đưa Hiến pháp và Pháp luật vào cuộc sống.
Phát huy dân chủ phải kết hợp chặt chẽ với tăng cường pháp chế, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa bằng pháp luật các quyền dân chủ của người dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong hoạt động kinh tế. Phải đảm bảo cho mỗi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo mọi hành vi phạm pháp đều được xét xử nghiêm minh.
b) Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng một nền hành chính dân chủ,
trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay, nền hành chính của ta còn nhiều yếu kém: quan liêu, xa dân, xa cơ sở; phân tán, thiếu trật tự kỷ cương; còn tham nhũng, lãng phí; bộ máy cồng kềnh, nặng nề, kém hiệu lực; đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu về kiến thức, năng lực, một bộ phận bị thoái hóa. Sự yếu kém này đã để lại ấn tượng trong nhân dân: “hành chính là hành dân là chính”.
Cải cách, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước là một quá trình, phải tiến hành đồng bộ trên nhiều mặt. Cải cách hành chính để có một nền hành chính dân chủ, trong sạch, phục vụ đắc lực nhân dân, giữ vững trật tự, kỷ cương xã hội theo pháp luật. Phải làm cho đội ngũ cán bộ, viên chức quán triệt nhận thức: Nhà nước là một tổ chức công
quyền thể hiện quyền lực của nhân dân, nhân viên nhà nước là công bộc của nhân dân. Vì thế, cần thiết phải:
+ Cải cách thủ tục hành chính, ban hành và hoàn thiện chế độ công vụ.
+ Đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu kiện của nhân dân, sao cho thủ tục khiếu kiện đơn giản, nhanh chóng, đúng pháp luật, tránh lãng phí thì giờ của nhân dân.
+ Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn, thực hiện tinh giản biên chế; xử lý nghiêm minh, kịp thời những người vi phạm pháp luật.
c) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; gắn liền xây dựng, chỉnh
đốn Đảng với cải cách bộ máy hành chính.
Cuộc đấu tranh để khắc phục những khuyết tật của bộ máy Nhà nước không thể tách rời cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng mạnh thì Nhà nước mạnh. Không thể có một Đảng mạnh mà Nhà nước và hệ thống chính trị của nó lại yếu kém. Chính vì thế, để chỉnh đốn lại bộ máy Nhà nước, Đảng phải tự chỉnh đốn, nêu gương về trong sạch, vững mạnh. Đó là nhân tố cơ bản và then chốt. Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng trong sạch, vững mạnh mới đưa cải cách bộ máy Nhà nước đi đến thành công.
Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, bằng tổ chức, bộ máy của Đảng trong các cơ quan Nhà nước; bằng vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên hoạt động trong bộ máy Nhà nước; bằng công tác kiểm tra. Đảng không làm thay công việc quản lý của Nhà nước.
ĐỀ TÀI THẢOLUẬN
Vì sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo và thực hiện mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam?
Câu hỏi ôn tập
1. Phân tích khái quát những luận điểm của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam?
2. Phân tích những nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới đã được Hồ Chí Minh nhấn mạnh?
3. Phân tích quan điểm của Hồ Chí Minh về "Đảng Cộng sản vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt mật thiết với nhân dân"? Ý nghĩa của vấn đề này trong thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay?
4. Phân tích khái quát những luận điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước?
5. Phân tích luận điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân? Ý nghĩa của vấn đề này trong thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay?
CHƯƠNG 6: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC, NHÂN VĂN, VĂN HÓA VỀ ĐẠO ĐỨC, NHÂN VĂN, VĂN HÓA I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức.
Đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Người là số ít trong số những người đứng đầu nhà nước trên thế giới và trong lịch sử, đã nêu ra một cách cụ thể các chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng ngành, nghề, giới, lứa tuổi, địa vị công tác... trong đời sống xã hội. Bản thân Người thực sự là một tấm gương đạo đức vì nước quên thân, vì dân phục vụ.
Tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam: Gia đình, quê hương, dân tộc đã sinh ra và hun đúc cho tấm lòng nhân ái của Người; từ sự kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và những tinh hoa đạo đức của nhân loại, đặc biệt là những tư tưởng đạo đức của Mác, Ăngghen, Lênin.
Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam: Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều khái niệm, phạm trù đạo đức có từ trước, nhất là của Nho giáo. Nhưng những khái niệm, phạm trù đạo đức ấy ở Hồ Chí Minh, nó đã được bổ sung những nội dung mới phù hợp với thời đại và cách mạng.
Đồng thời Người cũng đã bổ sung những khái niệm, phạm trù đạo đức của thời đại mới vào tư tưởng đạo đức mới của mình. Những giá trị đạo đức mới của Người đã hòa nhập với những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đồng thời làm cho những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được nâng lên tầm cao mới: truyền thống kết hợp với hiện đại, dân tộc kết hợp với nhân loại.
Đạo đức mới do Hồ Chí Minh đề xướng và cùng với Đảng dày công xây dựng, vun đắp là đạo đức mang bản chất giai cấp công nhân. Nó là một bộ phận rất quan trọng khắc họa bộ mặt nền văn hóa Việt Nam. Nó là vũ khí sắc bén của Đảng và dân tộc ta trong đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới.