Nhóm nhân tố nội lực của kinh tế tư nhân trong nông nghiệp

Một phần của tài liệu Luận án Phan Thị Huê (Trang 60 - 63)

Rất nhiều nhân tố từ bản thân KTTN trong NN, có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực, trong phạm vi nghiên cứu tác giả xem xét các nhân tố cơ bản:

Một là, vốn của KTTN trong NN, đây là nhân tố cơ bản có ý nghĩa quyết định đến việc đầu tư, mở rộng thu hẹp hay ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Thiếu vốn là vấn đề trầm kha của các đơn vị kinh tế nói

chung, đối với khu vực KTTN trong NN nhu cầu về vốn càng cao, nhất là đầu tư vào NN hữu cơ, NN công nghệ cao.

Đa số các chủ của khu vực KTTN trong NN xuất phát điểm đều từ nông dân, tích lũy dần tài sản mà lên, do vậy quy mô vốn thường nhỏ. Như một vòng luẩn quẩn mà các chủ thể của khu vực KTTN trong NN khó thoát ra được; muốn mở rộng sản xuất, họ cần vay vốn ở các ngân hàng, nhưng thiếu tài sản thế chấp là nguyên nhân khiến cho các chủ thể KTTN không vay được hoặc chỉ vay được ít vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Lấy đối tượng là các TT cho thấy, nhu cầu về vốn của các chủ TT là rất lớn, nhưng phải có giấy Chứng nhận quyền sử dụng để thế chấp, chủ TT mới có cơ hội được vay vốn ở ngân hàng. Nhiều tài sản trên đất TT còn chưa được xác định như đất thổ cư, nhà ở nên luôn bị đánh giá thấp dưới giá trị thực tế. Để tạo điều kiện cho các chủ TT được hưởng các chính sách ưu đãi Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thống kê đã có hướng dẫn tiêu chí để cấp giấy chứng nhận xác nhận là kinh tế TT, coi đây là một giấy “thông hành” cho chủ TT để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, dù đã có giấy chứng nhận nhưng hầu hết các ngân hàng đều không chấp nhận loại giấy tờ này làm tài sản thế chấp vay vốn hoặc chỉ định giá tài sản rất thấp, bằng với khung giá đất NN.

Hai là, nguồn nhân lực xét trên cả hai mặt số lượng và chất lượng. Đây là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng khu vực KTTN trong NN. Cả lý luận lẫn thực tiễn đều chứng minh rằng lao động càng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao càng cho năng suất và hiệu quả cao và ngược lại.

Nước ta có nguồn nhân lực khá rồi dào, với 54.051,9 nghìn lao động. Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực NLTS là 21.486,1 nghìn người, chiếm 39,7% [79, tr.30]. Nhưng xét về chất lượng lao động thì lại rất hạn chế: dù nhờ công tác giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực có tăng nhưng không đáng kể, chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế: từ 14,8% lao động qua đào tạo năm 2009 tăng lên 21,6% năm 2017. Ở nông thôn chỉ đạt gần 14%, trong khi lao động phổ thông chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất lớn 78,4% (xem Phụ lục 8). Trong những năm qua, lao động qua đào tạo có tăng nhưng chủ yếu chỉ tập trung ở các

ngành như hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, ngành thông tin truyền thông khai khoáng. Lao động qua đào tao trong lĩnh vực NN có tăng nhưng không đáng kể, lại chiếm tỷ lệ rất thấp (4,1%). Rất ít cử nhân sau khi tốt nghiệp ngành NN về làm NN, mà chủ yếu làm việc ở khu vực hành chính nhà nước (xem Phụ lục 7).

Như vậy, nước ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao. Điều này đang là trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển ngành nghề mới. Trong tương lai, với chất lượng lao động như vậy sẽ là một thách thức lớn đối với nền NN Việt Nam nói chung và KTTN trong NN nói riêng. Để phát triển nền NN hàng hóa theo hướng hiện đại đòi hỏi người nông dân phải là những kỹ sư, thậm chí là những tiến sỹ trên đồng ruộng, có kiến thức khoa học, vận dụng kiến thức đó vào sản xuất chứ không đơn thuần là dựa vào kinh nghiệm như hiện nay.

Ba là, trình độ và năng lực của đội ngũ nhà quản lý KTTN trong NN. Trong quản lý kinh tế, trình độ và năng lực điều hành của người đứng đầu (chủ hộ, chủ TT, chủ DN) có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Trong nền kinh tế thị trường, tính cạnh tranh rất nghiệt ngã, đòi hỏi người chủ quản lý không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải giỏi cả trong công tác quản trị, có đủ bản lĩnh và nhạy bén linh hoạt, dám chịu trách nhiệm, dám gánh rủi ro, dám mạo hiểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Với trình độ nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, chúng ta thiếu cơ bản một đội ngũ những nhà quản lý có chuyên môn nghiệp vụ, phần lớn chưa được đào tạo, một số ít được đào tạo lại làm trái ngành, họ dựa vào kinh nghiệm hoặc học hỏi lẫn nhau qua người thân và bạn bè là chính. Theo kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Hợp tác Nhật Bản thực hiện khảo sát trong hơn 63.760 DN tại 30 tỉnh, thành phía Bắc cho thấy: Chỉ có 54,5% số chủ DN có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, còn lại là 45,5% số chủ DN có trình độ bậc trung học phổ thông và chưa qua đào tạo đại học, số chủ DN có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ càng quá hiếm với 3,7% số chủ DN. Trong đó, cũng chỉ khoảng 30% là được đào tạo về quản trị kinh doanh và có kiến thức kinh tế và khoảng 70% số chủ DN còn lại chưa qua đào tạo [52]. Với nền tảng học vấn thấp, thiếu đào tạo để trở thành giám đốc điều hành một cách bài bản nên họ bị thiếu nhiều kỹ năng để có thể lãnh đạo điều hành tốt DN của mình. Điều này, sẽ rất khó khăn khi gặp phải những diễn biến bất

thường của nền kinh tế, đặc biệt khi quan hệ với đối tác nước ngoài, nhiều DN gặp khó khăn và chịu thua lỗ, thậm chí là phá sản.

Một phần của tài liệu Luận án Phan Thị Huê (Trang 60 - 63)