Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Tây Ninh đến năm 2020

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 106 - 108)

Quan điểm phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh: Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX (9/2010) Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kì 2010-2015 nêu nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế nói chung là : “Nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, ổn định và bền vững”[10]. Đối với ngành dịch vụ nói riêng “Đẩy mạnh phát triển thương mại, các ngành dịch vụ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội”[10]. Nghị quyết cũng nêu rõ, Tây Ninh cần phát huy lợi thế biên giới, cửa khẩu, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, triển khai các khu thương mại, siêu thị đã quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, các cửa khẩu quốc gia. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, khoa học- công nghệ.

Đối với ngành du lịch tỉnh nhà, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần IX nêu rõ : “Cần đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khu du lịch núi Bà Đen, xây dựng, nâng cấp các khu, điểm du lịch hiện có; quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, dịch vụ du lịch sông Vàm Cỏ Đông, du lịch sinh thái vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, Trung tâm tái hiện di tích lịch sử Cách mạng Miền Nam tại Bời Lời; Nâng cấp, mở rộng khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam”[10]

Đối với kinh tế, phát triển du lịch là một chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa, làm cho “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

Phát triển du lịch đồng thời phải đạt hiệu quả trên nhiều mặt : kinh tế, chính trị, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hoạt động du lịch có tính xã hội hóa cao, do vậy việc phát triển du lịch ở Tây Ninh là sự nghiệp của toàn dân, là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội toàn tỉnh; Cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, phát huy mọi nguồn lực tiềm năng để đầu tư khai thác phát triển du lịch cho tỉnh.

Để phát triển du lịch tỉnh, cần mở rộng giao lưu hợp tác với các địa phương trong cả nước và quốc tế, đồng thời chú trọng phát triển du lịch nội địa đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng của nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, lòng yêu quê hương đất nước, tăng cường sức khỏe, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái tạo sức hấp dẫn đặc thù cho du lịch Tây Ninh, góp phần giữ gìn và phát huy

bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Phát triển du lịch gắn liền với tạo việc làm và tăng thêm thu nhập xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới- giai đoạn hội nhập quốc tế và khu vực.

Phát triển du lịch Tây Ninh khai thác hiệu quả các tiềm năng về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch, đạt hiệu quả về mặt kinh tế, văn hoá - xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển bền vững.

Phát triển du lịch Tây Ninh đặt trong mối liên hệ với các tỉnh, thành phố trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam; khu vực Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; với thị trường Campuchia và các nước ASEAN trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực. Về mục tiêu: Phát triển du lịch sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và sự đóng góp của du lịch vào GDP của tỉnh, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ IX. Để đạt được mục tiêu trên, Tây Ninh cần:

- Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho du lịch Tây Ninh, khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời kì hội nhập quốc tế và khu vực.

- Phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có du lịch phát triển, có cơ sở hạ tầng vật chất đảm bảo. Các sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, trở thành điểm hấp dẫn du khách.

- Quy hoạch phát triển du lịch Tây Ninh gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, khai thác các di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái. Ở các khu vực thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa thu hút nhiều du khách, vấn đề môi trường cần phải được quan tâm đúng mức.

- Quy hoạch du lịch gắn liền với việc giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa chung của địa phương, đồng thời khai thác các di sản văn hóa, nghệ thuật có giá trị, giàu bản sắc dân tộc, các di tích lịch sử, công trình văn hóa.

- Cần thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đặc thù của địa phương có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch, tăng mức chi tiêu và lưu trú của khách trên cơ sở nâng cấp, đầu tư, xây dựng các khu du lịch mới và khai thác tiềm năng sẵn có. Qua đó, tạo thêm việc làm cho xã hội, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân.

- Nâng cao hình ảnh của Tây Ninh nhằm xác định vị trí của du lịch thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến du lịch và nâng cao nhận thức xã hội về du lịch cho du khách.

- Phát triển du lịch phải luôn hướng tới mục đích đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội. Việc quy hoạch không gian lãnh thổ du lịch, đề xuất các giải pháp về tổ chức, quản lý các khu du lịch cần phải xét đến yếu tố đảm trật tự, an toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 106 - 108)