Du lịch tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 37 - 40)

Tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ là vùng có địa hình chuyển tiếp giữa vùng đồi núi, cao nguyên đồ sộ Tây Nguyên với vùng địa hình bằng phẳng đồng bằng sông Cửu Long. Vùng gồm 6 tỉnh, thành : Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu. Đông Nam Bộ có diện tích vào loại nhỏ so với các vùng khác (23.600km2), dân số vào loại trung bình (12 triệu người, năm 2006), nhưng lại dẫn đầu cả nước về GDP, giá trị sản lượng công nghiệp và giá trị hàng xuất khẩu.

Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế hàng hóa sớm phát triển, cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển hơn so với các vùng khác trong cả nước. Với những ưu thế về vị trí địa lí, về nguồn lao động lành nghề, cơ sở vật chất kĩ thuật, lại có những chính sách phát triển phù hợp, thu hút được các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, Đông Nam Bộ đang sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Đây là tiểu vùng có khoảng 480 km đường biên giới với Campuchia, nơi có các cửa khẩu quan trọng, đặc biệt là hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát (Tây Ninh) cùng hàng chục cửa khẩu tiểu ngạch khác. Với vị trí và tiềm năng của mình, đặc biệt là vùng giữ vị trí chủ đạo trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên đây là khu vực có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ có nhiều kiểu địa hình phong phú và đa dạng, phần lớn diện tích là các bề mặt bán bình nguyên với các bậc thềm phù sa cổ có độ cao khoảng 100m và bề mặt phủ badan có độ cao khoảng 200m. Đây là vùng có nhiều cảnh quan tự nhiên và nhân tạo đẹp như núi Bà Đen, núi Bà Rá, hồ Dầu Tiếng cùng hàng trăm km đường bờ biển ở Vũng Tàu, trong đó có hơn 70 km có thể sử dụng làm bãi tắm…có giá trị lớn về du lịch. Vùng còn là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em như Xtieng, Tày, Nùng, Mường, Thái, Mơ Nông, Chăm, Khmer… với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng như nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu), chiến khu D (Bình Dương), Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi (TP.HCM), Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh)… Vì đây vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là căn cứ địa vững chắc của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ có quan hệ chặt chẽ với các tiểu vùng du lịch khác như tiểu vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, tiểu vùng du lịch Tây Nguyên, tiểu vùng du lịch Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long)…qua quốc lộ 1, 14, 20, 28… tạo nên mối quan hệ liên vùng trong phát triển du lịch của vùng.

Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là trung tâm của tiểu vùng, nơi đây xưa kia từng được mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”có thể dễ dàng giao lưu, thu hút khách du lịch từ các thị trường khác trong vùng Đông Nam Á cũng như các khu vực kế cận xung quanh. Ngoài ra các trung tâm khác như Vũng Tàu cũng có sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Các sản phẩm du lịch cụ thể của tiểu vùng : giao tiếp về phát triển KT- XH, hội nghị, hội chợ triển lãm; Các cảnh quan nghỉ dưỡng ven biển, hồ, vùng ngập mặn; Tham quan nghiên cứu các di tích chống Mỹ cứu nước; Tham quan nghiên cứu các vùng văn hóa và di sản tôn giáo; Du lịch sinh thái ở biển, các vườn quốc gia…. Cùng với sự phát triển và định hướng chung của du lịch quốc gia, tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ cũng là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch. Mặc dù vậy, du lịch các tỉnh trong tiểu vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, tương đối mờ nhạt, ít hấp dẫn về hình thức.

Trong thời kì đất nước hội nhập với khu vực và thế giới như hiện nay, tiểu vùng du lịch Đông Nam Bộ cần có một quy hoạch chung mang tính liên vùng, thể hiện mối liên kết giữa các địa phương trong nỗ lực phát triển du lịch, làm phong phú và tăng thêm sức hấp dẫn cùng tính khả thi cho sản phẩm du lịch của mỗi tỉnh và cả khu vực. Tây Ninh với vai trò là cầu nối giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnompenh của Campuchia, với hệ thống di tích lịch sử cách mạng phong phú và khu du lịch núi Bà Đen nổi tiếng hứa hẹn sẽ là một địa chỉ du lịch đáng tin cậy, hấp dẫn khách du lịch về với căn cứ địa cách mạng của quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bản đồ 2.1. Vị trí Tây Ninh trong địa giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ

Chương 2. TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH TÂY NINH THỜI KÌ HỘI NHẬP

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)