♦ Những nội dung đã thực hiện được
Về xu thế chung, xu hướng phát triển du lịch thế giới và Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cả quốc tế lẫn trong nước và Việt Nam được bình chọn là một trong những điểm đến an toàn, hấp dẫn trong giai đoạn hiện nay. Tổ chức VISA và Hiệp hội du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PATA) công bố “Khảo sát những dự định du lịch châu Á năm 2007”thì có 31% số người được hỏi đã xem Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong vòng 2 năm tới [28]. Do đó, Tây Ninh ít nhiều cũng được hưởng lợi từ xu thế này .
Về mặt vị trí địa lý, Tây Ninh có những lợi thế so sánh so với các tỉnh trong khu vực
phía Nam, đó là: có vị trí thuộc vùng kinh tế năng động và phát triển nhất của Việt Nam (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế khu vực phía nam cũng như cả nước; có biên giới Việt Nam - Campuchia dài 240 km với 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát; nằm trên tuyến đường xuyên Á… Đây là những điều kiện thuận lợi cho Tây Ninh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Mặt khác, Hệ thống giao thông phục vụ cho du lịch quốc tế tương đối thuận lợi với 2 tuyến quốc lộ thông sang Campuchia qua 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát, trong đó quốc lộ 22A từ Mộc Bài về Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong tuyến đường xuyên Á đi Phnom Penh, còn quốc lộ 22B lại là tuyến đường huyết mạch đi qua nhiều huyện, thị trong tỉnh và thông sang Campuchia qua cửa ngõ phía bắc: cửa khẩu Xa Mát.
Về mặt sản phẩm du lịch mà cụ thể là loại hình du lịch, Tây Ninh với thiên nhiên phong phú có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa, lịch sử tại núi Bà Đen và Tòa Thánh Tây Ninh hay căn cứ Trung ương Cục miền Nam; du lịch lễ hội như lễ hội núi Bà Đen, lễ hội vía Bà, lễ Phật Đản, hội Yến Diêu Trì Cung, ngày vía Đức Chí Tôn, lễ Quan Lớn Trà Vong; du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát; du lịch về nguồn như căn cứ Trung ương Cục miền Nam; du lịch nghỉ dưỡng tại hồ Dầu Tiếng; du lịch cửa khẩu, mua sắm tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; du lịch caravan dọc theo đường Xuyên Á… Nhìn chung, Tây Ninh có địa hình tương đối đa dạng: đồng bằng, đồi núi xen lẫn sông hồ tạo nên vẻ đẹp đặc trưng không phải vùng nào cũng có, tạo cơ hội cho tỉnh nhà phát triển các loại hình du lịch một các dễ dàng hơn.
Về giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng như mọi thứ nói chung, Tây Ninh do tốc độ đô thị hóa còn chậm nên giá cả hàng hóa vẫn còn rẻ, thậm chí giá cả hàng hóa tại một số khu
vực gần khu công nghiệp Trảng Bàng và khu chế xuất Linh Trung III (gần thành phố Hồ Chí Minh) vẫn cao hơn tại thị xã Tây Ninh và một số khu vực có khách du lịch lui tới. Giá vé vào cửa các khu du lịch như Long Điền Sơn, núi Bà Đen khá thấp, một số khu như căn cứ trung ương cục miền Nam, thánh thất Cao Đài, tháp cổ Bình Thạnh, Chót Mạt…không tính tiền vé.
Về đối tác, Tây Ninh rất gần với hai điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Nam là thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu, có thể đi bằng đường bộ lẫn đường thủy tạo điều kiện cho tỉnh hợp tác dễ dàng với hai điểm này để tạo thành các tour liên vùng, tăng cường thêm sức hấp dẫn để cạnh tranh với các tour du lịch khác.
Về yếu tố nhân lực, gần đây do nhận thức về tầm quan trọng của phát triển du lịch, Sở văn hóa, thể thao và du lịch Tây Ninh đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn về du lịch cho các công ty lữ hành, các chủ nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch…cũng như tạo điều kiện cho họ tham gia các triễn lãm, hội chợ, hội thảo về du lịch thông qua cung cấp thông tin cũng như tư vấn, hỗ trợ kinh phí..Đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên cho yếu tố nhân lực ngành du lịch của tỉnh.
Về mặt xúc tiến, tỉnh đã hình thành trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Tây Ninh, xét trong lĩnh vực du lịch có chức năng làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch tại Tây Ninh và các doanh nghiệp khác trong nước.
♦ Những hạn chế cần khắc phục
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, 2009 có thể làm giảm đáng kể mức cầu về du lịch trên thế giới, do đó ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có Tây Ninh. Về sản phẩm du lịch, Tây Ninh có tiềm năng về du lịch chủ yếu là dựa trên tính đa dạng về tài nguyên du lịch, tuy nhiên một số khu du lịch vẫn chưa thật sự được hoàn thành ví dụ như dự án Hồ Dầu Tiếng, khu du lịch Ma Thiên Lãnh, khu du lịch văn hóa Bàu Cà Na…Nhiều dịch vụ ở đây vẫn còn thiếu, ví dụ như các khu bán hàng lưu niệm, các trung tâm mua sắm, cung cách phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp do trình độ nhân viên còn hạn chế, hệ thống đường sá một số nơi còn kém chất lượng… Về dịch vụ khách sạn, vẫn còn nhiều điều cần cải thiện như hệ thống phòng ốc, chất lượng đội ngũ nhân viên, thái độ phục vụ…Nhìn chung, sản phẩm du lịch đơn điệu khó lòng hấp dẫn du khách quay trở lại.
Về mặt nhân lực, lực lượng quản lí về du lịch tuy có trình độ nhưng vẫn còn mỏng và thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn do du lịch vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ, chỉ thật sự bắt đầu được chú ý đầu tư trong khoảng vài năm gần đây. Thậm chí một số
dự án quy hoạch lớn chỉ mới được phê duyệt trong thời gian gần đây như hồ Dầu Tiếng được phê duyệt tháng 11 năm 2008, khu du lịch Ma Thiên Lãnh được phê duyệt cuối năm 2004, hay vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát tháng 11/2008… Còn lực lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch như các công ty lữ hành, các khu du lịch, lực lượng nhân viên có chuyên môn cao vẫn còn rất thiếu và hoạt động một cách thiếu chuyên nghiệp. Nói tóm lại, lực lượng nhân sự vừa yếu lẫn vừa thiếu. Riêng người dân bản xứ, tuy có ưu điểm là hiếu khách, ân cần và thân thiện nhưng họ vẫn chưa thật sự làm tròn vai trò đại sứ du lịch cho địa phương mình: họ vẫn chưa nắm được những thông tin cơ bản về các điểm du lịch tại tỉnh do quảng bá của tỉnh còn yếu, nhận thức về vai trò của du lịch đối với việc phát triển kinh tế tỉnh và nâng cao đời sống người dân vẫn còn hạn chế thậm chí là gần như con số “không”, trình độ ngoại ngữ hạn chế, tác phong buôn bán chưa chuyên nghiệp, chưa có ý thức về gìn giữ môi trường để bảo đảm phát triển du lịch bền vững…
Việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch còn
thiếu tính chủ động và thiếu sáng tạo trong xã hội hóa các nguồn lực (nhân, tài, vật lực) cho phát triển du lịch, còn bị bó hẹp chỉ trong phạm vi ngành du lịch là chủ yếu, điều này đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Và tình trạng này cũng đã diễn ra tại tỉnh Tây Ninh. Ví dụ như các doanh nghiệp hoạt động du lịch, các khu du lịch và Sở Du lịch còn chưa tranh thủ hết các nguồn lực trong nội bộ tỉnh, đặc biệt là tài lực mà chỉ dựa vào kinh phí phần lớn được rót về từ Tổng Cục Du Lịch. Trong thời gian gần đây tình hình này từng bước được cải thiện nhưng để xã hội hóa ngành du lịch, các cơ quan chức năng cần hành động nhiều hơn nữa.
Về xúc tiến du lịch, việc đầu tư cho xúc tiến quảng bá du lịch chưa được nhận thức đúng trong các cấp, các ngành, vẫn còn sự nhầm lẫn với quảng cáo, nên chưa thật sự quan tâm xây dựng cơ chế tạo nguồn kinh phí và phối hợp các lực lượng trong các chiến dịch quảng bá về đất nước, con người và du lịch Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Khái niệm về marketing du lịch vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ và xa lạ đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch, cho nên chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Ngoài ra, do hạn chế về kiến thức chuyên môn nên các doanh nghiệp du lịch tại Tây Ninh, chủ nhà hàng, khách sạn chưa thật sự nhiệt tình trong việc tham gia vào các hội chợ, triển lãm để quảng bá về Tây Ninh và bản thân, họ tham gia một cách qua loa không có sự đầu tư chu đáo và bài bản.
Hiện nay tuy tỉnh Tây Ninh có trang web giới thiệu về du lịch nhưng chưa có hẳn một trang chuyên biệt dành cho nó, có những thông tin được cung cấp một cách sơ sài, không đầy đủ. Nhiều báo cáo của các sở, ban ngành chỉ được đăng lên một phần rất nhỏ, thông tin không đầy đủ, gây không ít phiền hà cho người đọc, đặc biệt là những người muốn du lịch đến Tây Ninh cũng như những người muốn tìm hiểu về một vùng đất giàu tiềm năng nhưng du lịch còn chậm phát triển ở vùng biên giới tây nam của tổ quốc.
Một điểm yếu quan trọng không chỉ Tây Ninh mà thậm chí một số điểm đến du lịch lớn của Việt Nam như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đã và đang mắc phải đó là công tác xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Tỉnh Tây Ninh cũng như các địa phương khác trong nước chưa thật sự xây dựng được hình ảnh đặc trưng, một thương hiệu điểm đến trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế. Tỉnh và các địa phương khác còn rất yếu trong việc hình thành các văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài trong khi các quốc gia khác trong khu vực đã làm được việc này từ khá lâu.
Kinh phí hoạt động còn hạn chế trong khi chưa thật sự khai thác hết khả năng tài trợ của các bên có liên quan, ví dụ như các khu du lịch tại Tây Ninh có thể tài trợ cho các công ty lữ hành bằng nhiều hình thức khác nhau từ giảm giá vé vào cổng đến giảm giá dịch vụ cho khách hay hỗ trợ kinh phí cho các công ty du lịch đi triển lãm, hội chợ du lịch để có cơ hội quảng bá về Tây Ninh hoặc kinh phí phát hành sách hướng dẫn du lịch, băng đĩa giới thiệu về Tây Ninh... Nói chung, hoạt động của các chương trình du lịch quốc gia và địa phương tuy đã bước đầu thu hút được các nguồn lực tham gia nhưng còn ở mức thấp, và họ còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ, cho đó là trách nhiệm của riêng ngành du lịch. Trong khi về mặt nhân lực trong ngành du lịch, sở Giáo Dục và Đào Tạo cần có trách nhiệm hỗ trợ bằng cách định hướng cho học sinh- sinh viên ở Tây Ninh về tầm quan trọng và lợi ích của ngành du lịch, chọn những nghề nghiệp sao cho sau khi ra trường có thể về phục vụ lại trong ngành du lịch tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, về mặt đối tác, Tây Ninh vẫn chưa tận dụng hết các mối quan hệ với các sở, ban ngành các tỉnh khác và Tổng cục du lịch để thật sự tham gia vào các chiến dịch quảng bá tại nước ngoài cũng như trong nước. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các hãng vận chuyển, các công ty lữ hành từ các tỉnh khác để đưa thêm nhiều khách du lịch theo tour đến Tây Ninh, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hành khách tại tỉnh...còn hạn chế. Hệ thống nhà hàng, khách sạn còn nhỏ lẻ hoạt động theo qui mô gia đình chưa có tính
chuyên nghiệp cao cũng như chưa có chiến lược phát triển theo định hướng về du lịch của tỉnh.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh tuy có chú trọng phát triển nhân lực trong ngành du lịch nhưng việc này chỉ dừng ở cấp quản lí còn lực lượng lao động trực tiếp phục vụ khách thì vẫn còn mỏng và chưa được trang bị kiến thức cần thiết và chưa được tiến hành một cách đều đặn, có hệ thống. Nhận thức trong người dân và các em học sinh-sinh viên về du lịch còn hạn chế. Theo quan điểm từ trước đến giờ trong giới học sinh, ngành du lịch không phải ngành quan trọng nên không được coi trọng lắm và cũng ít người chịu về tỉnh cống hiến cho ngành.
♦ Nguyên nhân
Nguyên nhân quan trọng và trước tiên vẫn là sự non trẻ của ngành du lịch Tây Ninh.Ví dụ như tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngay sau khi thành lập vào 12/8/1991, đã bắt tay ngay vào việc xây dựng đề án, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2001 và ban hành nghị quyết về các giải pháp phát triển du lịch. Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, nêu rõ các loại hình du lịch cần tập trung phát triển (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch văn hoá kết hợp với thể thao) cũng như đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch với nhiệm vụ đề ra các chủ trương, giải pháp phát triển du lịch, điều phối hoạt động của các ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển chung. Rõ ràng là Tây Ninh đã khá chậm chân trong vấn đề này, mặc dù Tây Ninh cũng đã thực hiện Quy hoạch năm 1995 nhưng hiệu quả còn chưa cao.
Chính vì sự chậm chân này nên tỉnh cũng đã chưa chuẩn bị kịp lực lượng nhân lực để phục vụ cho ngành từ cơ quan chủ quản cho đến các nhà cung cấp có liên quan trong gói du lịch. Những sinh viên người Tây Ninh tốt nghiệp ngành du lịch vẫn chưa được hưởng những ưu đãi khi về tỉnh công tác, điều này dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, người có chuyên môn không muốn về tỉnh công tác trong những tổ chức có liên quan. Các chủ thể kinh doanh thường hoạt động theo kiểu cha truyền con nối chứ chưa chú ý đến thu hút nhân tài để phát triển doanh nghiệp mình.
Nhận thức về du lịch còn hạn chế trong giới hoạt động du lịch cũng như người dân địa phương. Có thể một số người có kinh nghiệm, có nhiệt quyết, có mối quan hệ tốt trong ngành này nhưng bản thân họ vẫn chưa được trang bị những kiến thức có hệ thống, bài bản để có thể lập nên một chiến lược phát triển đồng bộ và hợp lý. Một khi mọi người nhận thức
được đầy đủ về tiềm năng du lịch của tỉnh và lợi ích lớn lao của nó thì tin chắc rằng không ai có thể đứng ngoài cuộc của chiến lược phát triển du lịch Tây Ninh sau này.
Qui mô hoạt động của các chủ thể liên quan còn nhỏ lẻ, do chưa thu hút được đầu tư nên bản thân họ cũng ngại phải đầu tư mở rộng thêm do lượng cầu chưa ổn định mà kinh phí đầu tư lại rất nặng. Bên cạnh đó, chi tiêu khách du lịch nội địa còn hạn chế, trong khi thời gian ở lại Tây Ninh của khách du lịch quốc tế còn rất thấp cũng là nguyên nhân hạn chế sự đầu tư, làm cho họ e ngại rủi ro.
Công tác marketing còn chưa được nhận thức đầy đủ, chưa có biện pháp và ý thức tiếp cận các thị trường du lịch, chưa xây dựng được một thương hiệu điểm đến trong lòng du khách.
Kinh phí cho các hoạt động quảng bá, thiết lập quan hệ còn hạn chế trong khi du lịch Tây Ninh đi lên từ xuất phát điểm rất thấp nhưng lại ít được tiếp nhận sự hỗ trợ của