2.1.4.1. Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải
GTVT là ngành rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và được xem là trung tâm của kết cấu hạ tầng. Tây Ninh là tỉnh nằm trong tiểu vùng Đông Nam Bộ, một tiểu vùng
quan trọng nhất của cả nước. Một lợi thế rất lớn đối với Tây Ninh là tỉnh nằm kế cận với thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm KT- XH lớn nhất của cả nước, một đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Á.
Tây Ninh còn là cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng của miền Đông Nam Bộ cũng như của cả nước đối với các nước láng giềng như Campuchia và Thái Lan. Tây Ninh giữ vị trí cầu nối giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh.
Lãnh thổ Tây Ninh còn là phần đất chuyển tiếp giữa khu vực cao nguyên Nam Trung Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long nên địa hình bằng phẳng, ít dốc nên mạng lưới GTVT của tỉnh khá phát triển, bao gồm các loại hình vận tải đường bộ và đường sông (chủ yếu trên hệ thống sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn) được phân bố khá hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ cơ bản là phát triển KT- XH của tỉnh, trong đó có phát triển du lịch.
♦ Đường bộ: mạng lưới đường bộ có vị trí trí quan trọng hàng đầu trong hệ thống GTVT của tỉnh Tây Ninh, hoạt động vận tải đường bộ chiếm 98,76% cơ cấu vận tải của tỉnh[5]. Tuyến giao thông quan trọng nhất là tuyến quốc lộ 22, nối từ thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh rồi sang tận Campuchia, bao gồm :
- Quốc lộ 22A : bắt đầu từ suối Sâu (huyện Trảng Bàng) đến cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu), dài 28 km, là tuyến nâng cấp thành tuyến quốc tế xuyên Á. Đây là tuyến huyết mạch lưu thông quốc gia, quốc tế cũng như của tỉnh.
- Quốc lộ 22B : nối quốc lộ 22A (tại thị trấn Gò Dầu) qua thị xã Tây Ninh, đến cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên). Tuyến này có ý nghĩa chiến lược trong phát triển KT- XH, an ninh quốc phòng đối với tỉnh, có chiều dài 77km.
Ngoài hai tuyến quốc lộ, Tây Ninh còn có hơn 30 đường tỉnh, hàng chục đường đô thị, hơn 200 đường huyện và hệ thống đường giao thông nông thôn phường, xã với tổng chiều dài trên 4000km. Các tuyến đường này đan chéo nhau và phân bố đều khắp trên địa bàn tỉnh, giúp cho việc vận chuyển, đi lại của nhân dân khi buôn bán, trao đổi, giao lưu về kinh tế, xã hội, văn hóa khá thuận lợi. Hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ đều được dải nhựa hoặc bê tông hóa nhựa, phân bố khá hợp lý. Phần lớn các tuyến đường đều xuất phát từ trục dọc quốc lộ 22, đi trung tâm các huyện lỵ, thị xã, các khu cụm công nghiệp, các khu du lịch với các tỉnh thành lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao lưu của tỉnh với các khu vực xung quanh.
Phương tiện vận tải :đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Mạng lưới vận tải
không những phân bố rộng khắp toàn tỉnh mà còn vươn tới các tỉnh khác, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều loại hình vận tải hành khách, hệ thống xe khách được đầu tư trang bị mới, tăng tính cơ động, tiện nghi; các loại hình taxi đã xuất hiện và khá phát triển ở thị xã Tây Ninh và hiện nay có xu hướng lan sang các huyện, kể cả các huyện biên giới như Tân Biên, Tân Châu. Đặc biệt từ năm 2006, hệ thống xe buýt đã phát triển khá mạnh, đã hình thành nên các tuyến xe buýt đi khắp các huyện, các khu du lịch và đến tận các cửa khẩu vùng biên giới. Chính các tuyến xe buýt này đã đón một lượng du khách không nhỏ từ Campuchia sang tham quan các điểm du lịch ở Tây Ninh, sang đi chiều họ lại trở về bên kia biên giới.
♦ Đường thủy: Tây Ninh có mạng lưới sông rạch phân bố đều khắp với hai hệ thống sông lớn : Vàm Cỏ Đông và Sài Gòn với diện tích lưu vực lớn, lượng nước dồi dào… Toàn tỉnh có tổng chiều dài kênh rạch là 617 km, với hai hệ thống chính :
- Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn tỉnh có điểm đầu là ranh giới với Campuchia, điểm cuối là ranh giới với tỉnh Long An, chiều dài trên địa bàn tỉnh là 151 km. Trên sông Vàm Cỏ đã hình thành nên cảng Bến Kéo với năng lực thiết kế không quá 100000 tấn/ năm, khả năng tiếp nhận tàu từ 200 đến 2000 tấn neo cập; mới đây nhất là cảng Fico Tây Ninh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.
- Sông Sài Gòn có điểm xuất phát là hồ Dầu Tiếng và điểm kết thúc là xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng), với chiều dài đoạn qua tỉnh là 135 km. Tuyến này vừa có thể phục vụ trực tiếp cho giao thông vận tải, vừa có thể phục vụ cho du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái ở khu vực hồ Dầu Tiếng.
Ngoài ra tỉnh cũng có nhiều kênh rạch phù hợp cho các phương tiện nhỏ từ 5- 10 tấn, với chiều dài 202 km. Nhìn chung hệ thống đường thủy của Tây Ninh rất thuận lợi cho việc vận chuyển trong và ngoài tỉnh.
2.1.4.2. Hệ thống thông tin liên lạc
Trong những năm vừa qua, hệ thống thông tin liên lạc đã có những bước tiến bộ vượt bậc, về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành kinh tế – xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Hiện mạng điện thoại di động đã được phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh . Hiện nay hầu như các mạng điện thoại di động lớn trên cả nước đều đã có mặt ở Tây Ninh với mức độ sóng có thể sử dụng tốt cho cả những khu vực biên giới.
Các dịch vụ về bưu chính viễn thông ngày càng đa dạng, số lượng bưu cục, dung lượng của tổng đài, số máy điện thoại ngày càng tăng nhanh,tỷ lệ số máy điện thoại /1000 dân năm 2001: 44; năm 2002: 54; năm 2003: 77; năm 2004: 100 và số máy lũy kế đến 31/12/2004 là 105.000 máy; năm 2005 đạt tỷ lệ 177 máy/1000 dân ;đến năm 2010 đạt tỷ lệ 350 máy trên 1000 dân. Hiện nay khi mà công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ, trên địa bàn Tây Ninh sẽ có một số lượng lớn điện thoại di động được sử dụng trong dân chúng chưa thể thống kê được, ước tính con số này lớn hơn số liệu thống kê được rất nhiều. Mạng viễn thông ngày càng được bố trí hợp lý hơn, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, đặc biệt là tốc độ truy cập Internet, tốc độ truyền số liệu ngày càng được cải tiến, phục vụ đầy đủ, kịp thời cho mọi nhu cầu sinh hoạt và phục vụ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và các khu du lịch.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đã có bưu điện hoặc bưu cục. Các dịch vụ thông tin hiện đại như máy Fax, chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh EMS, truyền hình số, Internet… đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ đời sống. Hiện nay nhu cầu liên lạc giữa Tây Ninh với các vùng trong cả nước và quốc tế được đáp ứng một cách dễ dàng và nhanh chóng, đặc biệt phục vụ cho hoạt động du lịch, thông tin liên lạc giữa các điểm, tuyến và các khu du lịch hết sức thuận lợi. Đây là tiền đề quan trọng trong liên lạc trao đổi, cung cấp và tìm kiếm thông tin du lịch hữu ích.
2.1.4.3. Hệ thống cung cấp điện- nước sạch
♦ Hệ thống cấp điện: Hiện tại Tây Ninh được cung cấp điện từ Nhà máy thủy điện Thác Mơ qua đường dây 110 KV Thác Mơ - Tây Ninh và được kết nối với trạm 210/110 KV Hóc Môn qua đường dây 110 KV Hóc Môn - Củ Chi - Trảng Bàng (Tây Ninh). Hệ thống trạm biến áp chính của Tây Ninh bao gồm:
- Trạm 110 KV Trảng Bàng cung cấp điện cho các huyện Trảng Bàng ,Gò Dầu, Bến Cầu.
- Trạm 110 KV Trà Phí (Tây Ninh) có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực thị xã Tây Ninh, huyện Hòa Thành, Dương Minh Châu và Châu Thành.
- Trạm 110 KV Tân Hưng có nhiệm vụ cung cấp điện cho 02 huyện Tân Biên và Tân Châu và hỗ trợ cho việc cấp điện cho thị xã Tây Ninh.
Hiện 100% các xã (trên 90% hộ dân) thuộc tỉnh đã có điện lưới quốc gia với cơ sở hạ tầng của ngành điện tương đối tốt, vừa phục vụ cho sản xuất vừa phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân.
♦ Hệ thống cấp nước: Hiện nay, hệ thống cấp nước cho sinh hoạt của Tây Ninh sử dụng 2 nguồn nước chính:
- Nước mặt của hồ Dầu Tiếng được đưa về nhà máy nước Tây Ninh ở thị xã Tây Ninh với công suất 7.000 m3/ngày đêm
- Nước ngầm được khai thác ở các trạm cấp nước Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu để cung cấp cho các khu vực đô thị lân cận với tổng công suất các trạm là 6.300 m3/ngày đêm.
Hiện nay tỉ lệ sử dụng nước sạch của Tây Ninh còn khá thấp, theo ước tính của ngành nước số hộ dân sử dụng nước sạch của Tây Ninh chiếm chưa đến 50% số hộ, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Thành và thị xã Tây Ninh và khu vực thị trấn của các huyện, khu vực nông thôn phần lớn sử dụng nước giếng đào.
Phương hướng đầu tư phát triển hệ thống cấp nước của tỉnh năm 2010 và đến năm 2020 là tập trung nâng cấp các nhà máy nước hiện tại và đầu tư xây dựng mới các nhà máy nước để phục vụ các trung tâm đô thị, các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh như Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát. Định hướng chính tập trung vào:
- Đầu tư nâng cấp năng lực nhà máy nước Tây Ninh với công suất thiết kế năm 2010
là 18.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 là 30.000 m3
/ngày đêm.
- Đầu tư nâng cấp năng lực nhà máy nước Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến cầu (phục vụ thị trấn Bến Cầu và Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tổng công suất năm 2010 là 42.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 là 90.000 m3/ngày đêm)
- Đầu tư xây dựng các nhà máy nước Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu với tổng công suất năm 2010 là 5.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 là 10.000 m3/ngày đêm
- Đầu tư xây dựng nhà máy nước Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có công suất năm 2010 là 6.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 là 11.000 m3/ngày đêm;
♦ Hệ thống thoát nước và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường: Hai công trình thủy lợi quan trọng trên địa bàn tỉnh là hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng và Tân Hưng .
Hồ Dầu Tiếng diện tích 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ m3 nước được thiết kế tưới tiêu
chủ động gồm hai hệ thống kênh chính: kênh Đông, kênh Tây và hệ thống tưới tiêu cấp I, II, III, IV và kênh nội đồng, có khả năng tưới tiêu cho 185.700 ha đất nông nghiệp, trong đó tưới tự chảy được 47.000 ha cây trồng các loại của tỉnh và tưới cho khoảng 20.000 ha của
huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nguồn nước Hồ Dầu Tiếng còn phục vụ cho các nhà máy đường, nhà máy chế biến mì, phục vụ cho nhà máy nước sinh hoạt của tỉnh.
Hệ thống thủy lợi Tân Hưng với 246 kênh tưới (tổng chiều dài 213 km), có 1.912 công trình trên kênh đảm bảo tưới cho khoảng 11.000 ha đất ở phía Tây của tỉnh.
Cùng với hệ thống thủy lợi, hiện nay tỉnh cũng đang tích cực đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các điểm dân cư, các khu công nghiệp, các điểm dịch vụ du lịch… nhằm đảm bảo việc xử lý nguồn nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường. Hệ thống thuỷ lợi đã có tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh và các tỉnh trong vùng trong nhiều năm qua, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng năng suất cây trồng. Hiện nay tỉnh đang tiến hành kiên cố hóa hệ thống kênh mương để đảm bảo năng lực tưới tiêu của hệ thống kết hợp với phát triển hệ thống kênh nội đồng, nhằm tận dụng tối đa công năng của hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn cung cấp nước phục vụ cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có du lịch, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và vui chơi giải trí của du khách.
2.1.4.4. Các công trình phục vụ công cộng khác
♦ Hệ thống ngân hàng- bảo hiểm- dịch vụ
Ngoài các hệ thống ngân hàng thương mại của nhà nước đang phát triển rộng khắp, còn có sự tham gia của các ngân hàng cổ phần, Quỹ Hỗ trợ phát triển,Quỹ đầu tư phát triển ,Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng chính sách ,các quỹ tín dụng nhân dân cạnh tranh lành mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, thủ tục luôn được cải tiến đơn giản, các dịch vụ tiện ích ngày càng phong phú hơn. Du khách đến với Tây Ninh có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đa dạng của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Các công ty bảo hiểm hoạt động mạnh ở Tây Ninh, dịch vụ bảo hiểm đã trở nên phổ biến, loại hình bảo hiểm đa dạng, góp phần tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, các dịch vụ khác như: dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính công, dạy nghề, giới thiệu việc làm, công chứng nhà nước…. cũng phát triển mạnh.
♦ Mạng lưới y tế
Mạng lưới y tế được hình thành theo hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở. Ngoài Bệnh viện Ða Khoa tỉnh, các Trung tâm y tế huyện, thị, xã còn có các phòng
khám khu vực, trạm y tế và các phòng khám do tư nhân đảm nhiệm hoạt động thường xuyên.
Tỉnh hiện có 12 bệnh viện với hơn 1.200 giường bệnh, 86 trạm y tế xã phường. Khoảng 2.000 dân có một bác sĩ. Trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất điều trị đã được đầu tư để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Hiện nay tỉnh đang thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế của Trung ương.
♦ Mạng lưới trường học
Mạng lưới trường học của tỉnh được hoàn thiện dần từ các cấp nhà trẻ, mẫu giáo đến hệ thống các trường cao đẳng và trung cấp nghề, hiện tỉnh chưa có trường đại học. Nhìn chung ở khu vực đô thị mật độ trường học khá cao, đáp ứng được nhu cầu giáo dục cho xã hội, trong khi ở các vùng nông thôn còn thiếu các cơ sở giáo dục cho trẻ em như các nhà trẻ, mẫu giáo.
♦ Khu văn hóa- thể thao
Ở Tây Ninh hiện nay, hầu hết tất cả các xã đều đã và đang được đầu tư xây dựng các nhà văn hóa, các khu vui chơi thể thao và học tập cộng đồng. Điều này góp phần tạo ra sân chơi lành mạnh cho thanh niên cũng như góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho người dân. Đây là một trong những cách giáo dục cho thế hệ trẻ lòng mến khách, thái độ ứng xử văn minh lịch sự.
Nhìn chung Tây Ninh có hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch khá đa dạng. Từ hệ thống GTVT, TTLL đến hệ thống cung cấp điện, nước sạch…nhìn chung ngày càng được đầu tư, hoàn thiện để đáp ứng nhu