1.3.2.1 Các nghiên cứu về mối liên quan giữa NT-proBNP với bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
Nghiên cứu của Ndrepepa G. và cộng sự, trên 879 BN chụp ĐMV, trong đó 684 BN có tổn thương vành hẹp > 50% (trong đó có 385 ca đau thắt ngực ổn định, 108 ca đau thắt ngực không ổn định và 191 ca NMCT cấp) và 195 trường hợp chứng. Giá trị trung vị của nồng độ NT-proBNP ở nhóm bệnh ĐMV cao hơn so với nhóm chứng (475 pg/ml so với 117 pg/ml, p < 0,001) [83].
Wolber T. và cộng sự (2007), khảo sát 781 BN được chẩn đoán bệnh ĐMV, trong đó kết quả chụp ĐMV gồm 516 (66%) bệnh nhân có tổn thương hẹp ĐMV ≥ 50% , 133 (17%) tổn thương hẹp < 50% và 132 (17%) bệnh nhân ĐMV bình thường. Kết quả có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm hẹp ĐMV có ý nghĩa so với nhóm hẹp ĐMV không ý nghĩa hoặc nhóm ĐMV
bình thường. Nồng độ NT-proBNP huyết tương giúp tiên đoán tốt bệnh ĐMV có ý nghĩa [84].
Kết quả nghiên cứu trên 848 BN chụp ĐMV và chẩn đoán hẹp ĐMV khi đường kính động mạch hẹp ≥ 70% cho thấy nồng độ NT-proBNP huyết tương tăng ở nhóm bệnh ĐMV là 197,7 pg/ml so với nhóm chứng 128,5 pg/ml (p < 0,01) [85]. Nghiên cứu trên 94 BN đau thắt ngực ổn định và phân suất tống máu > 45% cho thấy điểm cắt nồng độ NT-proBNP huyết tương là 214 pg/ml có giá trị tiên đoán tổn thương ĐMV (độ nhạy 55% và độ đặc hiệu 83%) và nguy cơ tổn thương ĐMV là 1,72 lần (95%CI: 1,19 – 2,47; p = 0,003) [86].
Kragelund C. và cộng sự tiến hành nghiên cứu trên 1034 BN đau thắt ngực ổn định cho thấy nồng độ NT-proBNP ≥ 125 pg/ml dự báo tổn thương ĐMV (hẹp > 70%) với độ nhạy là 0,61 và độ đặc hiệu là 0,6 [87].
Trong kết quả nghiên cửu trên 251 BN đau thắt ngực ổn định cho thấy nồng độ NT-proBNP tăng có ý nghĩa với mức độ tổn thương ĐMV, trong đó nồng độ NT-proBNP ở nhóm không hẹp ĐMV là 140 ± 20,3 pg/ml, nhóm tổn thương 1 ĐMV 176 ± 24,4 pg/ml và nhóm tổn thương nhiều nhánh ĐMV là 315 ±72,9 pg/ml (p = 0,012) [88].
Nghiên cứu của các tác giả trên cho thấy: điểm cắt của nồng độ NT- proBNP ở bệnh ĐMV có khác nhau. Tuy nhiên, nồng độ NT-proBNP có giá trị dự báo tổn thương ĐMV trong BTTMCB mạn tính.
1.3.2.2 Các nghiên cứu về mối liên quan giữa NT-proBNP với rối loạn nhịp tim
Levine Y.C. và cộng sự (2014) “N- pro - B-type natriuretic peptide (NT-proBNP) hoặc B-type natriuretic peptide (BNP) là yếu tố dự báo độc lập loạn nhịp thất ở bệnh nhân ICD phòng ngừa ban đầu”. Nghiên cứu trên 161 BN với giá trị NT-proBNP và 403 BN với giá trị BNP tại thời điểm cấy ICD. Kết quả cho thấy nồng độ cao NT-proBNP và BNP là độc lập liên quan đến nguy cơ loạn nhịp nhanh thất vượt quá đáng kể nguy cơ cho tỉ lệ tử vong,
trong phân tích đa biến [89]. Costantino G. và cộng sự, nghiên cứu (2014) “Hữu ích của N -terminal pro - B-type natriuretic peptide tăng như một dấu hiệu cho rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân ngất xỉu” Kết quả cho thấy nồng độ NT-proBNP tăng mạnh trong 6 giờ có thể dự đoán ngất do rối loạn nhịp tim [90].
NT- proBNP và BNP là một yếu tố dự báo sự cố nhĩ rung. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng NT-proBNP tăng ở các bệnh nhân rung nhĩ có hay không có suy tim kèm theo [91], [92], [93], [94].
Tác giả Konstantino Y. và cộng sự, theo dõi được thu thập từ 47 BN. Trong số đó, 45 BN (96%) mắc bệnh cơ tim do thiếu máu cục bộ, 38 (81%) có suy tim theo phân loại NYHA I – II, 43 (91%) là nam giới và tuổi trung bình là 68,6 ± 11,1 tuổi. Trong thời gian theo dõi, 5 BN (11%) có nhịp nhanh thất không kéo dài, 6 BN (13%) có nhịp nhanh thất kéo dài hoặc rung thất và 36 BN (76%) không có biến cố. Mức độ lưu hành của các dấu ấn sinh học khi nhập viện không khác biệt đáng kể giữa những BN sau đó có nhanh thất thoáng qua hoặc nhanh thất kéo dài hay rung thất và những BN không có biến cố. Không tìm thấy mối tương quan giữa nồng độ IL-6, TNF-α, hsCRP và BNP trong huyết tương và các biến cố loạn nhịp thất ở những bệnh nhân suy tim ổn định trong thời gian trung gian theo dõi 5,1 tháng [95].
Schnorbach J. và cộng sự, nghiên cứu 2541 BN suy tim mạn tính, so sánh tỷ lệ tử vong của nhóm suy tim có rung nhĩ với suy tim không có rung nhĩ cho thấy rung nhĩ không ảnh hưởng tới giá trị tiên lượng độc lập của NT- proBNP với tử vong của BN [96].
1.3.2.3. Một số nghiên cứu về rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân suy tim mạn tính
Theo Chakko S. và cộng sự, nghiên cứu 1989 BN suy tim mạn được ghi Holter nhịp sẽ thấy được hầu hết các rối loạn nhịp khác nhau, tần suất rối loạn nhịp tim tăng theo mức độ suy chức năng thất trái và suy tim [97].
Patton K.K. và cộng sự nghiên cứu 5518 người được theo dõi trong thời gian trung bình là 7,6 năm. Trong thời gian này có 267 đã phát hiện
rung nhĩ. NT proBNP là một công cụ dự đoán mạnh mẽ về rung nhĩ, nó có ý nghĩa hơn ở BN trẻ tuổi và phụ nữ so với BN lớn tuổi và nam giới [98].
Mathew J. (2000) và cộng sự, nghiên cứu 7788 bệnh nhân suy tim mạn tính có nhịp xoang theo dõi trong 37 tháng. Trong quá trình theo dõi có 11,1% BN xuất hiện nhịp nhanh trên thất (bao gồm cả rung nhĩ). Những BN có nhịp nhanh trên thất tăng nguy cơ tử vong so với nhóm không có nhịp nhanh trên thất. Nguy cơ tử vong ở nhóm có nhịp nhanh trên thất tăng 2,45 lần và tăng nguy cơ tái nhập viện vì suy tim nặng với RR 3,00 (từ 2,7-3,33) [99].
Mamas M.A. và cộng sự (2009), phân tích tổng hợp 16 nghiên cứu với 53969 BN suy tim mạn tính thấy rằng: BN suy tim mạn tính (cho dù đó là suy tim có phân số tống máu thất trái giảm hoặc phân số tống máu thất trái bình thường) có rung nhĩ sẽ có tiên lượng nặng và tăng nguy cơ tử vong [100].
Mức độ suy tim và các giai đoạn suy tim do các nguyên nhân đều làm tăng nguy cơ RLNT [101], [102], [103].
Qua rất nhiều nghiên cứu cho thấy RLNT ở BN suy tim là một vấn đề rất đáng được quan tâm và còn cần nghiên cứu để hiểu rõ mối liên quan của RLNT và chức năng tim cũng như sự liên quan của RLNT đến tỷ lệ tử vong của các BN suy tim [93], [104], [105].
Nghiên cứu the Cooperative North Scandinavia Enalapril Survival Study (CONSENSUS) những BN suy tim độ 4 tỷ lệ tử vong trong 1 năm là 52%. Ước tính có khoảng 50 - 60% tử vong ở BN suy tim là do đột tử (đột tử xảy ra cả khi lâm sàng suy tim ổn định hoặc xảy ra trong giai đoạn suy tim nặng lên), nguyên nhân đột tử ở những BN này đa số là do nhanh thất, nhanh thất thoái biến thành rung thất. Đột tử do nhịp chậm ít xảy ra hơn (5 - 30% số bệnh nhân đột tử) và đột tử do nhịp chậm thường xảy ra khi BN suy tim nặng (NYHA III-IV) [106].
1.3.2.4. Một số nghiên cứu về biến thiên nhịp tim ở bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
Pivatelli F.C. và cộng sự (2012), nghiên cứu trên 77 BN được chụp ĐMV, các bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: nhóm có bệnh mạch vành và nhóm không có bệnh mạch vành, BTNT được ghi trong 40 phút, 1000 khoảng RR đầu tiên được chọn để phân tích, các thông số biến thiên nhịp tim SDNN, rMSSD, pNN50, HF giảm có ý nghĩa ở các BN có bệnh mạch vành [107].
Miyase Y. và cộng sự (2014), kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ LF/HF thấp ngay trước chụp ĐMV có giá trị dự báo sự hiện diện của bệnh ĐMV [108]. Van Boven và cộng sự (1998) thấy ở 263 BN BTTMCB mạn tính với chức năng tâm thu thất trái bình thường hoặc gần bình thường, giảm BTNT có liên quan đến các biến cố lâm sàng xấu [14]. Giảm các thông số BTNT là một yếu tố dự báo tỷ lệ tử vong ở BN bệnh mạch vành [109].
Forslund L. và cộng sự (2002), nghiên cứu trên 641 BN BTTMCB mạn tính được theo dõi dọc trung bình 40 tháng, sử dụng Holter điện tim 24 giờ để tính toán các thông số BTNT theo phổ tần số, thấy giảm BTNT có giá trị tiên lượng quan trọng đối với nguy cơ tử vong tim mạch ở BN BTTMCB mạn tính [110].
Nghiên cứu ARIC (Atherosclerosis Risk in Communities Study cohort) trên 2252 đối tượng không có bệnh mạch vành. Sau 3 năm theo dõi, kết quả cho thấy giảm BTNT là yếu tố dự báo quan trọng cho sự xuất hiện mới bệnh mạch vành [15].
Nghiên cứu của Wennerblom B. và cộng sự (2000), tiến hành ghi Holter điện tim trên 48 BN bị đau thắt ngực (trước can thiệp ĐMV) và nhóm chứng 41 người khỏe mạnh cùng tuổi nhận thấy : So với nhóm chứng BN đau thắt ngực giảm đáng kể RMSSD, pNN50, total, LF, HF tuy nhiên không có sự thay đổi SDNN, SDANN, LF/HF. 6 tháng sau can thiệp ĐMV thì có sự hồi phục đáng kể các chỉ số BTNT theo thời gian [111].
CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU