Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, tín dụng ngân hàng vẫn sẽ là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Vì vậy, hệ thống ngân hàng tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ theo các nguyên tắc của thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường hoạt động tín dụng bình đẳng với mọi thành phần kinh tế. Tín dụng bất động sản có tác động gián tiếp đến cung cầu bất động sản.
Thứ nhất, cung nhiều khâu nào thì hạn chế cho vay xây dựng cung đó. Phân định rõ yếu tố phi sản xuất trong tín dụng BĐS và điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản tín dụng BĐS. Ví dụ, tín dụng phục vụ cho xây dựng KCN, KCX (là các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng thực cho nền kinh tế) không nên xếp trong lĩnh vực phi sản xuất. Đồng thời áp đặt các tiêu chuẩn cho vay và thế chấp tài sản cho vay tốt hơn để tăng khả năng hoàn trả vốn vay BĐS cao, từ đó cũng thanh lọc để phát triển được các dự án BĐS hiện đại, khả thi.
Thứ hai, kích cầu bất động sản. Ưu đãi cho vay với đối tượng mua nhà ở giá rẻ, trung bình như vay tiền mua nhà chung cư theo cơ chế trả dần bằng cách trích thu nhập hàng tháng của họ để tăng tính thanh khoản của thị trường bất động sản, để vốn của nhà đầu tư bỏ vào xây dựng bất động sản trở thành vốn cố định, vốn chết, không thu được lợi nhuận.
Về lâu dài, cần hình thành các hình thức tín dụng phát triển nhà ở như: Quỹ tiết kiệm để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà hoặc Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn cho thị trường.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần xem xét, cân nhắc khả năng giảm lãi suất tín dụng ngân hàng, gia tăng thời gian cho vay BĐS để các giao dịch trên thị trường có tính thanh khoản cao hơn, thị trường hoạt động hiệu quả hơn và đương nhiên góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Các tổ chức tín dụng cần nới rộng cho vay mua nhà chung cư bình dân và nhà ở xã hội cho dân nghèo thành thị; bắt tay và cùng phối hợp với các DN BĐS, xem xét cụ thể đối với các dự án đầu tư phát triển BĐS thiết yếu cho dân sinh và phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho sinh viên, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp để giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân. Đối với biệt thự, nhà chia lô, đất nền đang bị bỏ hoang, cần có chính sách và biện pháp mạnh để điều chỉnh giảm giá, tránh đầu cơ gây lãng phí đất đai và tiền bạc của xã hội. Hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án mới, các dự án xây dựng chung cư cao cấp, BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
Tiếp tục mở rộng kênh tín dụng BĐS từ các nguồn ngoài nước như các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng quốc tế (WB, ADB,...) để bổ sung vốn kịp thời cho thị trường trong khi chờ đợi quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước. Ngân hàng có thể liên kết với công ty bảo hiểm để góp phần gia tăng nguồn vốn cho BĐS, đào tạo cán bộ thẩm định chuyên về vay BĐS cho ngân hàng để đảm bảo độ an toàn cho tín dụng BĐS.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc trong cho vay của ngân hàng đối với kinh doanh BĐS. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng vào BĐS của các tổ chức tín dụng, phát hiện kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng; kiểm
soát nguồn vốn tín dụng BĐS tăng trưởng hợp lý, tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng và buộc Nhà nước phải dùng các biện pháp thắt chặt dẫn tới thị trường bị đóng băng; điều chỉnh linh hoạt cơ cấu tín dụng, tỷ trọng cho vay đối với từng khoản tín dụng BĐS; ban hành cơ chế thế chấp BĐS; minh bạch và đơn giản hóa quy trình vay đầu tư BĐS; nâng cấp trình độ cập nhật thông tin BĐS và thông tin tín dụng đối với BĐS. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện cho các nhà ĐTNN có kế hoạch vay tín dụng phù hợp với quá trình triển khai dự án của mình.