Còn những hạn chế kể trên trước hết là do sự tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay. Như chúng ta đã biết cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường bao giờ cũng dẫn tới sự phát triển không đồng đều ở các bộ phận dân cư. Những bộ phận dân cư có khả năng về vốn, lao động, kĩ thuật và kiến thức kinh doanh sẽ phát triển vươn lên. Một bộ phận khác, do điều kiện chủ quan và khách sẽ bị rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, phá sản. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế cũng có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu sự bình đẳng. Kinh tế thị trường không thể thủ tiêu phân hoá giàu nghèo; trái lại, nó là môi trường thuận lợi cho sự phân hoá giàu nghèo phát triển. Do vậy, khi nước ta bắt đầu tạo lập và phát triển kinh tế thị trường, hiện tượng phân hoá giàu nghèo trở thành vấn đề nổi cộm. Kinh tế thị trường càng phát triển thì sự phân hoá giàu nghèo cũng ngày càng dãn rộng.
Trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã lấy nguyên tắc phân phối theo lao động cơ sở cho việc thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện nguyên tắc này đã có nhiều biểu hiện sai lệch không đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, công bằng xã hội được hiểu là trong xã hội ai cũng được sống như nhau, không có kẻ giàu người nghèo. Từ đó, Việt Nam đã thực hiện một kiểu công bằng xã hội đặc
biệt là phân phối “bình quân”, thực chất là chia đều, cào bằng sản phẩm mỗi cá nhân được hưởng. Việc phân phối bình quân ở thời kỳ đầu, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, tỏ ra có hiệu quả. Nó giúp cho việc gìn giữ sự ổn định xã hội, cũng nhu huy động sức người, sức của phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời kỳ đổi mới đến nay Đảng và Nhà nước ta đã có cái nhìn mới về công bằng xã hội, đặc biệt là thực hiện đa dạng hoá các hình thức phân phối góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều điểm chưa cụ thể, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Mặt khác, trong cách làm vẫn chịu ảnh hưởng của cơ chế cũ để lại, chẳng hạn vấn đề về vốn và tư liệu sản xuất…; vấn đề chế độ tiền lương của người lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn thực hiện theo kiểu cũ chưa phát huy được hết khả năng và sự sáng tạo của họ.
Mặt khác, việc kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội còn nhiều hạn chế. Khoảng cách giữa đổi mới chính sách kinh tế và đổi mới chính sách văn hoá xã hội bộc lộ rõ rệt, nhiều vấn đề xã hội nổi lên. Trong chỉ đạo, thường chú ý nhiều đến các chỉ tiêu vật chất mà ít chú ý đến các chỉ tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tình trạng quan liêu, hách dịch nhũng nhiễu của một bộ phận công chức Nhà nước chưa được khắc phục, chưa có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ và kiên quyết để tăng cường có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ và đảng viên cũng như trong lãnh đạo cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng lãng phí.
Tệ tham nhũng là một trong những nạn nặng nề nhất, nó không những đục khoét, tàn phá những thành tựu kinh tế mà nhân dân ta đã phải bỏ bao công sức mới đạt được, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta, mà đồng thời nó cũng là nguyên nhân to lớn tác động tiêu cực
lên quá trình thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, quốc nạn tham nhũng không những không được ngăn chặn, đẩy lùi mà nó vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về bề nổi, lẫn ở những tầng sóng ngầm. Điều đó chứng tỏ năng lực quản lý còn yếu kém của bộ máy Nhà nước và sự xuống cấp, thoái hóa trầm trọng về đạo đức của đội ngũ lãnh đạo.
Thực tế gần đây cho thấy, sự quá yếu kém của Nhà nước và các cấp Chính quyền trong việc quản lý, điều hành kinh tế; hệ thống pháp luật vừa chưa hoàn thiện, còn nhiều kẽ hở để khai thác, vừa thực thi không nghiêm để nhiều kẻ tội phạm lọt lưới…; các chính sách xã hội không nhất quán, có những chính sách vừa mới đưa ra đã phải thu lại ngay vì bị đa số người dân phản đối; nhiều chương trình, dự án kinh tế lớn tiêu tốn biết bao tiền của của nhân dân nhưng thực hiện không nghiêm minh hoặc phải bỏ dở mà không có ai chịu trách nhiệm; việc phân bổ nguồn vốn còn lúng túng, kém hiệu quả…
Trên đây là một số nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc thực hiện công bằng xã hội ở nước ta còn có những hạn chế, tồn tại. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại đó, trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay cần phải có những giải pháp hữu hiệu để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo được công bằng xã hội.
2.3. CHỦ TRƯƠNG, PHƯƠNG HƯỚNG CỦA ĐẢNG VÀ MỘT SỐ GIẢIPHÁP NHẰM ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG XÃ HỘI THEO QUAN ĐIỂM CỦA HỒ