Công bằng xã hội là một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng tới để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra những vấn đề cả về lý luận cũng như thực tiễn trong việc thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi phải nhận thức cho đúng vấn đề đó thì mới có được biện pháp, cách thức làm để đảm bảo công bằng trong xã hội.
Trong những năm gần đây, khi đề cập đến vấn đề công bằng xã hội, một số nhà nghiên cứu thường nêu vấn đề công bằng về cơ hội, xem đó là nội dung chính của công bằng xã hội. Vậy, thế nào là công bằng về cơ hội?
Có quan điểm cho rằng: công bằng về cơ hội là quyền của mọi người được tiếp cận ngang nhau với cơ hội nào đó để thực hiện được điều mình mong muốn, dự định. Ở đây tác giả đã đồng nhất sự công bằng về cơ hội và sự bình đẳng về cơ hội. Sự bình đẳng đó thể hiện ở quyền của mọi người được tiếp cận ngang nhau với một cơ hội bất kỳ nào đó, nhưng điều cốt lõi của công bằng xã hội bao giờ cũng là sự bình đẳng giữa người với người trong mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ theo nguyên tắc cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau.
Ở đây cần phân biệt bình đẳng về cơ hội và công bằng về cơ hội, hai khái niệm đó là khác nhau. Quyền của mọi người được tiếp cận ngang nhau với một cơ hội nào đó hoàn toàn khác với khả năng tiếp cận cơ hội đó của mỗi người, mỗi chủ thể. Có lẽ, nên hiểu công bằng về cơ hội là: “Tạo cơ hội cho mọi người đều được cống hiến và được hưởng thành quả của sự phát triển"
như đã ghi trong văn kiện Đại hội VII, hay văn kiện Đại hội VIII đã ghi là: tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội sử dụng tốt năng lực của mình. Nhưng năng lực của mọi người không giống nhau, người này khỏe hơn người kia, người này giàu hơn người kia…
Vì vậy, “công bằng về cơ hội” không phải là “tạo cơ hội ngang nhau cho từng người”, mỗi chủ thể, đều được cống hiến và hưởng thụ tương xứng với cống hiến đó. Song, cống hiến và được hưởng thụ tương xứng với cống hiến chính là nội dung cốt lõi của sự công bằng trong xã hội. Không nên hiểu công bằng về cơ hội theo nghĩa là tạo cơ hội như nhau cho mọi người mà quan trọng hơn là cơ hội đó phải phù hợp với mỗi chủ thể. Điều này sẽ góp phần quan trọng để mỗi chủ thể phát huy được cao nhất khả năng của mình để được sự hưởng thụ tương xứng. Đây mới thực sự là sự công bằng về cơ hội cho mọi cá nhân tạo ra cơ hội phù hợp cho mỗi người có điều kiện phát triển. Điều này phụ thuộc vào chủ trương, chính sách và việc chỉ đạo thực hiện nó trong thực tiễn. Ở Việt Nam, nói “tạo cơ hội phù hợp” cho mọi người là khó thì cũng không hoàn toàn vậy. Thực tế, trong thời gian qua, chúng ta đã làm được điều đó. Chẳng hạn, trong giáo dục - đào tạo hiện nay, việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo như: Chính quy, tại chức, giáo dục từ xa, giáo dục đặc biệt đã tạo cơ hội cho mọi người với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau đều có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ .
Như vậy, chỉ có hiểu công bằng về cơ hội theo nghĩa đó thì mới có thể phát huy được khả năng của từng chủ thể, mới tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế được sự gia tăng bất bình đẳng xã hội đang diễn ra hiện nay ở nước ta.
Bình đẳng về cơ hội là gì? Đó là sự bình đẳng trong việc tiếp nhận các nguồn lực phát triển cho mỗi cá nhân, cụ thể là có sự bình đẳng về cơ hội được học tập, đào tạo nâng cao trình độ, sức khỏe, trực tiếp nhận các thông tin
cần thiết và kịp thời. Tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội là nhằm giải phóng họ khỏi những trói buộc, tạo điều kiện cho họ vươn lên, cống hiến được nhiều hơn cho xã hội và gia đình. Cần làm cho sáng kiến cá nhân, nỗ lực cá nhân trở thành yếu tố quyết định thành quả kinh tế, văn hóa – xã hội của mỗi người mà không phải là hoàn cảnh gia đình, đẳng cấp, giới tính ở việt nam hiện nay.
Tiền đề quan trọng để thực hiện công bằng xã hội là làm sao cho mọi người đều có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và điều kiện phát triển. Ngoài nguồn lực về kinh tế, còn có nguồn lực trí tuệ và nguồn lực để phát triển thể chất. Vì vậy, cần phải có một chiến lược đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, tài chính, thông tin…; về giáo dục, đào tạo; về công tác chăm lo sức khỏe cho người dân, nhất là đối với những người nghèo, vùng nghèo mà phần lớn là những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến trước đây, nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển của các vùng này. Điều quan trọng của việc đầu tư này sẽ tạo cơ hội cho những người dân ở các nơi này được tiếp cận với những nguồn lực và điều kiện phát triển ngay từ tuổi thơ được học tập, được chăm sóc sức khỏe, để khi trưởng thành họ có đủ điều kiện tự mình phấn đấu thực hiện công bằng xã hội bằng chính sức lực và tài năng của mình đã chuẩn bị từ trước. Đó cũng là cách để từng bước, từng bước khắc phục tình trạng “bất công tự nhiên” và bất công do lịch sử để lại, giữ vững ổn định chính trị-xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.