Công bằng trên lĩnh vực chính trị

Một phần của tài liệu Thực hiện công bằng xã hội ở việt nam hiện nay theo quan điểm của hồ chí minh (Trang 29 - 33)

Chúng ta ai cũng biết, thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 dẫn đến sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thành quả của 15 năm đấu tranh giành Chính quyền của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau cách mạng thành công, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trong và ngoài nước đã bao vây, chống phá hòng lật đổ Chính quyền cách mạng. Trong khi đó, Chính quyền cách mạng chưa được củng cố, lại tiếp thu một đất nước kiệt quệ về kinh tế - tài chính và biết bao hậu quả do chế độ thực dân phong kiến để lại, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Trong bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã kết tội các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận. Đối với nước ta, khẳng định quyền bình đẳng giữa mọi người và mọi dân tộc là lẽ tự nhiên, là chân lý không thể nào phủ nhận được.

Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước toàn thể quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 đã vĩnh viễn xóa bỏ mọi sự ràng buộc bất bình đẳng giữa Việt Nam với Pháp “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [44, tr.557].

Ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:

Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu [45, tr.8].

Ngày 6.1.1946, lần đầu tiên ở nước ta, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội của một Nhà nước dân chủ thắng lợi.

Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ là Nhà nước mà trong đó nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, mà trước hết là quyền bầu ra Nhà nước, bầu ra Chính quyền các cấp. Nhà nước là tổ chức do dân lập ra để thực hiện quyền lực nhân. Chủ trương tổng tuyển cử của Hồ Chí Minh thể hiện rõ tinh thần đó: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” [45, tr.133]. Chính sách bầu cử, ứng cử là vấn đề cốt lõi của tính hợp hiến, hợp pháp trong việc hình thành bộ máy Nhà nước, tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn là những chuẩn mực của việc xem xét một bộ máy Chính quyền có thật sự của dân hay không.

Ngay trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên người nói:

Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Vì lẽ đó, tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết [45, tr.133].

Sau này, trong tác phẩm thường thức chính trị, Người cũng viết:

Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động được thực hành quyền thống trị của mình [48, tr.218].

Tư tưởng phổ thông đầu phiếu sớm hình thành ở Hồ Chí Minh không đơn thuần chỉ là bắt nguồn từ tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân mà còn xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện cách mạng kháng chiến, kiến quốc ở nước ta, bầu cử là một hình thức chính trị huy động sức mạnh toàn dân đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, khẳng định và giữ vững nền độc lập dân tộc. Trong lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng là phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn” [45, tr.145]. Cho nên bất cứ ai là người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh dân tộc đều có quyền đi bỏ phiếu để lựa chọn những người xứng đáng đảm nhận việc nước.

Ngoài nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, những nguyên tắc dân chủ khác của chế độ bầu cử như trực tiếp và bỏ phiếu kín cũng được Hồ Chí Minh nhận thức và áp dụng vào cuộc bầu cử đầu tiên ở Việt Nam. Đồng thời nó cũng được ghi vào trong hai bản hiến pháp mà Hồ Chí Minh, Chủ tịch chủ trì soạn thảo: “chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín” (Điều 17, hiến pháp 1946); “Việc tuyển cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đều tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín” (Điều 5, hiến pháp 1959). Những tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh về các nguyên tắc dân chủ trong bầu cử quốc hội phù hợp và

đáp ứng được nhu cầu xây dựng chính thế cộng hòa dân chủ nhân dân trong con đường cách mạng Việt Nam.

Thực hiện công bằng, bình đẳng dân chủ về chính trị không chỉ thể hiện ở việc nhân dân phát huy quyền lực của mình thông qua bầu cử, ứng cử mà họ còn kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức và cán bộ mà họ bầu ra. Hồ Chí Minh nhắc nhở:

Chính phủ ta là Chính phủ nhân dân, chỉ có mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân [48, tr.362].

Nhân dân không chỉ bầu ra mà còn có quyền giám sát các đại biểu, có quyền bãi miễn họ. Ngay sau khi Chính quyền nhân dân vừa được thành lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân hãy tham gia giám sát công việc của Chính phủ. Người viết:

Từ ngày thành lập Chính phủ, trong nhân viên còn có nhiều khuyết điểm.

Có người làm quan cách mạng chợ đỏ, chợ đen, khinh dân… Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc của Chính phủ [46, tr.61].

Nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân không những trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng xã hội mới, nhân dân không chỉ tham gia xây dựng, thành lập Nhà nước mà còn phải tham gia công việc của Nhà nước. Hiến pháp 1946 đã ghi nhận chế độ trưng cầu dân ý. Điều 32 nêu rõ: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý”. Chế độ trưng cầu dân ý, tuy đã được thực hiện ở nhiều nước, nhưng ở nước ta lúc đó thực hiện được điều này quả là một tiến bộ vượt bậc

Về mặt này, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc để dân thảo luận, phát huy sáng kiến và tìm cách giải quyết mọi vấn đề. Người dạy: “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” [46, tr.297]. Điều đó sẽ giúp Nhà nước luôn nắm bắt được đầy đủ những đòi hỏi đa dạng của cuộc sống và xu thế phát triển của nó nhằm giải quyết một cách kịp thời và đúng đắn mọi nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, theo Hồ Chí Minh, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phát huy dân chủ, phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân. Cho nên, tạo ra những điều kiện thực tế và ngày càng hoàn thiện hơn để nhân dân thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình là biện pháp tốt nhất để phát huy tính chủ động và tính tích cực chính trị trong nhân dân.

Tóm lại, thực hiện công bằng, bình đẳng, dân chủ trong chính trị là bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong bầu cử và ứng cử của nhân dân vào các cơ quan đại diện là Nhà nước. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc đảm bảo những điều kiện để nhân dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, của đội ngũ cán bộ, bày tỏ ý kiến của mình khi Nhà nước trưng cầu dân ý…

Một phần của tài liệu Thực hiện công bằng xã hội ở việt nam hiện nay theo quan điểm của hồ chí minh (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w