Những hạn chế của pháp luật thuế TNDN hiện nay

Một phần của tài liệu Tài liệu Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật (Trang 76 - 81)

Cùng với những nỗ lực không ngừng của các nhà lập pháp, các chuyên gia ngành thuế trong thời gian qua thì hệ thống văn bản pháp luật thuế nói chung và pháp luật thuế TNDN của nước ta nói riêng đã không ngừng được cải tiến, hợp lý và hiệu quả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, pháp luật về ưu đãi thuế TNDN hiện nay vẫn có những hạn chế nhất định. Dù Luật thuế TNDN năm 2008 đã được thay thế, sửa đổi, bổ sung bởi Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, nhưng những mặt hạn chế này vẫn còn tồn tại.

Thứ nhất: Quy định ưu đãi thuế còn dàn trải, thiếu tập trung và thống nhất

Các quy định pháp luật ưu đãi thuế hiện nay được quy định dàn trải trong quá nhiều văn bản khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm hiểu, và chính vì không hiểu nên nhiều doanh nghiệp không biết đến chính sách ưu đãi mà doanh nghiệp mình lẽ ra được hưởng, hay thậm chí vì không hiểu nên còn có hành vi vi phạm chính sách thuế. Hiện nay, để tìm hiểu chính sách ưu đãi thuế TNDN, doanh nghiệp phải tìm hiểu cả những văn bản quy

phạm pháp luật thuế cũ và mới: Luật thuế TNDN năm 2008, Nghị định 124/2008/NĐ-CP ban hành ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN, Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định 124/2008/NĐ-CP, Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN, Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ- CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN… và còn rất nhiều các văn bản pháp lý khác có liên quan đến việc xác định ưu đãi thuế TNDN dành cho từng ngành và lĩnh vực cụ thể như ưu đãi cho ngành môi trường, ưu đãi cho dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp… Trước “ma trận” các quy định thuế đó, doanh nghiệp thường không có thời gian để tìm hiểu, hoặc có thì cũng chỉ tìm hiểu được phần nào, trong khi các chính sách thì luôn cập nhật và thay đổi theo từng năm. Điều đó dẫn đến thực tế phổ biến là có khá nhiều doanh nghiệp hiện nay còn vi phạm quy định về thu - nộp thuế. Theo báo cáo sơ bộ tại Chi cục thuế thành phố Hải Dương, chỉ riêng trong năm 2014 đã có gần 1.500 quyết định về xử phạt vi phạm chính sách thuế được ban hành, trong đó các doanh nghiệp đều xác định sai mức thuế ưu đãi được hưởng dẫn đến làm giảm số tiền thuế phải nộp. Chỉ riêng số tiền thuế truy thu và xử phạt nộp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp vi phạm đã chiếm hơn 30% tổng số tiền thu được vào ngân sách nhà nước của Chi cục thuế thành phố Hải Dương năm 2014 [17].

Thứ hai: Hạn chế về thủ tục hưởng ưu đãi

Pháp luật hiện nay trao cho doanh nghiệp quyền tự chủ, tự kê khai trong hoạt động quyết toán thuế, cơ quan thuế chỉ có trách nhiệm kiểm tra,thanh tra bản quyết toán thuế đó. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện để áp dụng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm

thuế thì cơ quan thuế xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định.

Cơ quan thuế trao cho doanh nghiệp quyền tự kê khai, tự quyết toán thuế, đồng nghĩa với việc khi quyết toán thuế, doanh nghiệp phải tự mình xác định trường hợp được ưu đãi khi cũng một lúc phát sinh nhiều trường hợp. Đây là một thuận lợi nhằm tăng quyền tự chủ của doanh nghiệp nhưng cũng là một khó khăn khiến doanh nghiệp phải đau đầu. Ví dụ như trong trường hợp một doanh nghiệp mới ra sản xuất kinh doanh với ba nhà máy sản xuất, như vậy doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN là miễn thuế trong 2 năm đầu từ khi phát sinh doanh thu, sau đó giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo. Mà theo luật thì doanh nghiệp có quy định “Trong cùng một kỳ tính thuế nếu có một khoản thu nhập thuộc diện áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi và miễn thuế, giảm thuế theo nhiều trường hợp khác nhau thì cơ sở kinh doanh tự lựa chọn một trong những trường hợp ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất theo chế

độ quy định”, như vậy doanh nghiệp phải tự xác định xem tính theo trường hợp

nào là có lợi nhất cho mình. Đây không phải là một việc dễ dàng vì nhà máy mới xây dựng lại chưa thể biết doanh thu có cao hơn so với doanh thu của 3 nhà máy cũ hay không, và tính theo trường hợp nào thì số thuế được giảm sẽ lớn hơn. Nếu doanh nghiệp tính sai sẽ có 02 trường hợp xảy ra: 1) Nếu số thuế được ưu đãi thấp hơn so với thực tế doanh nghiệp được hưởng thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt. 2) Nếu trường hợp doanh nghiệp tự khai là mình hưởng ưu đãi theo trường hợp đã chọn cao hơn so với tính toán của cơ quan thuế thì doanh nghiệp sẽ bị phạt. Điều đó gây cho doanh nghiệp một tâm lý lo sợ.

Thứ ba: Tình trạng chồng chéo, thiếu đồng nhất về nội dung quy định giữa các văn bản pháp lý liên quan đến ưu đãi thuế TNDN còn khá phổ biến. Các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi quá nhanh dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin

Trước hết phải kể đến mâu thuẫn giữa Luật thuế TNDN năm 2008 và Nghị định hướng dẫn. Trong Nghị định 124/2008/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định thời hạn miễn thuế 01 năm đối với trường hợp thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới được miễn thuế 01 năm (Điều 4). Thời hạn miễn thuế, giảm thuế quy định ở điều khoản này là quy định hoàn toàn mới do Chính phủ đưa ra mà không trên cơ sở quy định của Luật thuế TNDN năm 2008. Đến Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 và Nghị định 218/2013/NĐ-CP đã khắc phục được tình trạng chồng chéo này. Tuy nhiên, Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Thông tư 78/2014/TT-BTC được ban hành chưa bao lâu thì đã bị sửa đổi, bổ sung thay thế một số điều bởi một số văn bản khác như Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế; Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế; Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế. Với “cơn mưa” các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi bổ sung như vậy, doanh nghiệp rất khó để nắm bắt được thông tin kịp thời, không chỉ doanh nghiệp mà đến ngay chính cán bộ thuế, những người thường xuyên phải nắm bắt với các quy định pháp luật kịp thời cũng gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, bởi tình trạng văn bản này chưa kịp áp dụng thì đã có văn bản mới sửa đổi bổ sung.

Không chỉ tồn tại mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật thuế liên quan đến ưu đãi thuế TNDN, mà hiện nay còn có sự chồng chéo giữa một số quy định của những văn bản pháp luật thuế TNDN với những văn bản pháp luật của các ngành liên quan. Ví dụ một dự án mới cũng tồn tại sự thiếu thống nhất về đối tượng hưởng ưu đãi giữa Luật Đầu tư và Luật thuế TNDN; Luật Đầu tư 2005 cho rằng đối tượng hưởng ưu đãi thuế TNDN là “dự án đầu tư” (Điều 32,33 Luật Đầu tư), trong khi đó Luật thuế TNDN cho rằng chỉ áp dụng ưu đãi thuế TNDN dành cho “doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư mới”. Trong thực tế, sự thiếu thống nhất về các quy định này khiến việc khuyến khích nhà đầu tư đầu tư thêm dự án mới trở nên khó khăn hơn. Hay trong việc ưu đãi theo ngành, lĩnh vực đầu tư, một số văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đang gây nên tình trạng loạn ưu đãi đầu tư về ngành và lĩnh vực. Theo quy định hiện hành của Luật thuế TNDN thì chỉ một số lĩnh vực sau được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm gồm: công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển nhà máy nước, điện, hệ thống cấp thoát nước… Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (lĩnh vực xã hội hóa) thì được hưởng ưu đãi với thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động. Quy định của Luật thuế TNDN chỉ giới hạn ưu đãi ở một số ngành nghề như vậy, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các bộ ngành lại soạn thảo các văn bản hướng dẫn ưu đãi liên quan đến lĩnh vực của mình một cách “độc lập” mà không có sự thống nhất về các lĩnh vực ưu đãi Luật thuế TNDN đã quy định.

Nguyên nhân của việc loạn ưu đãi về ngành, lĩnh vực có lẽ một phần do các lĩnh vực ưu đãi mà mà Luật thuế TNDN quy định hiện nay chưa bao quát hết được các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang tập trung khuyến khích đầu tư. Chính vì vậy một số văn bản liên quan đến các lĩnh vực này đã đưa

ra các ưu đãi mới, dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp khi muốn áp dụng. Tình trạng này đã khiến cho hệ thống pháp luật về ưu đãi đầu tư hiện nay trở nên thiếu đồng bộ, gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng và làm giảm hiệu quả của chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Nguyên nhân chung của những bất cập trong việc thu hút đầu tư nguồn vốn FDI dễ dàng nhận thấy là do sự quy định thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật liên quan đến ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế TNDN.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)