Tác động của vốn ngân hàng đến tăng trưởng cho vay

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 37 - 40)

2.3.1.1 Nghiên cứu lý thuyết

Về ảnh hưởng của vốn ngân hàng, cơ sở lý luận đầu tiên cần phải đề cập là hệ số vốn cao hơn sẽ cải thiện khả năng hấp thụ rủi ro cho ngân hàng, làm giảm những tổn thất đe doạ khả năng phá sản của ngân hàng (Repullo 2004; Coval và Thakor 2005). Để ổn định tài chính, việc nắm giữ đủ vốn sẽ giúp ngân hàng hấp thụ các khoản lỗ có thể phát sinh thông qua việc bán các khoản đầu tư thanh khoản để trả các khoản nợ theo yêu cầu (Distinguin và cộng sự 2013). Gambacorta và Mistrulli (2004) chỉ ra rằng hành vi cho vay ngân hàng phụ thuộc vào cấu trúc vốn, qua đó đề xuất rằng các ngân hàng có nhiều vốn chủ sở hữu có thể chống chịu được các tình huống tài chính khó khăn tạm thời của bên đi vay và duy trì mối quan hệ cho vay dài hạn. Košak và cộng sự (2015) kết luận rằng các ngân hàng có mức vốn cao có thể mở rộng cho vay nhanh hơn và cho vay nhiều hơn so với các ngân hàng có mức vốn nhỏ. Hơn nữa, trong thời kỳ căng thẳng tài chính thì các ngân hàng có mức vốn cao có thể đối phó với khủng hoảng và hỗ trợ cho vay tốt hơn so với nhóm các ngân hàng còn lại.

Thakor (2005) đề cập giả thuyết “quá lớn để thất bại” (too big to fail) đối với các ngân hàng có nhiều vốn chủ sở hữu. Các ngân hàng này có xu hướng liều lĩnh hơn trong các quyết định đầu tư, từ đó gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho danh mục tín dụng. Ngoài ra, cũng có lập luận cho rằng các ngân hàng không được kiểm soát tốt có xu hướng chấp nhận rủi ro quá mức

để tối đa hóa giá trị cổ đông, dẫn đến rủi ro đạo đức (moral hazards) (Bitar và cộng sự 2018). Blum (1999) cũng chứng minh rằng việc tăng vốn có thể dẫn đến rủi ro gia tăng thông qua mở rộng cho vay ồ ạt thiếu kiểm soát với cơ sở giải thích rằng nếu quá tốn kém cho các ngân hàng để tăng vốn trong tương lai, thì giải pháp khả thi cho họ là tăng rủi ro cho danh mục đầu tư trong hiện tại nhờ vào tiềm lực vốn sẵn có. Ngoài ra, vốn ngân hàng cấu thành một nhân tố chính của khung liên kết với các tiêu chuẩn cho vay mà Bayoumi và Malander (2008) đề xuất. Theo đó, các ngân hàng có xu hướng thiết lập các tiêu chuẩn cho vay nghiêm ngặt hơn sau một cú sốc tiêu cực đối với tỷ lệ vốn, từ đó làm giảm khối lượng vốn vay giải ngân ra nền kinh tế. Như vậy, nhánh các tài liệu vừa được trình bày ủng hộ quan điểm rằng vốn ngân hàng tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay nhiều hơn.

Ở chiều ngược lại, vốn ngân hàng được xem như nhân tố xác định động cơ quản lý, nghĩa là bộ đệm vốn tốt có thể khiến ngân hàng thực hiện các chiến lược kinh doanh thận trọng bằng cách giảm các hành vi có rủi ro (VanHoose 2007). Khi mà tăng trưởng cho vay nhanh chóng thường là dấu hiệu của tính rủi ro (Keeton 1999; Acharya và Naqvi 2012; Fahlenbrach và cộng sự 2016), các ngân hàng có hệ số vốn cao sẽ trở nên thận trọng hơn và qua đó mở rộng cho vay đến một mức độ nhỏ hơn các ngân hàng có vốn yếu (Goodhart 2013). Theo quan điểm chi phí đại diện, khi phải chịu thiệt hại nhiều hơn nếu ngân hàng gặp tổn thất, các cổ đông của những ngân hàng có vốn lớn hơn sẽ có nhiều động cơ hơn để tham gia vào việc giám sát các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Lý thuyết này lần đầu tiên được đưa ra bởi Holmstrom và Tirole (1997) dựa trên việc phát triển bộ khung trong đó vốn cao hơn thúc đẩy mạnh mẽ các ngân hàng giám sát khách hàng của họ cũng như cẩn trọng trong việc mở rộng đầu tư, đề xuất về sự tương tác tiêu cực giữa vốn ngân hàng và việc mở rộng cho vay. Trong bối cảnh này, vốn chủ sở hữu ngân hàng có chức năng như một công cụ bảo vệ và khởi đầu cho chiến lược quản lý thận trọng vì theo cách tiếp cận này, tồn tại mối đe doạ cho các cổ đông. Anginer và cộng sự (2018) bên cạnh việc cho rằng các ngân hàng hướng đến hệ số vốn cao để chống lại cú sốc thu nhập và đảm bảo khả năng đáp ứng các cam kết với khách hàng, họ cũng lập luận rằng bộ đệm vốn cao hơn làm cho cổ đông ngân hàng thận trọng hơn và khôn ngoan hơn trong quyết định đầu tư, cụ thể trong các quyết định mở rộng cho vay.

2.3.1.2 Nghiên cứu thực nghiệm

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã xem xét ảnh hưởng của vốn ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay, trong đó hầu hết các nghiên cứu cho thấy tác động cùng chiều, mặc dù ở nhiều mức độ khác nhau. Trong một nghiên cứu được xem là tiên phong, Bernanke và Lown

(1991) ước tính rằng tác động của việc tăng 1% vốn ngân hàng sẽ dẫn đến mức tăng khoảng 2–3% tăng trưởng cho vay. Furlong (1992) và Hancock và Wilcox (1994) cũng cho thấy tác động tích cực của vốn ngân hàng đối với hoạt động cho vay. Furlong (1992) chỉ ra rằng tỷ lệ vốn ngân hàng có tương quan cùng chiều với sự tăng trưởng của các khoản vay ngân hàng. Ước lượng của Hancock và Wilcox (1994) cho thấy vào năm 1991 tại Mỹ, sự sụt giảm trong mỗi đô la vốn ngân hàng dẫn đến việc giảm khoảng 4,50 đô la tín dụng ngân hàng.

Bằng chứng thực nghiệm của nhiều nghiên cứu gần đây lại cung cấp các kết quả hỗn hợp, không giống như những tài liệu được thực hiện trước đó. Những lý do có thể giải thích cho sự khác biệt trong các phát hiện của các học giả đó là sự không đồng nhất của các mẫu được xem xét cũng như các quan điểm ưu tiên các phương pháp hồi quy khác nhau (Roulet 2018). Một số nghiên cứu điển hình được tổng hợp như sau.

Košak và cộng sự (2015) tập trung vào tác động của vốn ngân hàng, thông qua các thước đo khác nhau, đối với hành vi cho vay của các ngân hàng trên toàn thế giới trong giai đoạn 2000–2010. Với việc phát hiện một tác động tích cực của vốn cấp 1 đối với tăng trưởng cho vay trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu và trong giai đoạn không khủng hoảng ghi nhận vốn cấp 2 ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng cho vay của ngân hàng, họ đi đến kết luận về vai trò quan trọng của vốn ngân hàng đối với tiềm lực nội tại của ngân hàng. Louhichi và Boujelbene (2017) kiểm định mối tương quan giữa vốn ngân hàng và hành vi cho vay tại châu Á và châu Âu. Họ tiết lộ rằng một tấm đệm vốn tốt có tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng cho vay ngân hàng, ủng hộ quan điểm về vai trò quan trọng của vốn để giúp ngân hàng đương đầu với khủng hoảng. Dựa trên dữ liệu ngân hàng hàng năm của Mỹ từ 2001 đến 2009, Carlson và cộng sự (2013) phát hiện tỷ lệ vốn tăng 1% sẽ khiến tăng trưởng cho vay tăng khoảng 0,05–0,2% hàng năm. Tuy nhiên, mối quan hệ tích cực này đã không được quan sát trước cuộc khủng hoảng tài chính, mà nó chỉ trở nên có ý nghĩa trong năm 2008 và 2009. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng vốn trở nên quan trọng hơn cho tăng trưởng cho vay trong giai đoạn khủng hoảng. Kết quả này tương ứng với kết quả của Gambacorta và Marques- Ibanez (2011) và Cornett và cộng sự (2011), mặc dù vốn ngân hàng không phải là vấn đề trọng tâm trong các nghiên cứu này.

Kim và Sohn (2017) sử dụng mẫu quan sát của các ngân hàng tại Mỹ để tiến hành nghiên cứu. Họ chỉ ra rằng tác động của tấm đệm vốn ngân hàng đối với tăng trưởng tín dụng, đo lường bằng tốc độ tăng trưởng của tổng các khoản vay ròng và các cam kết cấp vốn không được sử dụng, có tương quan tích cực với thanh khoản chỉ đối với các ngân hàng lớn. Kết quả

nghiên cứu nhấn mạnh rằng vốn ngân hàng chỉ thực sự ảnh hưởng đối với việc cho vay chỉ sau khi các ngân hàng lớn nắm giữ đủ tài sản lưu động. Roulet (2018) điều tra tác động của vốn đối với hoạt động cho vay ngân hàng tại châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vốn có tác động tiêu cực đến tăng trưởng cho vay ngân hàng bán lẻ và các khoản mục cho vay khác. Trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng ở Châu Âu, các tiêu chuẩn pháp quy về an toàn vốn nghiêm ngặt hơn đã buộc các ngân hàng thay thế các khoản cho vay có rủi ro bởi các tài sản thanh khoản cao và ít rủi ro hơn.

Tóm lại, tác động của quy mô vốn đối với hoạt động cho vay của các ngân hàng đã được tranh luận rộng rãi với rất nhiều kết quả khác nhau. Trên thực tế, người ta lo ngại rằng việc phát sinh các khoản lỗ lớn tại các ngân hàng sẽ làm giảm vốn và tác động tiêu cực đến cho vay, qua đó kiến nghị về việc tăng vốn ngân hàng (Mora và Logan 2012). Tuy nhiên, bằng chứng từ cuộc khủng hoảng 2008 cho thấy rằng việc tập trung đầu tư vào tiềm lực vốn là không đủ để ngăn chặn sự thất bại của ngân hàng (Bitar và cộng sự 2018). Hơn thế nữa, cũng có những hoài nghi về hiệu quả của các chuẩn mực an toàn vốn được đề xuất từ các phiên bản của hiệp định Basel (Khan và cộng sự 2017). Trong khi đó, các ngân hàng được cho rằng đã vận hành dựa trên định hướng rằng cấu trúc vốn của họ chỉ được quyết định bởi các tiêu chuẩn vốn pháp định, phớt lờ đi ý nghĩa thực sự của tấm đệm vốn (Sorokina và cộng sự 2017). Có bằng chứng trước đó cho thấy các ngân hàng thường duy trì nguồn vốn pháp định lớn hơn đáng kể so với quy định của nhà điều hành chính sách (Berger và cộng sự 2008). Các vấn đề này gợi lên mối bận tâm rằng liệu hệ thống ngân hàng ở một quốc gia mới nổi như Việt Nam nên đầu tư vào tiềm lực vốn như thế nào để đáp ứng yêu cầu kinh doanh và quản trị rủi ro.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 37 - 40)