Tác động của chất lượng tài sản đến tăng trưởng cho vay

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 40 - 43)

2.3.2.1 Nghiên cứu lý thuyết

Các ngân hàng có thể có nhiều công cụ để đánh giá chất lượng và giảm sát khoản vay thông qua tin tức, các phân tích kinh tế vĩ mô, hoặc áp lực tiềm ẩn đối với các tài sản và nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán. Trực tiếp hơn, các ngân hàng có thể xác định thông qua sàng lọc người đi vay và theo dõi các khoản vay hiện tại của họ khi chúng có biểu hiện giảm chất lượng. Các yếu tố này có thể dẫn đến thay đổi chính sách cho vay của ngân hàng, cụ thể thông qua thay đổi về nguồn cung cho vay hoặc những điều chỉnh trong khẩu vị rủi ro. Do đó chất lượng tài sản có thể đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định cho vay của các ngân hàng .

Một ngân hàng thận trọng trong chiến lược đầu tư, khi có một lượng nợ xấu cao, sẽ có xu hướng tập trung vào việc tăng cường quản trị rủi ro và đồng thời cải thiện chất lượng tài sản thay vì gia tăng cấp tín dụng (Bernanke và Blinder 1988; Altunbas và cộng sự 2010; Balgova và cộng sự 2016). Khi đó, chất lượng tài sản được cải thiện sẽ cho phép các ngân hàng mạnh dạng mở rộng hoạt động kinh doanh cho vay. Rủi ro tín dụng cao ràng buộc các nguồn lực của ngân hàng, giảm lợi nhuận của ngân hàng và dẫn đến chi phí tài trợ cao hơn. Kết quả sau cùng là ngân hàng buộc phải giảm nguồn cung tín dụng. Roulet (2018) cho rằng sự gia tăng rủi ro tín dụng của ngân hàng sẽ gây áp lực lên vốn ngân hàng và qua đó làm giảm mong muốn cho vay của ngân hàng, đề xuất mối tương quan âm cho ảnh hưởng của rủi ro tín dụng lên tăng trưởng cho vay của ngân hàng.

O’Brien (1992) chỉ ra rằng việc giảm cho vay của ngân hàng có thể được gây ra một phần do sự sụt giảm theo chu kỳ của nhu cầu tín dụng. Trong thời kỳ kinh tế đi lên, các khoản nợ xấu có xu hướng thấp và dự phòng rủi ro cho vay cũng được cắt giảm. Việc nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay trong thời kỳ kinh tế phát triển phụ thuộc vào cơ chế giám sát và các quy tắc cho vay hiện có. Trong thời điểm kinh tế có dấu hiệu suy thoái, nợ xấu cao hơn dự kiến sẽ kéo theo sự thận trọng lớn hơn từ các bên cho vay. Hệ quả là các ngân hàng bắt đầu thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay dẫn đến việc cho vay ra nền kinh tế trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng cho vay. Heid và Kruger (2011) cũng nhấn mạnh rằng việc giảm cho vay của ngân hàng có thể là do các ngân hàng không sẵn sàng giải ngân các khoản vay một khi chất lượng tài sản suy giảm.

2.3.2.2 Nghiên cứu thực nghiệm

Các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá trực tiếp tác động của chất lượng tài sản hay cụ thể hơn là rủi ro tín dụng đối với tăng trưởng cho vay cho đến nay vẫn đang được mở rộng. Hầu hết các nghiên cứu hiện có đều phát hiện rằng các ngân hàng có xu hướng cung cấp ít khoản vay hơn ra thị trường khi đối mặt với sự gia tăng rủi ro tín dụng.

Hou và Dickinson (2007) đã sử dụng kỹ thuật hồi quy ngưỡng và tìm thấy một số bằng chứng cho thấy các khoản vay không hiệu quả có tác động tiêu cực dưới dạng phi tuyến tính đối với hành vi cho vay của ngân hàng. Phát triển hướng nghiên cứu này, trong một nghiên cứu thực hiện sau đó, Tracey và Leon (2011) sử dụng dữ liệu từ bảng cân đối của hệ thống ngân hàng để đánh giá tác động của các khoản nợ xấu đối với tăng trưởng cho vay. Dữ liệu hàng quý được lấy từ Ngân hàng Trung ương Jamaica và Ngân hàng Trung ương Trinidad và Tobago trong khoảng thời gian quý I năm 1996 đến quý II năm 2011 và từ quý III năm 1995

đến quý IV năm 2010, tương ứng. Khi đưa ra quyết định cho vay, các ngân hàng được cho là phản ứng khác nhau với tỷ lệ nợ xấu trên hoặc dưới ngưỡng, trong đó cụ thể nợ xấu trên ngưỡng có ảnh hưởng tiêu cực đến việc mở rộng cho vay. Kết quả chỉ ra tồn tại một mức ngưỡng cho tỷ lệ nợ xấu khi xác định hành vi cho vay của các ngân hàng.

Nghiên cứu của Aysan và Disli (2019) khảo sát thực nghiệm mối quan hệ giữa nợ xấu và cho vay ngân hàng, sử dụng dữ liệu tài chính hàng quý của các ngân hàng hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ dữ liệu của nhóm tác giả cho phép họ khám phá một phân khúc cụ thể của thị trường tín dụng, đó là thị trường của các khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu này được cho là rất kịp thời trong bối cảnh đã có những lo ngại xuất hiện liên quan đến sự tăng tốc nhanh chóng của tín dụng ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các tác giả sử dụng phân tích quan hệ nhân quả Granger để kiểm tra xem liệu có tồn tại mối tương quan có ý nghĩa giữa cho vay doanh nghiệp và nợ xấu. Các kết quả rút ra với toàn bộ hệ thống ngân hàng chỉ ra rằng không có mối quan hệ nhân quả Granger giữa cho vay doanh nghiệp và nợ xấu trong ngắn hạn. Lý giải hợp lý cho phát hiện này là việc ngân hàng áp dụng các tiêu chuẩn cho vay chặt chẽ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, tăng nợ xấu dường như không ảnh hưởng đến việc cho vay của ngân hàng đối với các khoản vay của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do tính chất đa dạng của các nguồn tài trợ tại các ngân hàng.

Adesina (2019) đánh giá chất lượng cho vay thông qua tỷ lệ các khoản dự phòng rủi ro cho vay so với tổng các khoản vay, nhằm khảo sát ảnh hưởng của rủi ro tín dụng trên danh mục cho vay của ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay. Sử dụng bộ dữ liệu của 361 ngân hàng trên 38 quốc gia châu Phi trong giai đoạn 2005–2015, các phân tích trên bảng tĩnh và động của tác giả cho thấy tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay có tác động tiêu cực đến tăng trưởng cho vay ở mức ý nghĩa 1% (trên mô hình bảng tĩnh) và ở mức ý nghĩa 5% (trên mô hình bảng động). Tác giả cho rằng kết quả nghiên cứu này không đáng ngạc nhiên, khi mà nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu suất kém của danh mục cho vay làm ảnh hưởng xấu đến khả năng mở rộng cho vay của các ngân hàng.

Delis và cộng sự (2014) phân tích hành vi cho vay của các ngân hàng trong thời kỳ kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Đặc điểm chính của thời kỳ này là nhận thức và kỳ vọng về điều kiện kinh tế trở nên xấu hơn mặc dù nền kinh tế chưa bị suy thoái. Các tác giả tập trung vào các ngân hàng Mỹ trong các quý từ năm 1985 đến năm 2010, thông qua bộ dữ liệu tổng hợp cấp ngân hàng. Kết quả cho thấy các ngân hàng cho vay chậm lại khi người tiêu dùng có biểu

hiện lo lắng về nền kinh tế, và hiệu ứng này rõ rệt hơn khi các ngân hàng có mức rủi ro tín dụng cao hơn.

Một nghiên cứu được thực hiện cho hệ thống NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 đến 2015, điều tra tác động của các khoản nợ xấu đối với hành vi cho vay nhằm kiểm chứng xem liệu tăng nợ xấu có thể khiến các ngân hàng giảm hoạt động cho vay hay không (Nguyen 2017). Tác giả tìm thấy một số bằng chứng cho thấy việc gia tăng nợ xấu có ảnh hưởng tiêu cực và có ý nghĩa thống kê đến hành vi cho vay của các NHTM Việt Nam. Liên hệ với nghiên cứu được thực hiện, có thể thấy phát hiện này cần được kiểm chứng lại thông qua một giai đoạn nghiên cứu khác cùng với kỹ thuật hồi quy khác trong đó mở rộng biến nghiên cứu rủi ro tín dụng thông qua dự phòng rủi ro, trên một mô hình kiểm soát đầy đủ các nhân tố nội tại và vĩ mô của nền kinh tế.

Phát hiện gần đây của Bustamante và cộng sự (2019) lại chỉ ra một kết quả khá thú vị. Hệ số nợ xấu có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng cho vay của ngân hàng. Kết quả này có thể được hiểu rằng đây chính là hành vi sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ các ngân hàng để duy trì mục tiêu sinh lời trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận ngân hàng.

Như vậy, đa phần các nghiên cứu hiện có đều đi đến kết luận rằng sự giảm sút chất lượng tài sản, đánh giá cụ thể thông qua rủi ro tín dụng gia tăng, đã làm cho các ngân hàng cắt giảm tốc độ tăng trưởng cho vay. Tuy vậy, vẫn có một vài bằng chứng chỉ ra rằng các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro với mức độ lớn hơn để đổi lại lợi nhuận thông qua tiếp tục mở rộng cho vay, mặc dù rủi ro tín dụng của họ đã ở mức cao.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 40 - 43)