Các biến nội tại ngân hàng theo CAMELS

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 58 - 64)

3.1.2.1. Vốn ngân hàng

Để đại diện cho hệ số vốn ngân hàng, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận theo khía cạnh hệ số vốn chủ sở hữu truyền thống hay hệ số an toàn vốn có rủi ro. Hầu hết các ngân hàng tại các nước phát triển trên thế giới đã hoàn thành chuẩn mực Basel III, qua đó giải thích cho tính sẵn có và khả năng dễ dàng truy cập đối với dữ liệu về vốn cấp 1, vốn cấp 2, và hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR) để làm cơ sở cho việc tính toán hệ số an toàn vốn có rủi ro. Với một thị trường ngân hàng như Việt Nam, đang trong quá trình hoàn thiện quy tắc an toàn vốn Basel II và hơn nữa dữ liệu chi tiết về các loại vốn tự có của ngân hàng là chưa được công bố công khai và đầy đủ. Do đó, dựa trên khả năng tiếp cận dữ liệu, luận án xem xét tỷ lệ vốn chủ sở hữu của ngân hàng trên tổng tài sản là phép đo đánh giá mức độ an toàn vốn của ngân hàng (Vốn chủ sở hữu (C)).

Vốn chủ sở hữu (C) = Vốn chủ sở hữu ngân hàng

Tổng tài sản (3.2)

Đây là hệ số kế toàn truyền thống, được áp dụng trong hầu hết các nghiên cứu cùng chủ đề (Sorokina và cộng sự 2017; Louhichi và Boujelbene 2017; Roulet 2018).

Về tác động của vốn ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay, các tài liệu hiện có cho thấy tác động này có thể diễn ra theo cả hai chiều. Ví dụ, để ổn định tài chính, việc nắm giữ đủ vốn sẽ giúp ngân hàng hấp thụ các khoản lỗ có thể phát sinh và qua đó duy trì khả năng cho vay tốt hơn (Distinguin và cộng sự 2013). Theo đó, các ngân hàng có mức vốn cao có thể mở rộng cho vay nhanh hơn so với các ngân hàng có mức vốn nhỏ. Hơn nữa, trong thời kỳ

căng thẳng tài chính thì các ngân hàng có mức vốn cao có thể đương đầu với khủng hoảng và hỗ trợ cho vay tốt hơn so với nhóm các ngân hàng còn lại (Košak và cộng sự 2015). Tuy vậy, cũng co quan điểm chỉ ra rằng vốn ngân hàng được xem như nhân tố xác định động cơ quản lý. Khi đó các ngân hàng có hệ số vốn cao sẽ trở nên thận trọng hơn và qua đó mở rộng cho vay với một mức độ nhỏ hơn các ngân hàng có vốn yếu (Goodhart 2013). Các phân tích thực nghiệm gần đây cũng cho thấy tác động của vốn ngân hàng đến tăng trưởng cho vay là không rõ ràng tại các thị trường khác nhau.

Do đó, tác động của vốn ngân hàng có thể là tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng cho vay. Theo đó, hệ số hồi quy của biến Vốn chủ sở hữu (C) được dự đoán là có thể có dấu âm hoặc dương.

3.1.2.2. Chất lượng tài sản

Gợi ý từ rất nhiều tài liệu có liên quan đã được thực hiện, luận án xác định hai biến đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng gồm tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay của các khoản vay cho khách hàng (Delis và cộng sự 2014; Nguyen 2017; Adesina 2019; Aysan và Disli 2019; Bustamante và cộng sự 2019). Các biến này là giá trị nghịch đảo của chất lượng cho vay, hay nói cách khác giả trị nợ xấu và dự phòng rủi ro càng lớn thì danh mục tài sản ngân hàng càng kém chất lượng. Để đảm bảo tính vững cho các mô hình hồi quy, luận án sẽ sử dụng chỉ số này trong các ước lượng riêng biệt đại diện cho chất lượng tài sản của ngân hàng.

Dự phòng rủi ro (A) =Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng

Tổng dư nợ cho vay khách hàng (3.3)

Tỷ lệ nợ xấu (A) = Tổng nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5)

Tổng dư nợ cho vay khách hàng (3.4)

Về tác động của chất lượng tài sản đối với tăng trưởng cho vay, các tài liệu hiện có hầu như đều ủng hộ quan điểm như sau. Một ngân hàng khi có một lượng nợ xấu cao, sẽ có xu hướng tập trung vào việc tăng cường quản trị rủi ro và đồng thời cải thiện chất lượng tài sản thay vì tập trung mở rộng tín dụng (Bernanke và Blinder 1988; Altunbas và cộng sự 2010; Balgova và cộng sự 2016). Như vậy, chất lượng tài sản được cải thiện sẽ cho phép các ngân hàng mạnh dạng mở rộng hoạt động kinh doanh cho vay. Hơn nữa, rủi ro tín dụng cao ràng buộc các nguồn lực của ngân hàng, giảm lợi nhuận của ngân hàng và dẫn đến chi phí tài trợ cao hơn. Kết quả sau cùng là ngân hàng buộc phải giảm nguồn cung tín dụng. Nhiều nghiên

cứu thực nghiệm được thực hiện tại các thị trường khác nhau cũng đã xác nhận hướng tác động này.

Do đó, tác động của chất lượng tài sản có thể là tích cực đến tăng trưởng cho vay. Căn cứ theo các biến được sử dụng, hệ số hồi quy của biến Dự phòng rủi ro (A) và Tỷ lệ nợ xấu (A) được kỳ vọng là có dấu âm (các biến này là nghịch đảo của chất lượng tài sản).

3.1.2.3. Hiệu quả quản lý

Kế thừa các nghiên cứu trước đây, luận án sử dụng hai chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi phí như sau để đảm bảo tính tin cậy của các kết quả hồi quy: (i) Tổng chi phí ngoài lãi trên tổng doanh thu (Bitar và cộng sự 2018), và (ii) Chi phí hoạt động trên tổng tài sản bình quân (Gambacorta 2008). Chỉ tiêu thứ nhất cho biết số đơn vị chi phí ngoài lãi ngân hàng cần phải bỏ ra để có một đơn vị doanh thu, trong khi đó chỉ tiêu thứ hay chỉ ra số đơn vị chi phí hoạt động ngân hàng đã chi cho một đơn vị tài sản. Các chỉ tiêu này càng có giá trị lớn chứng tỏ các ngân hàng không tiết kiệm được chi phí, hay nói cách khác là ngân hàng đạt hiệu quả quản lý chi phí thấp.

Chi phí ngoài lãi/Doanh thu (M) =Tổng chi phí ngoài lãi

Tổng doanh thu (3.5)

Chi phí hoạt động/Tài sản (M) =Tổng chi phí hoạt động

Tổng tài sản bình quân (3.6)

Nghiên cứu tập trung vào hệ số hiệu quả chi phí kế toán thay vì điểm hiệu quả chi phí bằng phương pháp bao dữ liệu/biên ngẫu nhiên khá phức tạp với một số lý do. Thứ nhất, phương pháp bao dữ liệu/biên ngẫu nhiên thích hợp cho các ngân hàng hoạt động ở các thị trường tiên tiến vì chúng công bố thông tin tài chính đầy đủ và chi tiết hơn nhiều so với ngân hàng hoạt động ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Hạn chế trong việc tiếp cận đầy đủ dữ liệu sử dụng cho việc tính điểm hiệu quả có thể làm sai lệch kết quả của chúng tôi. Thứ hai, để thực hiện phương pháp bao dữ liệu/biên ngẫu nhiên, các nghiên cứu thường sử dụng tổng vốn chủ sở hữu làm đầu vào để kiểm soát rủi ro ngân hàng (Johnes và cộng sự 2009, Johnes và cộng sự 2013; Ayadi và cộng sự 2016). Điểm hiệu quả theo các phương pháp này không phải là một biến giải thích thích hợp bởi vì trong mô hình nghiên cứu tác giả đã đưa vào vốn chủ sở hữu ngân hàng làm biến giải thích chính (gây ra vấn đề đa cộng tuyến tiềm năng). Thứ ba, các phép đo hiệu quả chi phí dựa trên chỉ tiêu kế toán rất dễ dàng để tính toán và giải thích, đặc biệt đối với các nghiên cứu so sánh. Sau cùng, mặc dù các phép đo hiệu quả chi phí dựa trên chỉ tiêu kế toán có thể không hoàn hảo khi được sử dụng, nghiên cứu cố gắng

giảm thiểu vấn đề này và đảm bảo tính vững của kết quả bằng cách sử dụng hai phép đo hiệu quả chi phí khác nhau.

Về tác động của hiệu quả quản lý đối với tăng trưởng cho vay, các tài liệu hiện chỉ ra hai hướng tác động đối lập song song với nhau. Với các ngân hàng quản lý kém, các hoạt động đánh giá và giám sát kém sẽ dẫn đến số lượng khoản vay được cấp nhanh chóng gia tăng chỉ sau một thời gian, danh mục cho vay trở nên lớn hơn rất nhiều và qua đó, hiệu quả chi phí thấp dự kiến sẽ dẫn đến tăng trưởng cho vay với tốc độ nhanh hơn (Berger và DeYoung 1997). Hơn nữa, căn cứ theo đề xuất từ giả thuyết “rủi ro đạo đức”, các quản lý ngân hàng có động cơ để chấp nhận rủi ro nhiều hơn, đặc biệt là khi ngân hàng kém hiệu quả hơn (Jeitschko và Jeung 2005). Tuy vậy, một cơ chế đối lập cũng được quan sát. Với hiệu quả về chi phí trong ngắn hạn do chi phí hoạt động ít hơn cho cùng một lượng vốn cho vay khách hàng, chất lượng của các khoản vay vẫn không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, từ đó việc mở rộng danh mục cho vay chưa bị ảnh hưởng và vẫn đảm bảo được đà tăng trong thời gian này (Berger và DeYoung 1997).

Do đó, tác động của hiệu quả quản lý có thể là tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng cho vay. Căn cứ theo các biến được sử dụng, hệ số hồi quy của biến Chi phí ngoài lãi/Doanh thu (M) và Chi phí hoạt động/Tài sản (M) được dự đoán là có thể có dấu âm hoặc dương.

3.1.2.4. Lợi nhuận ngân hàng

Để đánh giá lợi nhuận ngân hàng, luận án sử dụng bộ ba chỉ tiêu gồm có lợi nhuận trên tổng tài sản ROA, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE và biên lãi ròng NIM (ví dụ, Qayyum và Noreen 2019; Dao và Nguyen 2020; Khanifah và cộng sự 2020). Sự kết hợp đồng thời này phù hợp với cơ sở lý luận hiện có và cũng nhằm kiểm tra độ nhạy cảm của từng thang đo trong mối quan hệ với tăng trưởng cho vay.

ROA (E) =Lợi nhuận ròng sau thuế

Tổng tài sản bình quân (3.7)

ROE (E) = Lợi nhuận ròng sau thuế

Tổng vốn chủ sở hữu bình quân (3.8)

NIM (E) = Thu nhập lãi ròng

Tổng tài sản có sinh lời bình quân (3.9)

Về tác động của lợi nhuận ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay, các tài liệu nghiên cứu chỉ ra các chiều hướng khác nhau. Các ngân hàng có lợi nhuận cao có thể giảm chi phí huy động vốn tốt hơn và tích lũy vốn chủ sở hữu ngân hàng nhanh hơn, cũng như tận dụng

tốt hơn việc huy động vốn (tiền gửi, vốn cổ phần) nhờ có uy tín và xếp hạng tín dụng cao hơn, qua đó có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng cho vay nhanh hơn (Mankiw 1986; Bernanke và Gertler 1987; Holmstrom và Tirole 1997). Tuy nhiên, lợi nhuận cao hơn lại có thể khiến các ngân hàng giảm đi động cơ để tìm kiếm lợi nhuận, từ đó làm cho hành vi cho vay an toàn hơn với mức độ tăng trưởng thấp đi (Rajan 2006). Các nghiên cứu thực nghiệm được tổng hợp cũng có bằng chứng ủng hộ cả hai chiều hướng tác động này.

Do đó, tác động của lợi nhuận ngân hàng có thể là tích cực hoặc tiêu cực đến tăng trưởng cho vay. Căn cứ theo các biến được sử dụng, hệ số hồi quy của biến ROA (E), ROE (E), và NIM (E) được dự đoán là có thể có dấu âm hoặc dương.

3.1.2.5. Thanh khoản ngân hàng

Trong các nghiên cứu hiện có liên quan đến thanh khoản ngân hàng, đặc điểm này được các nhà nghiên cứu xác định bằng nhiều cách khác nhau, tuỳ thuộc vào tính sẵn có của bộ dữ liệu và lập luận của tác giả. Ví dụ, Drehmann & Gambacorta (2012) and Gambacorta & Mistrulli (2004) xem xét tiền mặt và chứng khoán là hai khoản mục chính đại diện cho tài sản thanh khoản của ngân hàng. Berrospide and Edge (2010) thì sử dụng tỷ lệ tài sản thanh khoản trên tổng tài sản, trong đó tài sản thanh khoản chỉ bao gồm chứng khoán ngắn hạn. Trong khi đó Kim và Sohn (2017) cho rằng tài sản thanh khoản chỉ nên bao gồm tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng trung ương hay các ngân hàng khác. Ở một hướng khác, DeYoung et al. (2018) áp dụng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi là một thước đo truyền thống cho thanh khoản ngân hàng.

Mặc dù các vị thế thanh khoản được các ngân hàng đánh giá thông qua các chuẩn mực mới từ Basel III, gồm có tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản và tỷ lệ quỹ bình ổn ròng (LCR và NSFR) cũng rất hiệu quả trong đánh giá thanh khoản, nhưng dữ liệu của chúng là không thể tiếp cận được tại thị trường Việt Nam.

Như vậy, trong nghiên cứu này tác giả kế thừa các định nghĩa về thanh khoản truyền thống của các tác giả trước để xây dựng biến giải thích đại diện cho thanh khoản thông qua: (i) Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản, và (ii) Cho vay khách hàng/Tiền gửi của khách hàng. Trong đó tài sản thanh khoản gồm có tiền mặt, tiền gửi tại NHNN, và tiền gửi tại các TCTD khác. Giá trị Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản càng cao thì ngân hàng càng thanh khoản, trong khi đó giá trị Cho vay khách hàng/Tiền gửi của khách hàng càng cao thì ngân hàng càng kém thanh khoản. Về thực tiễn hoạt động ngân hàng, thang đo tỷ lệ vốn vay trên tiền gửi được các ngân hàng sử dụng rất phổ biến để xác định khả năng thanh khoản.

Tài sản thanh khoản (L) =Tổng tài sản thanh khoản

Tổng tài sản (3.10)

Cho vay/Tiền gửi (L) =Cho vay khách hàng

Tiền gửi khách hàng (3.11)

Về tác động của thanh khoản ngân hàng đối với tăng trưởng cho vay, động cơ tích trữ thanh khoản phục vụ mục đích dự phòng được liên hệ nhiều hơn cả để lý giải cơ chế tác động. Theo Gennaioli và cộng sự (2014), các ngân hàng có thể tối ưu lựa chọn nắm giữ tài sản thanh khoản cao như một cách để lưu trữ thanh khoản nhằm tài trợ cho các khoản đầu tư trong tương lai. Hơn thế nữa, dể đảm bảo tối ưu hoá dòng tiền và lợi nhuận, các ngân hàng có thể tạm thời đầu tư một phần nguồn vốn nhận được vào các tài sản ngắn hạn có tính thanh khoản cao ngay sau khi huy động tiền từ thị trường.

Do đó, tác động của thanh khoản ngân hàng có thể là tích cực đến tăng trưởng cho vay. Căn cứ theo các biến được sử dụng, hệ số hồi quy của biến Tài sản thanh khoản (L) được kỳ vọng là có dấu dương và biến Cho vay/Tiền gửi (L) được kỳ vọng là có dấu âm (biến này là nghịch đảo của thanh khoản ngân hàng).

3.1.2.6. Nhạy cảm rủi ro thị trường

Nghiên cứu tiếp cận đặc điểm nhạy cảm rủi ro thị trường thông qua khía cạnh quan trọng nhất là rủi ro lãi suất. Các tài liệu cho đến nay đều thống nhất rằng rất khó để đo lường chính xác rủi ro lãi suất thông qua bất cứ thang đo nào. Do đó, chấp nhận những hạn chế này và kế thừa các nghiên cứu của tác giả trước (Gomez và cộng sự 2020; Le 2018), luận án tính toán khe hở tài sản – nợ để làm biến đại diện cho rủi ro lãi suất. Về mặt thực nghiệm, biến này được xác định bằng tỷ lệ giữa chênh lệch giữa tài sản nhạy cảm lãi suất và nợ nhạy cảm lãi suất so với tổng tài sản của ngân hàng.

Khe hở tài sản – nợ (S) =Tài sản nhạy cảm lãi suất – Nợ nhạy cảm lãi suất

Tổng tài sản (3.12)

Trong đó:

• Tài sản nhạy cảm lãi suất: Tiền gửi tại NHNN + Tiền gửi tại các TCTD khác + Cho vay các TCTD khác + Chứng khoán kinh doanh + Chứng khoán đầu tư + Cho vay khách hàng.

• Nợ nhạy cảm lãi suất: Tiền gửi của khách hàng + Huy động liên ngân hàng + Các công cụ tài chính phái sinh và các khoản nợ tài chính khác + Vốn tài trợ, ủy thác đầu tư, cho vay TCTD chịu rủi ro + Phát hành giấy tờ có giá.

Về tác động của rủi ro lãi suất đối với tăng trưởng cho vay, lý thuyết cho thấy nếu lãi suất thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi, các khoản lỗ phát sinh có thể làm cạn kiệt nguồn vốn kinh tế của ngân hàng. Điều này khiến cho các ngân hàng có thể chủ động giảm cho vay để duy trì tuân thủ các yêu cầu về vốn do các cơ quan quản lý hoặc người tham gia thị trường áp đặt khi bản thân ngân hàng tỏ ra quá nhạy cảm với rủi ro lãi suất từ thị trường (Myers và Majluf 1984; Kashyap và Stein 1995; Myers 2001).

Do đó, tác động của rủi ro lãi suất có thể là tiêu cực đến tăng trưởng cho vay. Theo đó, hệ số hồi quy của biến Khe hở tài sản – nợ (S) được kỳ vọng là có dấu âm.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 58 - 64)