Dữ liệu nghiên cứu

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 72 - 74)

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu tài chính hàng năm của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ 2007 đến 2019. Nghiên cứu không xét đến các ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, bởi nhóm ngân hàng này có quy mô nhỏ, tỷ trọng không đáng kể và đặc biệt là công bố không đầy đủ thông tin. Mốc 2007 được chọn vì đây là thời điểm mà quy định về báo cáo tài chính của các NHTM Việt Nam được cơ quan quản lý ban hành mới, nâng cấp theo chuẩn quốc tế và yêu cầu chế độ báo cáo chi tiết, minh bạch cùng những giám sát sát sao trong quá trình thực hiện. Tất cả các ngân hàng đáp ứng các điều kiện vừa nêu được đưa vào mẫu nghiên cứu, không phân biệt ngân hàng niêm yết hay không niêm yết để phản ánh tổng thể tình hình thị trường ngân hàng của Việt Nam. Điều này tránh những yếu tố thiên lệch giống như những nghiên cứu trước đây chỉ khai thác bộ dữ liệu của các ngân hàng niêm yết hay các ngân hàng có quy mô lớn (Dahir và cộng sự 2018; Roulet và cộng sự 2018). Sau khi xem xét tất cả các yếu tố, mẫu nghiên cứu bao gồm 31 ngân hàng (bao gồm 4 NHTM nhà nước và 27 NHTM ngoài nhà nước) với tối đa 384 quan sát, tạo thành một bộ dữ liệu bảng không cân bằng. Mẫu nghiên cứu bao gồm các ngân hàng chiếm hơn 95% tổng tài sản của toàn ngành, trong khi đó số lượng quan sát thu thập được cũng hoàn toàn đủ để đảm bảo cho độ tin cậy của các ước lượng hồi quy với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Để loại bỏ tác động của các giá trị ngoại lai (outliers), nghiên cứu tiến hành thay thế (winsorize) các biến theo bộ khung CAMELS được xây dựng từ bộ dữ liệu thu thập ở mức 2.5% và 97.5%. Ngoài ra các dữ liệu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP và lạm phát được thu thập từ WDI.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Trong chương này, luận án đã xây dựng các biến đại diện cho các đặc điểm nội tại ngân hàng theo CAMELS để qua đó khảo sát tác động của những biến này đến biến phụ thuộc là tăng trưởng cho vay ngân hàng. Cơ sở lựa chọn các biến theo CAMELS căn cứ vào các tài liệu thực nghiệm hiện có khảo sát các nhân tố có liên quan. Với nỗ lực tiếp cận tối đa, với cùng một đặc điểm nội tại có thể có nhiều hơn một biến được sử dụng để đảm bảo tính vững của kết quả nghiên cứu (ví dụ chất lượng tài sản, hiệu quả quản lý, thanh khoản và lợi nhuận). Các biến phân tích được kết hợp đưa vào mô hình bảng động, phù hợp với hầu hết các nghiên cứu hiện có về hành vi cho vay ngân hàng, trong đó cụ thể tăng trưởng cho vay kỳ trước có thể giải thích cho tăng trưởng cho vay kỳ sau. Phương pháp GMM hệ thống hai bước được sử dụng để ước lượng mô hình đề xuất. Ngoài ra, để đảm bảo các phát hiện là đáng tin cậy và vững (robust) bất kể dạng mô hình hồi quy nào, luận án còn áp dụng thêm mô hình hồi quy bảng tĩnh và ước lượng chúng bằng phương pháp OLS/GLS phù hợp khi dạng mô hình là tác động cố định hay ngẫu nhiên tương ứng.

Luận án cũng đã trình bày chi tiết cách thu thập dữ liệu từ các nguồn khác nhau như báo cáo tài chính ngân hàng hay từ cơ quan của Ngân hàng Thế giới, qua đó đảm bảo mức độ tin cậy của nguồn số liệu. Hơn thế nữa, việc mô tả chi tiết cách thu thập và sau đó xử lý dữ liệu là cơ sở để các nghiên cứu về sau có thể mô phỏng và tìm ra phát hiện tương tự.

CHƯƠNG 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 72 - 74)