Đánh giá về tình hình nghiên cứu và khoảng trống có thể khai thác

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 52 - 58)

Các nghiên cứu về những nhân tố tác động đến tăng trưởng cho vay của ngân hàng rất đa dạng và phong phú trên bình diện quốc tế. Các nghiên cứu này có thể được chia thành hai nhóm, một là nghiên cứu tập trung tổng quát các nhóm nhân tố tác động và hai là nhóm thực

hiện khảo sát trên từng nhân tố tác động được quan tâm. Các nghiên cứu điển hình gần đây nhất tập trung vào nhóm nhiều nhân tố tác động được khảo lược thêm như sau.

Kim và Sohn (2017) sử dụng mẫu quan sát hàng quý của các ngân hàng Mỹ để kiểm tra tác động của các yếu tố đặc thù ngân hàng đối với tăng trưởng tín dụng, được định nghĩa là tốc độ tăng trưởng của các khoản vay ròng và hạn mức cam kết cấp vốn chưa được sử dụng. Các tác giả nhận thấy rằng tác động của quy mô ngân hàng là ngược chiều, ngụ ý rằng các ngân hàng nhỏ có nguồn cung cho vay tương đối sẵn sàng hơn so với các ngân hàng lớn. Hệ số lợi nhuận (thông qua lợi nhuận ròng trên tổng tài sản) là cùng chiều đối với các ngân hàng lớn nhưng ngược chiều đối với các ngân hàng nhỏ. Các hệ số ước lượng của các biến chất lượng cho vay là ngược chiều và nhất quán, theo đó chất lượng cho vay thấp làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng. Về các hệ số thanh khoản, các tác giả chỉ ra một mối tương quan cùng chiều với tăng trưởng cho vay trong khi đó với vốn ngân hàng thì các kết quả lại biến động phụ thuộc vào quy mô ngân hàng.

Roulet (2018) phân tích các nhân tố tác động đối với hoạt động cho vay của ngân hàng châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó tập trung vào các nhân tố lấy cảm hứng từ bộ khung Basel III. Dựa trên các nghiên cứu trước đây phân tích các yếu tố quyết định cho vay, mô hình bình phương tối thiểu truyền thống được tác giả sử dụng để đi đến một số kết luận. Tỷ lệ vốn ngân hàng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng ngân hàng bán lẻ và các khoản cho vay khác. Về tỷ lệ thanh khoản, một ảnh hưởng đáng kể và tích cực đối với tăng trưởng cho vay thương mại tại các ngân hàng châu Âu được phát hiện. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh rằng trong số các yếu tố quyết định của cho vay ngân hàng được xác định trong các tài liệu hiện có, rủi ro tín dụng, chi phí tài trợ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (gross domestic product – GDP) là những biến số quan trọng nhất. Rủi ro tín dụng ngân hàng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng cho vay, khi mà nó gây áp lực lên ngân hàng có xu hướng suy yếu hoặc tăng khả năng giảm số lượng các khoản vay rủi ro và kém hiệu quả. Chi phí tài trợ ngân hàng có tác động tích cực đến tăng trưởng cho vay, nhấn mạnh khả năng của các ngân hàng châu Âu trong việc giảm các khoản vay trong bối cảnh áp lực phải thu hẹp tài sản của họ khi phải đối mặt với chi phí tài trợ cao hơn. Bên cạnh đó, quy mô ngân hàng có tác động tiêu cực đến tăng trưởng cho vay của ngân hàng, khi mà các ngân hàng lớn có khả năng giảm hoạt động tín dụng tốt hơn trong bối cảnh áp lực phải thu hẹp tài sản của họ. Cuối cùng, tốc độ tăng trưởng GDP có tác động tích cực đến tăng trưởng cho vay, nhấn mạnh hành

vi của các ngân hàng châu Âu trong việc giảm các hoạt động cho vay của họ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Dahir và cộng sự (2019) khảo sát 57 ngân hàng ở các nước các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) trong giai đoạn từ 2006 đến 2015. Các tác giả cho rằng quy mô tiền gửi có thể làm suy yếu tăng trưởng cho vay của ngân hàng, khi mà với các kỹ thuật quản lý rủi ro tiên tiến thì có thể ngăn các ngân hàng đưa ra quyết định cho vay kém. Trong khi đó vốn chủ sở hữu có mối tương quan tích cực với cho vay ngân hàng và mức tăng trưởng cho vay rõ rệt hơn trong cuộc khủng hoảng khi mà các ngân hàng dường như đã tăng vốn trong giai đoạn này. Quy mô ngân hàng có mối quan hệ tiêu cực với cho vay ngân hàng tại thị trường khảo sát, điều này cho thấy các ngân hàng lớn hạn chế tăng trưởng cho vay, trong khi các ngân hàng nhỏ hơn có thể có tốc độ tăng trưởng cho vay cao hơn. Hơn nữa, thanh khoản và lợi nhuận có tác độngn tích cực đến cho vay ngân hàng; tuy nhiên, cả hai ước tính đều không có ý nghĩa thống kê. Các kết quả khác nhấn mạnh rằng tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát có tương quan tiêu cực đến hoạt động cho vay của ngân hàng, điều này cho thấy cả hai nhân tố đều làm giảm cho vay ngân hàng.

Nghiên cứu của Bustamante và cộng sự (2019) sử dụng dữ liệu chi tiết các khoản vay từ cơ quan kiểm soát tín dụng Peru, để xác định vai trò của các đặc điểm ngân hàng (gồm có quy mô ngân hàng, thanh khoản, vốn hóa, nguồn tài trợ, doanh thu và lợi nhuận) ảnh hưởng như thế nào đến việc cấp tín dụng của ngân hàng. Các tác giả cũng xem xét mối liên kết giữa các đặc điểm của ngân hàng và nguồn cung tín dụng bị điều tiết bởi các điều kiện tài chính toàn cầu và thay đổi giá cả hàng hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các ngân hàng vốn hóa tốt, thanh khoản cao, rủi ro tín dụng thấp, có lợi nhuận cao hơn có xu hướng cấp tín dụng nhiều hơn, đặc biệt là bằng nội tệ. Hơn nữa, nghiên cứu này cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các yêu cầu dự trữ cả bằng nội tệ và ngoại tệ là có hiệu quả trong việc giảm đà tăng trưởng tín dụng ở Peru, qua đó ủng hộ cho việc sử dụng công cụ này một cách chủ động để làm dịu chu kỳ tín dụng đang bùng nổ.

Song song với đó, như đã trình bày chi tiết trong nội dung trước đó, nhiều nghiên cứu tập trung khai thác ảnh hưởng của từng nhân tố tác động đến tăng trưởng cho vay. Có thể thấy các nghiên cứu liên quan là tương đối phong phú (ở một vài nhân tố như vốn ngân hàng, chất lượng tài sản hay lợi nhuận ngân hàng), về lý thuyết lẫn thực nghiệm, để tập trung khai thác các nhân tố tác động riêng lẻ thông qua nhiều phương pháp và kỹ thuật ước lượng, trên nhiều nhóm mẫu khảo sát trong các khoảng thời gian khác nhau. Tuy nhiên, hầu như chưa có sự

đồng thuận trong các nghiên cứu này. Đặc biệt, việc liên hệ đến một bộ khung giám sát như CAMELS để đánh giá một cách thống nhất là chưa được quan sát. Trong khi đó, tại thị trường ngân hàng Việt Nam thì vẫn còn rất ít các nghiên cứu toàn diện khai thác chủ đề về các yếu tố tác động đến tăng trưởng cho vay. Một nghiên cứu hiếm hoi là của Vo (2018), sử dụng dữ liệu của 37 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2006–2015 để khảo sát các nhân tố ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng khoản vay ngân hàng mà tác giả cho đây là một thước đo quan trọng của hành vi cho vay ngân hàng. Tác giả sử dụng một số biến có khả năng giải thích hành vi cho vay của các ngân hàng, bao gồm một số biến đặc thù ngân hàng như quy mô, an toàn vốn, rủi ro tín dụng, chi phí hoạt động, lợi nhuận ngân hàng; cấu trúc thị trường qua chỉ số tập trung; và các biến số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, lạm phát. Nghiên cứu đã đạt được những kết quả nhất định trên cơ sở những nhận định phù hợp với tình hình thị trường Việt Nam trong giai đoạn khảo sát. Tuy nhiên, còn một vài nhân tố quan trọng mà nghiên cứu này đã chưa làm rõ, ví dụ như thanh khoản ngân hàng hay rủi ro lãi suất. Về hướng ứng dụng CAMELS, một nghiên cứu điển hình là của Nguyễn Thị Cành và Nguyễn Thị Diễm Hiền (2015). Bài nghiên cứu áp dụng khung phân tích CAMELS đánh giá tình hình hoạt động và mức độ lành mạnh của các ngân hàng Việt Nam dựa trên số liệu báo cáo tài chính giai đoạn 2008–2013. Tuy nhiên, đây là một phân tích theo hướng khác với chủ đề đang nghiên cứu, khi mà các tác giả dựa trên cơ sở mô tả các chỉ tiêu của CAMELS để nhận định về tính an toàn và lành mạnh của thị trường ngân hàng. Rất nhiều nghiên cứu sau đó cũng đi theo hướng nghiên cứu này khi tiếp cận CAMELS tại thị trường Việt Nam. Theo đó, vai trò của các nhân tố này đối tới hành vi cho vay là chưa được xem xét đến.

Tóm lại, khi xem xét các nghiên cứu đã thực hiện liên quan đến chủ đề thì có thể thấy vẫn còn nhiều khoảng trống nghiên cứu cần được khai thác. Đây là các điểm mà luận án sẽ tập trung khai thác, hoàn thiện và làm sáng tỏ:

(i) Không có nhiều nghiên cứu tập trung vào đánh giá một cách thực nghiệm các nhân tố tác động đến tăng trưởng cho vay tại các ngân hàng Việt Nam. Các nghiên cứu hiện có đa phần chưa bao quát và còn nhiều hạn chế về mặt dữ liệu, phương pháp và cách thức tiếp cận.

(ii) Các nghiên cứu hiện có thiếu đi một bộ khung chuẩn thống nhất để lựa chọn các nhân tố tác động đưa vào mô hình. Thông qua đó, việc tiếp cận theo CAMELS là một điểm mới của nghiên cứu khi nó có khả năng cải thiện cách tiếp cận vấn đề của các tài liệu hiện có, đem lại những hiểu biết về vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ

thống. Hơn nữa, từng nhân tố tác động theo CAMELS đến tăng trưởng cho vay đều được hỗ trợ bởi cơ sở lý thuyết hiện có, do đó việc kiểm chứng thực nghiệm các tác động này là phù hợp và mang lại các khám phá hữu ích, có ý nghĩa.

(iii) Các nhân tố đặc thù ngân hàng như hiệu quả quản lý, rủi ro thị trường chưa được khảo sát nhiều về mặt thực nghiệm trong mối tương quan với tăng trưởng cho vay ngân hàng. Việc bổ sung vào khoảng trống nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là một đóng góp quan trọng về mặt lý luận cho luận án, từ đó mở rộng thêm các kiến thức hiện có về các yếu tố quyết định hành vi cho vay ngân hàng.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Nhiều nội dung quan trọng đã được phân tích chi tiết trong chương này với nhiều hàm ý phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu. Trước hết, cơ sở lý luận về hoạt động cho vay được làm rõ, trong đó có chỉ ra những khác biệt giữa các khoản mục cho vay khách hàng và cho vay liên ngân hàng. Đây là cơ sở để đề tài giới hạn phạm vi cho vay khách hàng để tiến hành phân tích. Tiếp theo, bộ khung lý luận về CAMELS cũng được trình bày, trong đó đi vào chi tiết từng nhân tố thành phần và cũng là những nhân tố khảo sát chính của luận án trong mối liên hệ với hành vi cho vay. Đặc điểm và cách thức đo lường các nhân tố cung cấp cơ sở cho việc xây dựng các thiết kế hồi quy trong chương tiếp theo.

Tăng trưởng cho vay có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến nhiều mặt khác nhau của thị trường tài chính và cả nền kinh tế. Bên cạnh những tác động tích cực, tăng trưởng cho vay cũng có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Những đặc điểm này đã được chỉ ra trong chương này, từ đó cho thấy rằng việc tìm hiểu về hành vi tăng trưởng cho vay là rất cần thiết.

Các tài liệu hiện có cũng đã cho thấy tăng trưởng cho vay có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ cả lý thuyết và thực nghiệm như đã trình bày, các yếu tố quyết định tiềm năng của tăng trưởng cho vay vẫn chưa rõ ràng và cần được khám phá một cách có hệ thống hơn. Những khoảng trống nghiên cứu cũng đã được đề cập trong chương này, làm cơ sở để luận án thiết lập các mục tiêu nghiên cứu và qua đó đem lại các khám phá mới và hữu ích.

CHƯƠNG 3. PHƯƠNG PHÁP VÀ DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 52 - 58)