Tác động của lợi nhuận ngân hàng đến tăng trưởng cho vay

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 46 - 49)

2.3.4.1 Nghiên cứu lý thuyết

Về lý thuyết, vai trò của lợi nhuận ngân hàng là rất quan trọng với một số lý do. Thứ nhất, lợi nhuận ngân hàng có xu hướng làm giảm thiểu thông tin bất cân xứng và các vấn đề liên quan đến chi phí đại diện. Thứ hai, lợi nhuận có thể giúp thiết lập chi phí vốn hợp lý cho các ngân hàng. Thứ ba, tỷ lệ lợi nhuận của ngân hàng có thể xác định mức độ tích lũy vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

Mặc dù có rất ít nghiên cứu thực nghiệm tập trung trực tiếp vào mối quan hệ giữa lợi nhuận và tăng trưởng cho vay ngân hàng, có một số tài liệu lý thuyết cho phép hình thành

một số giả thuyết về tác động cần khảo sát này. Mankiw (1986), Bernanke và Gertler (1987), và Holmstrom và Tirole (1997) đều phát triển các mô hình lý thuyết chứng minh rằng thông tin bất cân xứng có xu hướng giảm đi khi lợi nhuận ngân hàng gia tăng. Các ngân hàng có lợi nhuận cao theo đó có thể có lợi thế cạnh tranh vì các ngân hàng này có thể giảm thiểu các vấn đề thông tin bất cân xứng tốt hơn, giảm chi phí huy động vốn tốt hơn và tích lũy vốn chủ sở hữu ngân hàng nhanh hơn các ngân hàng lợi nhuận thấp. Do đó, các ngân hàng có lợi nhuận cao hơn có thể tận dụng tốt hơn việc huy động hay kêu gọi vốn bằng cách thu hút người gửi tiền và cổ đông vì các ngân hàng có lợi nhuận cao được coi là có uy tín và xếp hạng tín dụng cao hơn. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng cho vay nhanh hơn tại các ngân hàng lợi nhuận cao so với các ngân hàng lợi nhuận thấp, nhờ vào nguồn vốn dồi dào hơn. Tương tự, Dell'Ariccia và Marquez (2006) hàm ý rằng các ngân hàng có thể sẽ nới lỏng các điều kiện cho vay do lợi thế so sánh tốt hơn từ sự bất cân xứng thông tin. Kết quả là danh mục cho vay của ngân hàng có thể dễ dàng được tăng trưởng hơn.

Một số tài liệu lý thuyết khác cũng phát triển các mô hình dựa trên thu nhập giữ lại của ngân hàng và thay đổi thu nhập do chính sách tiền tệ chủ yếu thông qua tỷ suất lợi nhuận ròng của ngân hàng. Gambacorta và Mistrulli (2003), Aikman và Vlieghe (2004), và Bolton và Freixas (2006) cho rằng tỷ lệ lợi nhuận cao hơn dẫn đến tăng trưởng vốn nhanh hơn và do đó kéo theo khả năng tăng trưởng cho vay lớn hơn trong tương lai. Do đó, nhánh tài liệu này chỉ ra rằng các ngân hàng có lợi nhuận tương đối cao có thể tích lũy vốn ngân hàng nhanh hơn các ngân hàng có lợi nhuận thấp.

Tuy vậy, cũng tồn tại các quan điểm giải thích đối lập. Cụ thể, sự khác biệt trong hiệu suất ngân hàng dẫn đến thay đổi trong khẩu vị rủi ro và từ đó có thể xác định động cơ kinh doanh của ngân hàng. Dựa trên lập luận của Rajan (2006), người ta có thể nhận thấy rằng lợi nhuận cao hơn khiến các ngân hàng giảm đi động cơ để tìm kiếm lợi nhuận, từ đó làm cho hành vi cho vay diễn ra an toàn hơn với mức độ tăng trưởng vừa phải.

2.3.4.2 Nghiên cứu thực nghiệm

Nghiên cứu thực nghiệm về lợi nhuận ngân hàng và tăng trưởng cho vay là tương đối hạn chế và cần được mở rộng. Johnson và Lee (1994) giới thiệu một biến giả lợi nhuận ngân hàng trong nghiên cứu của họ về ngân hàng. Biến này có ý nghĩa rất lớn trong việc giải thích mức độ tăng trưởng cho vay. Cụ thể hơn, lợi nhuận của ngân hàng giải thích 32,1% tổng biến động của mô hình trong tăng trưởng cho vay đối với các ngân hàng có đòn bẩy cao và 15% đối với các ngân hàng có đòn bẩy thấp. Nier và Zicchino (2006) đã thực hiện một nghiên cứu

trên 600 ngân hàng niêm yết tại 31 quốc gia từ năm 1992 đến 2000 và nhận thấy rằng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có tác động tích cực đáng kể đến tăng trưởng cho vay. Tác động này thậm chí còn có ý nghĩa lớn hơn so với tác động của vốn ngân hàng.

Trong một nghiên cứu khác, Laidroo (2010) kỳ vọng rằng lợi nhuận ngân hàng sẽ tương quan tích cực với tăng trưởng cho vay. Để kiểm chứng, tác giả đo lường lợi nhuận ngân hàng chủ yếu thông qua thu nhập lãi ròng trên tổng tài sản trung bình và các thang đo thay thế, bao gồm lợi nhuận hoạt động trên tổng tài sản trung bình, lợi nhuận hoạt động trên tổng vốn chủ sở hữu trung bình và chênh lệch lãi suất tiền vay - tiền gửi bình quân. Nghiên cứu cho thấy tác động của lợi nhuận đối với tăng trưởng cho vay của ngân hàng là không rõ ràng. Lợi nhuận tổng thể cao hơn khuyến khích các ngân hàng tăng cho vay. Tuy nhiên, nếu thị trường ngân hàng có sự cạnh tranh cao, biên lãi ròng cho vay thấp hơn có thể khuyến khích tăng trưởng cho vay cao hơn.

Adesina (2019) kiểm soát lợi nhuận của ngân hàng bằng cách sử dụng tỷ lệ thu nhập ròng trên tổng tài sản trung bình trong nghiên cứu về hành vi cho vay ngân hàng. Giá trị lợi nhuận cao hơn có thể ngụ ý lãi suất cho vay cao hơn. Vì nhu cầu vay vốn ngân hàng có khả năng giảm khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay, do đó tác giả mong đợi một tác động tiêu cực từ lợi nhuận đối với tăng trưởng cho vay. Đúng với dự đoán, kết quả của tác giả cho thấy tác động tiêu cực có ý nghĩa của lợi nhuận đối với tăng trưởng cho vay. Một cơ chế giải thích hợp lý cho phát hiện này được đưa ra là trong khi tìm kiếm tỷ lệ lợi nhuận cao hơn cho danh mục cho vay của mình, các ngân hàng có thể có thể giảm nguồn cung cho vay (cấu phần lớn nhất trong mẫu số xác định tỷ lệ lợi nhuận tương đối).

Với giả định rằng các ngân hàng giảm cho vay khi họ gặp phải những tổn thất không liên quan đến tín dụng, Kupiec và cộng sự (2017) đo lường những tác động này bằng cách xem xét tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên tài sản của ngân hàng như một yếu tố quyết định tăng trưởng cho vay. Mối quan hệ giữa tăng trưởng cho vay của ngân hàng và cú sốc lợi nhuận của ngân hàng theo các tác giả là có thể phức tạp, bởi các hành vi chiến lược từ phía các nhà quản lý ngân hàng. Khi có thông tin bất cân xứng về chất lượng quản lý ngân hàng, các tác giả dự đoán rằng tăng trưởng cho vay của ngân hàng sẽ liên quan đến lợi nhuận trung bình của các ngân hàng đối thủ. Nếu lợi nhuận của ngân hàng không tốt bằng các đối thủ cạnh tranh, ngân hàng có thể đẩy nhanh tăng trưởng cho vay để tạo ra các khoản phí trả trước và các khoản phí liên quan để giúp che dấu hiệu quả kém của các khoản đầu tư hiện tại của ngân hàng. Mô hình nghiên cứu của các tác giả theo đó cho phép hai tác động khác nhau của lợi nhuận đối với

tăng trưởng cho vay: hiệu ứng trực tiếp, được đo bằng chính ROA và hiệu quả chiến lược, được ghi nhận bởi một chỉ số cho biết liệu ROA của ngân hàng có thấp hơn ROA trung bình của các ngân hàng khác hay không. Kết quả cho thấy cả hai hệ số đều dương. Mặc dù ROA có tác động tích cực đến tăng trưởng cho vay, nhưng khi ROA dưới mức trung bình toàn ngành lại khuếch đại hiệu ứng tích cực đó.

Mô hình nghiên cứu của Caglayan và Xu (2016) về hành vi cho vay cũng đã lồng ghép vào chỉ số lợi nhuận trên tài sản trung bình như một biến đại diện để phản ánh chất lượng, hiệu quả và hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Các tác giả chỉ ra rằng lợi nhuận cao hơn sẽ có tác động tiêu cực đến những thay đổi trong các khoản vay ngân hàng khi mà các ngân hàng có lợi nhuận cao hơn sẽ có quy trình xem xét các khoản vay chặt chẽ hơn và ít quan tâm hơn đến việc tăng lãi suất biên hay các khoản vay có chất lượng thấp.

Một phần của tài liệu Tài liệu Ứng dụng mô hình Camels trong kiểm định các yếu tố (Trang 46 - 49)