2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
2.5.1.1 Kinh nghiệm từ Hải Dương
Ban đầu là xây dựng quy hoạch và khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN. Tiếp đó là khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất trong các KCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 8 KCN tập trung với tổng diện tích 1.637 ha, kế hoạch tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 2.115 tỷ đồng.
Tiêu biểu là KCN Nam Sách với tổng diện tích 63,9 ha, tổng vốn đầu tư 79 tỷ đồng, triển khai thực hiện từ đầu năm 2003. Đến nay, đã có 12 doanh nghiệp thuê đất, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, với tổng diện tích chiếm 82% tổng diện tích đất dành cho xây dựng nhà máy, tổng vốn đầu tư là 44,56 triệu USD, sẽ tạo việc làm cho 15,7 nghìn lao động trong đó đã có 8 dự án đã đi vào hoạt động.
Ngày 24/03/2003, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Đại An với tổng diện tích 170,82 ha thuộc xã Tứ Minh (TP Hải Dương) và Lai Cách (Cẩm Giàng). Tổng vốn đầu tư là 259,8 tỷ đồng. Đến
nay, đã có 14 doanh nghiệp thuê và đăng ký thuê 71,9 ha, chiếm gần 100% diện tích dành cho xây dựng nhà máy sản xuất của giai đoạn 1. Tổng vốn đăng ký đầu tư là 85,5 triệu USD. KCN Phúc Điền (Cẩm Giàng) với tổng diện tích 87 ha, vốn đăng ký đầu tư là 149,8 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 8-5-2003. Hiện các doanh nghiệp đã thuê và đăng ký thuê 45 ha. Trong đó, có 2 dự án đang xây dựng nhà xưởng.
Các KCN Phú Thái (72ha), Việt Hòa (147 ha), Tân Trường (200 ha) đang được triền khai tích cực. Riêng cụm công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Kim Thành), diện tích 1.92,5 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 392 tỷ đồng, do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy làm chủ đầu tư.
Dự kiến từ nay đến 2010, Hải Dương sẽ phát triển thêm 10 KCN mới với tổng diện tích 2.270 ha. Đó là các KCN Nhị Chiểu, Quán Gỏi, Phả Lại, Đoàn Thượng, Hưng Đạo, Nghĩa An, Hùng Thắng, Tân Việt, Gia Tân và Cộng Hòa.
Từ kết quả hình thành và phát triển của một số KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, có thể nêu một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động THĐT vào KCN của tỉnh Hải Dương:
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp.
Một trong những điều kiện có yếu tố quyết định các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài) là các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp.
Việc đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp đòi hỏi cần một lượng vốn đầu tư ban đầu rất lớn, trong khi điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, tỉnh Hải Dương đã lựa chọn phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất để huy động tất cả các nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn của các thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước, cùng với sự hỗ
trợ Trung ương để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng trong và ngoài các khu công nghiệp.
Để tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, UBND tỉnh Hải Dương đã sớm ban hành quy chế ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo thuận lợi cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, đáp ứng được nguyện vọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt đối với các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, họ sẵn sàng bỏ vốn để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
- Thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ” cho các nhà đầu tư.
Sau khi được thành lập, Ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương đã sớm tham mưu cho tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh với các cấp, ngành trong việc quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện cơ chế uỷ quyền của Tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư: Cấp phép đầu tư đối với dự án đầu tư trong và ngoài nước; Quản lý và phê duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu; Cấp phép cho lao động nước ngoài và quản lý lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp...
Các thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư trong thời gian qua luôn được Ban quản lý tập trung giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án, sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy đã góp phần rất tích cực trong việc tạo ra bức tranh môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Hải Dương trong việc thu hút đầu tư.
- Tổ chức và thực hiện tốt công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư
Việc xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh nói chung và vào các khu công nghiệp nói riêng trong thời gian qua luôn được Lãnh đạo tỉnh Hải Dương coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp,
các ngành trong tỉnh. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư không phải chỉ là nhiệm vụ của các chủ đầu tư hạ tầng, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cấp, các ngành trong tỉnh; đồng thời cần tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương. Một trong những tiêu chí hết sức quan trọng để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đối với tỉnh Hải Dương trong thời gian qua đó là uy tín và khả năng vận động xúc tiến, kêu gọi đầu tư của các chủ đầu tư hạ tầng.
Công tác thu hút đầu tư đã được tỉnh xây dựng thành những chương trình cụ thể, đặc biệt là chú trọng vào các tập đoàn đầu tư có thế mạnh trong nước và trên thế giới; các dự án có công nghệ cao từ những nước hoặc những vùng lãnh thổ có thế mạnh về đầu tư, có công nghệ tiên tiến, như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước EU...
Tuy nhiên, trong thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các KCN vẫn còn một số tồn tại và khó khăn: Nguồn kinh phí của tỉnh có hạn nên việc đầu tư xây dựng đường gom, hệ thống cấp điện, nước... đến hàng rào KCN chưa được đồng bộ, việc triển khai xây dựng nhà cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp của các nhà đầu tư chậm, kinh phí tổ chức các hoạt động THĐT rất hạn chế nên hiệu quả chưa cao.
Trên đây là một số bài học kinh nghiệm đã rút ra trong quá trình phát triển các KCN ở tỉnh Hải Dương. Để thu hút đầu tư phát triển các KCN này một cách nhanh chóng và bền vững, góp phần đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước, UBND Hải Dương và các cơ quan quản lý chức năng cùng với các công ty kinh doanh hạ tầng KCN cần phải có những biện pháp tích cực nhằm khắc phục những mặt yếu kém trong quá trình quản lý và hoạt động của các KCN.