Những tồn tại từ mô hình cần giải quyết

Một phần của tài liệu bước đầu nghiên cứu mô hình quản lý bảo tồn loài voọc dựa vào cộng đồng ở vườn quốc gia cát bà (Trang 61 - 65)

5. Nội dung nghiên cứu

3.1.3Những tồn tại từ mô hình cần giải quyết

Để mô hình vận hành tốt cần có sự rõ ràng về các ranh giới như gianh giới về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia, gianh giới về đối tượng quản lý... Trong mô hình quản lý ở Vườn quốc gia Cát Bà đã có sự phân công, phân cấp rõ ràng tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong việc xác định các ranh giới như:

+ Ranh giới giữa rừng bảo tồn nghiêm ngặt và rừng ở vùng đệm nên vẫn có sự dịch chuyển về ranh giới ở một số nơi.

+ Ranh giới giữa sản phẩm sinh thái và sản phẩm không phải là sinh thái vẫn chưa thực sự minh bạch rõ ràng. Do việc quản lý về nguồn gốc các sản phẩm đưa ra thị trường không phải việc đơn giản, đòi hỏi có một mạng lưới quản lý thị trường đủ mạnh và có sự đầu tư thích đáng. Chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào về việc xác định một sản phẩm là sản phẩm sinh thái mà chủ yếu được xác định qua sự quan sát, kinh nghiệm là chủ yếu.

+ Ranh giới về quyền hạn của ban quản lý thị trường cũng chưa rõ ràng, chưa có một chính sách cụ thể nào cho hoạt động của đối tượng này nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Hoạt động cấp giấy chứng nhận chưa có cơ chế điều chỉnh hợp lý nên vẫn còn sảy ra tình trạng tư nhân thông đồng với nơi cung cấp giấy chứng nhận để đưa các sản phẩm không phải sản phẩm sinh thái cũng được cấp giấy chứng nhận.

Để cho người dân yên tâm tham gia vào mô hình thì họ phải có thu nhập ổn định đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, vì thế khi tham gia vào mô hình phải cân đối dược chi phí người dân bỏ ra với lợi ích họ thu về, đặc biệt đối với người dân được giao rừng. Nhưng việc thu nhập của người dân được giao rừng ở vườn quốc gia Cát Bà còn nhiều điều cần giải quyết:

Về cơ chế hưởng lợi trong giao và khoán rừng, chính phủ đã ban hành quyết định 178/2001/QĐ-TTG. Quyết định này áp dụng cho cá nhân, hộ gia đình được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, chưa đề cập đến quyền lợi của chủ thể quản lý rừng là cộng đồng dân cư thôn bản. Tuy nhiên ngay đối với quyền lợi cho cá nhân, hộ gia đình thì việc thực hiện quyết định 178 còn bất cập, trong thực tế sau 5 năm hầu như chưa nơi nào người nhận rừng được hưởng lợi theo quyết định này. Lý do căn bản là đa số các khu rừng được giao chưa đạt tiêu chuẩn rừng khai thác theo các quy định hiện hành và như vậy người quản lý rừng phải chờ đợi. Nhưng họ lại không rõ khi nào thì rừng của họ đạt tiêu chuẩn khai thác, tiêu chuẩn đó là gì và có nhận biết được hay không? Điều này đã hạn chế mối quan tâm quản lý rừng tự nhiên của người dân, và khi khai thác thì bao nhiêu, như vậy hưởng lợi được bao nhiêu? Đồng thời tỷ lệ hưởng lợi theo quyết định 178 căn cứ và trạng thái rừng khi giao, điều này cũng gây khó khăn cho cộng đồng khi nhận biết trạng thái. Trong khi đó thì cộng đồng có nhu cầu thường xuyên gỗ, củi cho gia dụng, nếu theo tiêu chuẩn rừng khai thác thì chưa được phép tác động, nhưng thực tế thì vì nhu cầu cuộc sống

họ vẫn chặt cây để sử dụng, điều này đã làm cho rừng không được quản lý, giám sát. Cụ thể:

+ Đối với rừng trung bình (IIIA2): Giả sử chủ rừng nuôi dưỡng rừng 5 năm, khi khai thác nộp thuế tài nguyên khoảng 15%; phần còn lại được phân chia như sau: Chủ rừng được hưởng lợi là 2% sản phẩm gỗ khai thác cho một năm quản lý rừng như vậy được 10% sản phẩm gỗ, 90% nộp về ngân sách xã. Trạng thái rừng này không còn nhiều khi giao rừng, tuy nhiên ngay cả trạng thái rừng còn tương đối tốt như vậy thì sau 5 năm quản lý rừng, chủ rừng chỉ nhận được 10% sản phẩm, trong đó phải chi phí toàn bộ kinh phí cho chặt hạ, vận xuất gỗ của toàn bộ khối lượng khai thác. Thực tế cho thấy với tỷ lệ như vậy thì chủ rừng có thu nhập rất thấp, thậm chí âm.

+ Đối với trạng thái rừng non, nghèo (IIAB, IIIA1): Các trạng thái này nếu theo tiêu chuẩn rừng khai thác thì phải 20 - 30 năm mới đạt được. Trong trường hợp này sau khi nộp thuế tài nguyên 15%, chủ rừng được hưởng 80% sản phẩm gỗ còn lại (và phải chi trả toàn bộ chi phí khai thác), giao nộp cho xã 20%. Đây là các trạng thái phổ biến được giao cho hộ, nhóm hộ, như vậy thời gian được hưởng lợi quá lâu nếu căn cứ theo tiêu chuẩn rừng khai thác hiện hành.

Thực trạng này chưa được dự án đưa ra hướng giải quyết triệt để, hay đưa ra một cơ chế hưởng lợi khác cho người dân. Mặc dù dự án đã đưa ra các kế hoạch sử dụng đất rừng, người dân có thể trồng các loại cây công nghiệp khác dưới tán rừng để thu thêm thu nhập tuy nhiên để người dân gắn bó hơn với rừng thì cần giải quyết được cơ chế hưởng lợi tư rừng một cách hợp lý.

Những người tham gia vào tổ bảo vệ rừng tuy được hỗ trợ công tác phí từ ban quản lý vườn nhưng số lượng còn ít, với số tiền 300-400 nghìn đồng một tháng họ chưa thể lo cho cuộc sống của mình và gia đình. Họ

chưa có một chế độ gì nhất là khi nghỉ công tác. Đây là một khó khăn để khuyến khích người dân tham gia, gắn bó với công tác bảo vệ rừng.

Chưa có một cơ chế thưởng phạt đem lại hiệu quả. Khi thực hiện dư án cũng có nhiều khuyến khích, hỗ trợ từ dự án như: tư vấn kĩ thuật, cung cấp giống cây, hỗ trợ bán sản phẩm...Nhưng nó không có có tác dụng thu hút đối với những hộ gia đình đang có một cộng việc có thu nhập cao, họ sẽ không quan tâm tới dự án nếu như dự án không đưa ra được những ràng buộc với họ như: nếu không tham gia thì họ sẽ bị loại trừ khỏi những hoạt động công cộng nào, hoặc nếu các hộ đã tham gia khi vi phạm cam kết thì sẽ bị xử lý ra sao?

Dự án đã tổ chức các buổi thảo luận lấy ý kiến của người dân nhưng không thể thu thập được toàn bộ ý kiến của dân cư trong vùng qua một sô buổi thảo luận. Mà ý kiến của dân phải được lắng nghe, tiếp thu thường xuyên. Muốn vậy thì người dân phải có cơ hội tiếp cận dễ dàng với các cơ quan đoàn thể để phản hồi ý kiến của mình. Đồng thời các tổ chức, cơ quan này cũng cần gần gũi nhân để lắng nghe, thu thập ý kiến của dân, mà điều này thì dự án ở Cát Bà còn thiếu.

Hoạt động giám sát của người dân phải được gắn với việc được tham gia ý kiến của dân vào các chương trình, kế hoạch, tổ chức...Người dân có được tham gia ý kiến thì họ mời tích cực giám sát. Nhìn chung ở vườn quốc gia Cát Bà đã huy động được người dân tham gia giám sát, các vụ xâm phạm rừng cấm để săn bắn được người dân phát hiện giúp kiểm lâm ngăn chặn kịp thời không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên có phải tất cả các phản hồi của người dân đều được giải quyết không, nhất là những phản hồi về các tổ chức, hệ thống quản lý nhà nước, nhạy cảm. Cũng là một vấn đề mà nhiều hệ thống quản lý cộng đồng gặp phải trong đó có vườn quốc gia Cát Bà.

Một phần của tài liệu bước đầu nghiên cứu mô hình quản lý bảo tồn loài voọc dựa vào cộng đồng ở vườn quốc gia cát bà (Trang 61 - 65)