Về dân cư, sau khi được mở rộng địa giới hành chính, dân số của Thủ đô là 6,35 triệu người, đến tháng 12/2011 đã ở mức 6,87 triệu người. Còn tính đến thời điểm hiện nay, căn cứ theo mức biến động thì dân số Hà Nội đã lên tới 7,1 triệu người. Việc tăng dân số cũng có tác dụng tích cực là làm tăng lực lượng lao động trẻ,tạo điều kiện tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức cho các ngành kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng. Tuy nhiên, tăng dân số sẽ làm tăng nhân tố tiêu dùng đặc biệt là các hàng hóa công cộng như: giao thông, nhà ở, trường học, vấn đề môi trường, trật tự xã hội. Điều này đã và đang thấy rõ ở Hà Nội, đặc biệt, đối với khu vực nội đô, do mật độ dân số hiện tại đã đạt trên 30.000 người/km2 thì việc cung cấp dịch vụ công cộng như giao thông, giáo dục,giải trí, chăm sóc sức khỏe càng trở nên căng thẳng. Dân số tăng tự nhiên của Hà Nội khoảng 9 vạn người/năm, tăng dân số cơ học cũng lên tới 5 vạn người/năm. Phân bố dân cư cho thấy khu vực nông thôn chỉ tăng lên hơn gần 12 vạn nhưng khu vực thành thị tăng lên hơn 31 vạn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội hiện nay là 1.979 người/km2. Một đặc điểm nổi bật nữa về dân cư của Hà Nội là dân trí cao. Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu bậc nhất cả nước. Hàng năm, các đơn vị giáo dục này đã đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Về tình hình thất nghiệp, thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho thấy năm 2010, chỉ có 4.192 lao động thất nghiệp nhưng đến năm 2011 đã lên tới khoảng 16.000 người, tăng gần 4 lần. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hà Nội năm 2011 là 4,3%, tăng từ mức 2,2% của năm 2010 và cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,27%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 6,7%, cao hơn nhiều so với năm 2010 (3,1%). Năm 2012, theo báo cáo về Điều tra Lao động Việc làm 2012 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thành phố Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người thất nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng có xu hướng gia tăng.
Về phương diện tổ chức hành chính, Hà Nội là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn được xếp vào đô thị loại đặc biệt (thỏa mãn các tiêu chuẩn như tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động trên 90%, quy mô dân số trên 5 triệu, mật độ dân số bình quân từ 15.000 người/km² trở lên, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh...). Cũng như các tỉnh và thành phố khác của Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội do người dân thành phố trực tiếp bầu lên, là cơ quan quyền lực nhà nước ở thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân và là cơ quan hành chính Nhà nước ở Thành phố, chịu trách nhiệm chấp hành hiến pháp, pháp luật, các văn bản của Chính phủ và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Tóm lại, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi về kinh tế và xã hội để phát triển sản xuất và thương mại, vì thế, logistics vốn là ngành dịch vụ hỗ trợ cho các lĩnh vực nói trên lại càng có cơ hội phát triển.