II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Ở NHÀ MÁY SỢI
1. Đào tạo công nhân kỹ thuật
1.1 Đào tạo tại nơi làm việc
Đây là hình thức đào tạo chủ yếu của nhà máy đối với công nhân công nghệ. Hình thức này giúp học viên nắm bắt được thực tế làm việc và chi phí không tốn kém lắm. Học viên được các cán bộ kỹ thuật giảng dạy lý thuyết trong khoảng 1 tháng. Sau đó được các công nhân lành nghề của tổ thao tác kèm cặp thực hành trong 3 tháng.
Phần lý thuyết học viên được nắm sơ qua về công nghệ sợi, phần thực hành người học viên phải nắm vững các thao tác trong công đoạn của mình và được làm thử trên máy. Sau 3 tháng thực hành và đạt kết quả thi tốt, học viên sẽ được giao việc và tiến hành công việc độc lập. Nhìn chung, ở mọi công đoạn, công nhân sản xuất trực tiếp đều phải đảm bảo 3 công việc chính: Thao tác nối sợi, thao tác vệ sinh máy và kiểm tra sản phẩm. Ví dụ, ở công đoạn đậu xe mỗi một công nhân đứng máy(công nhân chính) phải làm:
- Đi tua máy, kiểm tra đường đi của sợi, sợi chập, sợi đơn, thay quả sợi khác, nối sợi đứt, đổ sợi.
- Vệ sinh máy sạch sẽ, quấn ống, giá để lõi đậu dự trữ, nắp bảo hiểm, sứ dẫn sợi, con lăn dẫn sợi, bản cách sợi, bàn phanh, giá cắm quả sợi đậu, bàn kim, cứt sợi quấn trục cam trục đồng tiền, giá cắm sợi đơn, đầu đuôi máy, dụng cụ vệ sinh.
Hình thức đào tạo này có ưu điểm là đào tạo được nhiều công nhân cùng một lúc nên có khả năng giải quyết nhu cầu cấp bách về công nhân.Thời gian đào tạo ngắn phù hợp với đặc điểm công nghệ: Thao tác đơn giản, thường xuyên lặp lại trong quá trình sản xuất. Không đòi hỏi giáo viên chuyên trách, thiết bị thực tập riêng vì vậy tiết kiệm được chi phí đào tạo. Quá trình học tập ngắn liền vơí quá trình sản xuất đã tạo điều kiện cho học viên nắm vững kỹ năng lao động.
1.2 Các lớp cạnh doanh nghiệp
Hình thức này chủ yếu được thực hiện để đào tạo công nhân bảo toàn. Học viên được Công ty cho đi học lý thuyết 6 tháng tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Sau đó học 6 tháng thực hành, được các kỹ sư hoặc công nhân lành nghề hướng dẫn kèm cặp trên máy.
Với hình thức đào tạo này, học viên được học tập một cách có hệ thống từ đơn giản đến phức tạp, từ lý thuyết đến thực hành tạo điều kiện tiếp thu kiến thức nhanh chóng dễ dàng.
Trong giai đoạn học lý thuyết, học viên được trang bị những kiến thức tổng hợp và những nguyên lý cơ bản chung nhất để làm việc sau này. Cấu tạo chương trình kỹ thuật cơ bản gồm: Vẽ kỹ thuật, công nghệ kéo sợi, cấu tạo máy, sơ đồ động học cho máy, tổ chức sản xuất ...Trong giai đoạn học thực hành, học viên được thao tác trên các thiết bị, làm quen với các quá trình công nghệ và được công nhân lành nghề kèm cặp tham gia vào quá trình làm việc, sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị.
Hình thức này có nhược điểm là: Trong quá trình kèm cặp, người hướng dẫn vừa sản xuất vừa dạy nghề, do yêu cầu về khối lượng công việc nhiều, để đảm bảo đủ kế hoạch, người hướng dẫn nhiều khi không để ý tới việc dạy học viên. Người dạy nghề không chuyên trách nên thiếu kinh nghiệm và không có phương pháp sư phạm có thể làm kết quả học tập của học viên bị hạn chế. Học viên không chỉ học những phương pháp sản xuất tiên tiến mà còn bắt chước những thói quen xấu, không hợp lý, lạc hậu của người dạy.
1.3 Đào tạo nâng bậc
Hàng năm, nhà máy tổ chức thi hoặc xét nâng bậc cho những người lao động có đủ điều kiện( theo phân loại lao động 6 tháng một lần, một năm 2 lần) đạt loại A. Quy định xét thi nâng bậc của nhà máy như sau:
Bậc 1 lên bậc 2: 1 năm Bậc 2 lên bậc 3: 2 năm Bậc 3 lên bậc 4: 3 năm Bậc 4 lên bậc 5: 4 năm Bậc 5 lên bậc 6: 4 năm
Các công nhân từ bậc 4 trở xuống được xét nâng bậc nếu đủ tiêu chuẩn, phải thi thực hành. Từ bậc 4 trở nên khi thi nâng bậc, người lao động phải được học một lớp lý thuyết về công nghệ sợi do cán bộ kỹ thuật giảng. Họ phải đạt điểm 5 trở lên cả lý thuyết và thực hành mới được nâng bậc.
Công nhân bảo toàn cũng thường xuyên được nhà máy kiểm tra lý thuyết và thực hành theo từng quý. Nếu điểm kiểm tra chỉ đạt dưới điểm 5 người lao động sẽ bị nhắc nhở và phải thi lại. Nếu thi lại không đạt người đó phải học lại nghề. Trong thời gian học người lao động được hưởng mức lương cơ bản theo bậc công việc của mình. Sau khi học nếu người lao động nếu người lao động đạt kết quả tốt sẽ tiếp tục làm việc tại nhà máy. Nếu không đạt
thì tuỳ tình hình, nhà máy sẽ chuyển công việc khác hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Việc xét phân loại lao động và kiểm tra thường xuyên là rất cần thiết đòi hỏi người công nhân phải cố gắng làm việc, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt; đảm bảo tính công bằng giữa lao động trực tiếp hay gián tiếp.
1.4 Đào tạo và phát triển lao động quản lý
Ở nhà máy sợi II, giám đốc và các phó giám đốc đều được học bằng 2 về quản lý để nâng cao kỹ năng quản lý. Các cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp. Chất lượng lao động quản lý được nâng cao. Nhà máy cho cán bộ đi học thêm các khoá về chuyên môn, về quản lý do công ty tổ chức hay các lớp bồi dưỡng ngắn hạn.
Nhà máy đặc biệt chú ý đến trưởng ca và tổ trưởng sản xuất vì trưởng ca là người thay quyền giám đốc ngoài giờ hành chính trực tiếp tại nơi sản xuất. Tổ trưởng sản xuất là người quản lý ở cấp thấp nhất, sát sản xuất nhất. Họ là những công nhân lành nghề, nghiêm túc trong sản xuất, có ý thức kỷ luật cao được cất nhắc lên. Các tổ trưởng được học một lớp ngắn ngày về quản lý. Vì thế trình độ quản lý của họ chưa được trang bị tốt. Mặt khác, mỗi tổ sản xuất là một hạt nhân của quá trình sản xuất liên tục. Muốn nhà máy phát triển tốt thì mỗi tổ phải luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đảm bảo khối lượng và chất lượng sản phẩm đồng thời hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Hàng năm nhà máy tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày nâng cao nghiệp vụ quản lý cho các tổ trưởng sản xuất để họ tiếp cận với phương pháp và cách tư duy hiện đại.