Lựa chọn và đào tạo giáo viên

Một phần của tài liệu Luận văn Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Nhà máy sợi II (Trang 65 - 66)

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Ở NHÀ MÁY SỢI

6.Lựa chọn và đào tạo giáo viên

Sau khi lựa chọn chương trình và phương pháp đào tạo, cần phải lựa chọn giáo viên phù hợp với chương trình.

Trong đào tạo công nhân kỹ thuật, giáo viên là các cán bộ kỹ thuật và các thao tác viên. Họ là những người có kinh nghiệm thực tế về sản xuất, nắm vững công nghệ sản xuất của nhà máy. Về kiến thức họ có thể thoả mãn được yêu cầu của chương trình đào tạo nhưng phương pháp sư phạm họ có rất ít. Nếu không biết cách truyền đạt thì hiệu quả của khoá học bị hạn chế, không đáp ứng được mục tiêu đề ra. Vì vậy cần lựa chọn những người có kinh nghiệm giảng dạy, đã tham gia dạy nhiều khoá đào tạo. Công nhân kèm cặp nên chọn những người có thao tác đúng, chuẩn mực, để khi day học viên không tiếp thu những thao tác thừa, không tốt của người kèm cặp.

Đối với các lớp bồi dưỡng lao động quản lý, nhà máy thường mời các chuyên gia, giáo viên của các trường đại học có uy tín về giảng dạy. Đó là những người luôn nắm bắt và tiếp cận với thông tin mới về quản lý. Nhưng cần lựa chọn những người gắn bó, có hiểu biết về nhà máy, về công nghệ sản xuất, và những vấn đề quản lý đang đặt ra để họ nắm bắt và giúp học viên áp dụng vào thực tế. Vì các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về quản lý, học viên thường là các tổ trưởng sản xuất, trình độ của họ có hạn nên các giảng viên phải có cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu để họ tiếp thu được nội dung bài giảng.

Ngoài việc lựa chọn các giáo viên đáp ứng được yêu cầu, cần phải trang bị thêm kiến thức cho họ. Các giáo viên hướng dẫn công nhân kỹ thuật đã có kinh nghiệm thực tế cần được bổ sung kiến thức sư phạm. Với các giáo viên của các trường đại học cần để họ nắm bắt thực tế và hiểu tình hình sản xuất của nhà máy trước khi giảng để bài giảng không xa rời thực tế.

Nhà máy thường đánh giá chương trình đào tạo ngay sau khoá học bằng cách kiểm tra, thi hoặc trong quá trình sử dụng lao động thông qua năng suất, chất lượng sản phẩm của học viên.

Công tác đánh giá chương trình đào tạo là rất cần thiết. Không chỉ đánh giá kết quả học tập của học viên mà cần đánh giá toàn bộ chương trình đào tạo để rút kinh nghiệm cho các chương trình sau. Nhà máy chưa quan tâm đến việc đánh giá công tác tổ chức chương trình đào tạo, chưa tính toán hiệu quả của chương trình đào tạo một cách chính xác. Nhà máy nên theo dõi, đánh giá chương trình đào tạo dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh của nhà máy sau một thời gian thường là một năm.

Một phần của tài liệu Luận văn Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Nhà máy sợi II (Trang 65 - 66)