II. MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ QUẢN LÝ ĐA NGÀNH, ĐA LĨNH VỰC TRONG CƠ CẤU TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ KHÓA
SỚM BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN CHỌN CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
NGUYỄN ĐỨC VÂN
Chuyên viên cao cấp, Văn phòng Chính phủ
Thi tuyển nhân sự quản lý doanh nghiệp nhà nước – một yêu cầu bức thiết
Ngay từ thời xa xưa, cha ông ta đã rất chú trọng đến việc tuyển chọn người hiền tài bằng nhiều hình thức khác nhau. Ở các nước phát triển cũng rất quan tâm tạo dựng cơ chế thích hợp cho việc tuyển chọn quan chức và cán bộ quản lý. Việc phát hiện, lựa chọn đúng nhân tài tuỳ thuộc vào việc xây dựng các quy trình, quy chế tuyển chọn nhân sự. Bài viết này bàn về quy chế tuyển chọn nhân sự quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian hết hiệu lực của Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang đến gần, từ tháng 7/2010 thực hiện Luật Doanh nghiệp chung, không phân biệt DNNN hay doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Vì vậy, nếu không chuẩn bị cho bước đi phù hợp thì việc đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng… cán bộ quản lý DNNN sẽ đứng trước vấn đề “bổ nhiệm” hay “thuê” giám đốc, khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong DNNN.
Trong xu thế đang diễn ra ở một số nước phát triển hiện nay, khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý thường gắn bó, lồng ghép, đan xen nhau mang tính cạnh tranh, sàng lọc công khai và tiêu chuẩn chính của người được tín nhiệm, được đề bạt, bổ nhiệm hoặc được thuê là: thông minh, sáng tạo, có một số phẩm chất nổi bật, có bản lĩnh vững vàng, giàu tính nhân văn, đóng góp vào sự phát triển với chất lượng và hiệu quả cao trên lĩnh vực đảm nhiệm. Có thể nói tuyển chọn là khâu quan trọng nhất để thu hút, phát hiện người có “đức” có “tài”, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chức trách của công việc đặt ra. Vì vậy, việc tuyển chọn chính xác hay không tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế dân chủ, yếu tố xã hội, cơ chế cạnh tranh nhân tài, các chính sách thu hút nhân tài…
Ý nghĩa của việc thi tuyển
Thực hiện quy chế tuyển chọn cán bộ quản lý DNNN có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng. Một mặt, bảo đảm được sự trong sáng về chính trị, làm cho quần chúng được biết, được lựa chọn, được kiểm tra giám sát cán bộ, thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ. Mặt khác, thi tuyển góp phần khắc phục tình trạng một số cán bộ chỉ lo “chạy chọt” chức nọ, chức kia của doanh nghiệp mà không lo tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt của mình; chỉ lo đối phó với cấp trên mà không quan tâm, chịu trách nhiệm trước quần chúng và cấp dưới về kết quả công tác và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, làm tốt công tác thi tuyển là một biện pháp quan trọng phát huy năng khiếu, sở trường, nhân lực chuyên môn của cán bộ, là hình thức tốt để phát hiện, lựa chọn nhân tài, phá vỡ thế khép kín về cán bộ quản lý doanh nghiệp của một ngành hay một địa phương; đồng thời làm tăng tính trách nhiệm công tác và khả năng giám sát, kiểm tra của quần chúng, của nhân dân đối với nhân sự được thuê làm giám đốc DNNN. Và, mọi người đều bình đẳng trong việc lựa chọn vào những cương vị lãnh đạo, quản lý khác nhau khi có nhu cầu; đều có quyền và có điều kiện được bộc lộ phẩm chất, tài năng của mình trên nguyên tắc ai có đức có tài đều được trọng dụng, khắc phục tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, tư tưởng đẳng cấp, thứ bậc.
Xây dựng quy chế thi tuyển
Chính phủ cần sớm ban hành quy chế thi tuyển đối với giám đốc DNNN và coi đó là một bước thí điểm có tính đột phá trong công tác cán bộ quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Quy chế này cần quán triệt quan điểm trọng dụng người có đức, có tài thực sự, không phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp, cơ cấu, quá trình cống hiến hay thành phần xuất thân.v.v… Để có cơ sở rộng rãi cho việc lựa chọn cán bộ tốt, tạo chủ động về nguồn nhân sự, cần mở rộng diện nguồn (có nguồn tại chỗ, nguồn trực tiếp, nguồn từ xa, nguồn lâu dài) và xây dựng quy chế tuyển chọn nhân sự để lựa chọn nhân tài quản lý trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Quy chế này cần phải công khai rộng rãi các yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để mọi người có thể tham gia ứng cử, thi tuyển. Người tham gia ứng cử hoặc được đề cử để được thuê làm giám đốc DNNN phải có đề án công tác, có mục tiêu chương trình hành động cụ thể. Nên áp dụng hình thức thuyết trình công khai để mọi người tham gia lựa chọn. Cần kết hợp thi tuyển chuyên môn, sát hạch năng lực với việc đánh giá các phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ thông qua thăm dò tín nhiệm và sự lựa chọn dân chủ của quần chúng. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều người tham gia thi tuyển vào một chức vụ, cương vị của từng loại hình doanh nghiệp. Sau khi có sự thống nhất giữa kết quả thi tuyển về chuyên môn với việc đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức mới ký hợp đồng và ra quyết định bổ nhiệm.
Về cách làm, việc thi tuyển cần tổ chức thông báo rộng rãi, công khai trên cơ sở tiêu chí đã được quy định. Ngoài những tiêu chuẩn cần về chính trị, cần chú ý đặc biệt về năng lực chuyên môn. Ví dụ, cần tuyển một chức danh tổng giám đốc một công ty xây dựng thì ngoài những tiêu chí khác chắc chắn phải yêu cầu người dự thi tuyển có chuyên môn về xây dựng. Quy chế thi tuyển nhân sự quản lý DNNN cần phải có những tiêu chí sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc thi tuyển: phải trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; bảo đảm dân chủ và công bằng; căn cứ vào tài năng để lựa chọn; bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng.
Thứ hai, về tiêu chuẩn: đây là những vấn đề cần được định lượng rõ. Theo quy định hiện hành, tiêu chuẩn và điều kiện tuyển chọn đối với giám đốc DNNN theo Khoản 1, Điều 24; những đối tượng không được thuê căn cứ theo Khoản 2, Điều 24 của Luật DNNN.
Ngoài những tiêu chuẩn chung nêu trên, cần có những tiêu chuẩn cụ thể (những tiêu chuẩn này cần được nghiên cứu áp dụng đối với giám đốc DNNN khi chưa có điều kiện tổ chức thi tuyển), đó là:
- Có hiểu biết về định hướng và chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh. Thực sự có hiểu biết về kinh tế thị trường, có năng lực dự báo về định hướng sự phát triển của doanh nghiệp cần dự thi.
- Đối với những người dự thi tuyển chức danh giám đốc điều hành DNNN, phải là người đã qua chức vụ quản lý chủ chốt, được đánh giá là hoàn thành tốt chức trách của một doanh nghiệp với quy mô nhất định.
- Về trình độ chuyên môn: tốt nghiệp đại học trở lên đúng chuyên ngành dự tuyển. Đối với chức danh tổng giám đốc DNNN theo Quyết định 90 của Thủ tướng Chính phủ trở lên, yêu cầu phải hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước cao cấp; đồng thời đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức dành cho giám đốc DNNN.
- Về ngoại ngữ, tin học: đối với những cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu, nhất thiết phải thông thạo một trong năm ngoại ngữ thông dụng để sử dụng trong hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh; biết sử dụng thông thạo máy vi tính phục vụ yêu cầu điều hành sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, về nội dung, phương pháp thi tuyển: thi “bảo vệ đề án” là môn thi chính và bắt buộc. Ngoài ra còn các môn thi viết, thi vấn đáp hoặc thi trắc nghiệm. Nội dung thi tuyển tập trung vào ba lĩnh vực: lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Về tổ chức thi tuyển: cần thành lập hội đồng thi tuyển cấp nhà nước đối với thi tuyển tổng giám đốc DNNN hạng đặc biệt và các hội đồng thi tuyển cấp bộ, ngành và địa phương. Hội đồng thi tuyển có quyền phản biện độc lập và có quyền bảo lưu ý kiến phản biện đối với cấp có thẩm quyền quyết định tuyển chọn.
Thứ tư, về cơ sở, nội dung đào tạo: hiện nay nước ta chưa có cơ sở nào chuyên đào tạo giám đốc doanh nghiệp. Trên thực tế, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ trang bị lý luận về chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước. Vì vậy, cần lựa chọn một số cơ sở có bề dầy của ngành giáo dục đào tạo đảm nhiệm thực hiện thí điểm chương trình này. Ngoài ra, với định hướng dài hạn, cần tạo cơ chế để các cơ sở đào tạo khác thực hiện chương trình này theo đơn đặt hàng của Chính phủ nhằm có thể cung cấp cho đất nước một lớp cán bộ quản trị doanh nghiệp có chất lượng và đẳng cấp quốc tế.
Về nội dung chương trình đào tạo: trước mắt đề nghị Chính phủ giao cho một bộ tổng hợp chủ trì, phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức soạn thảo nội dung cho lớp thí điểm với thời gian bồi dưỡng ngắn hạn trong khoảng 6 tháng trước khi tổ chức thi tuyển một số chức danh giám đốc DNNN đã xác định trước. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng khung giáo trình phù hợp với đào tạo giám đốc DNNN ở Việt Nam.
Cần có quy định việc tín chấp bằng tài sản
Một vấn đề cần được quan tâm ở bước quá độ hiện nay, đó là gắn trách nhiệm vật chất với giám đốc DNNN nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân đó là điều kiện “bảo đảm bằng tài sản”. Theo thông lệ của các nước phát triển cũng như theo cách tổ chức thông lệ quốc tế, ai có tỷ lệ góp vốn cao nhất khi thành lập công ty thì đương nhiên người đó giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT). Đó là lẽ thường, bởi người có quyền quyết định cao nhất về sản xuất kinh doanh cũng là người chịu trách nhiệm nhiều nhất về tài chính. Đó cũng là lẽ đương nhiên, bởi những quyết định về công việc làm ăn gắn liền với vấn đề tài chính, tức là vấn đề “lỗ - lãi” của chính Chủ tịch HĐQT. Đối với nước ta, Chủ tịch HĐQT theo quy định là người đại diện cho chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Vì vậy, cần có những quy định về việc “tín chấp” bằng tài sản đối với người được thuê làm giám đốc và người được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT DNNN, là hình thức thể hiện lòng tin, hay nói cách khác là giữ chữ “tín” bằng một phần trách nhiệm về vật chất của người được chủ sở hữu thuê - đó là Nhà nước. Có như vậy việc bảo toàn và tăng trưởng đồng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp mới hy vọng có hiệu quả thực sự như mong muốn của người dân và Chính phủ./.