TÂY NINH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 49 - 53)

I. Thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

TÂY NINH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ

THÁI DUY THANH

Sở Nội vụ Tây Ninh

ội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là bộ phận nòng cốt của hệ thống chính trị ở cơ sở, trực tiếp giải quyết công việc cụ thể của người dân, gắn bó với đời sống nhân dân. Năng lực, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức cấp xã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Tây Ninh nói riêng, của đất nước nói chung.

Đ

Trong những năm gần đây Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các địa phương của tỉnh Tây Ninh đã tăng cường nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chưa thực hiện đồng bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với công tác quy hoạch cán bộ, nên nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã chưa được đào tạo một cách cơ bản các kiến thức về tổ chức nhà nước, pháp luật, quản lý hành chính, chuyên môn nghiệp vụ.

Trước yêu cầu phát triển ngày càng cao của công tác tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém về năng lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở cơ sở. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tập trung đổi mới, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng chính quyền cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã (trong đó có 5 huyện biên giới); 95 xã, phường, thị trấn, gồm 82 xã (trong đó 20 xã biên giới), 5 phường và 8 thị trấn.

Cán bộ, công chức cấp xã có ba loại là cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách. Trong đó cán bộ chuyên trách có 12 chức danh, công chức có 7 chức danh, cán bộ không chuyên trách có 24 chức danh.

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã: tính đến ngày 31/12/2006, số lượng cán bộ, công chức cấp xã có mặt là 7.116 người; trong đó cán bộ chuyên trách là 1.030 người; công chức là 746 người và cán bộ không chuyên trách là 5.340 người.

Về cơ cấu chất lượng: độ tuổi dưới 30 có 365 người, chiếm 20,55%; từ 31-50 tuổi có 1.210 người, chiếm 68,13%; từ 51-56 tuổi trở lên có 201 người, chiếm 11,32%. Đa số cán bộ từ 51 tuổi trở lên thuộc các chức danh của 4 đoàn thể xã (gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ). Về trình độ văn hoá, tiểu học, trung học cơ sở: 289 người, chiếm 16,27%; trung học phổ thông: 1.487 người, chiếm 83,73%. Về trình độ chuyên môn, chưa qua đào tạo lý luận chính trị: 485 người, chiếm 27,30%; chưa qua đào

tạo chuyên môn nghiệp vụ: 1.002 người, chiếm 56,41%; chưa qua đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước: 764 người, chiếm 43,01%.

Nhìn chung, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã từng bước được củng cố, kiện toàn; cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được trẻ hoá và có chất lượng, các chức danh chuyên môn được sắp xếp ổn định và phát huy tác dụng. Hoạt động quản lý, điều hành của UBND cấp xã có tiến bộ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã được cải thiện từng bước theo hướng đổi mới. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về các lĩnh vực lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ ở các ngành như: công an, quân sự, địa chính, tư pháp, tài chính kế toán… Công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ngày càng được chú trọng hơn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động quản lý, điều hành của UBND cấp xã vẫn còn có mặt yếu kém. Ở một số nơi có biểu hiện chưa thực sự làm việc theo pháp luật mà nặng về tập quán, thói quen, tình cảm. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được hưởng lương, phụ cấp ngày càng đông. Nếu tính tất cả những người có quan hệ đến công việc cung của cấp xã, ấp, khu phố được hưởng lương, phụ cấp do ngân sách nhà nước chi trả thì bình quân một xã từ 100 đến 150 người. Nhưng trong thực tế số cán bộ chuyên trách, công chức trực tiếp giải quyết công việc hành chính hàng ngày cho nhân dân quá ít, bình quân mỗi xã trên dưới 20 người, trong đó có khoảng 10 đến 12 cán bộ, công chức chuyên môn trực tiếp, thường xuyên giải quyết nhiều công việc có liên quan đến dân như: địa chính, xây dựng, tư pháp, hộ tịch, văn phòng, văn hoá, xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã chưa ngang tầm với nhiệm vụ; một số đơn vị cơ cấu chưa đồng đều, trình độ, năng lực công tác còn yếu kém về nhiều mặt và thực tế cho thấy số cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn khá nhiều. Cụ thể, vào thời điểm tháng 12/2006 có 1.092 cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, chiếm tỷ lệ 61,49% (trong đó có 490 người, chiếm tỷ lệ 44,87% là trên 45 tuổi không có khả năng đào tạo chuẩn hoá); có 655 cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn lý luận chính trị, chiếm tỷ lệ 36,88% (trong đó có 156 người, chiếm tỷ lệ 23,81% là trên 45 tuổi không có khả năng đào tạo chuẩn hoá); 52,42% chưa đạt tiêu chuẩn quản lý hành chính nhà nước cần đào tạo, bồi dưỡng. Mặc dù đã có chủ trương, chính sách giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã có năng lực yếu kém, không đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định, nhưng trong thời gian qua UBND cấp xã, cấp huyện chưa kiên quyết thực hiện triệt để. Điều kiện, phương tiện làm việc của chính quyền cấp xã nhìn chung chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Một số xã tự xoay sở trang bị máy vi tính, máy in, photocopy cũ. Hiện nay, 100% xã đã xong trụ sở, nhưng không đủ phòng để sắp xếp, bố trí, ổn định nơi làm việc cho từng bộ phận cán bộ, công chức, nhiều nơi còn sắp xếp tạm phòng làm việc.

Nguyên nhân của tồn tại yếu kém nêu trên: Một là, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, công chức chưa được thực hiện đồng bộ, khoa học và chưa được xem là việc làm thường xuyên, việc bố trí các chức danh chủ chốt còn nặng về cơ cấu; đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức còn hình thức, thiếu toàn diện, chưa thực sự căn cứ vào quá trình công tác, hiệu quả công việc, năng lực thực tiễn, năng lực chuyên môn, đạo đức, phẩm chất và bản lĩnh chính trị. Hai là, hàng năm, các địa phương chưa chủ động trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chưa khắc phục được tình trạng nhiều cán bộ, công chức cấp xã thiếu tiêu chuẩn so với quy định. Mặt khác, ở một số địa phương cán bộ, công chức cấp xã sau khi được đào tạo lại bố trí, sắp xếp không đúng chuyên môn đã được đào tạo; chưa kiên quyết giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức không đạt tiêu chuẩn, năng lực yếu kém… do đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Ba là, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp xã về tài chính, ngân sách còn hạn chế; điều kiện, phương tiện làm việc còn thiếu thốn đã gây những khó khăn đáng kể cho hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã cũng như đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Để thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động của trung ương, của tỉnh về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở nói chung và tập trung thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói riêng, cần triển khai những giải pháp sau:

- Tiến hành thống kê, rà soát, sắp xếp bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo tiêu chuẩn chức danh; công khai danh sách cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn và không đủ điều kiện để tiếp tục đào tạo. UBND cấp huyện xem xét việc giải quyết chế độ theo quy định.

- Kiên quyết thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ, của tỉnh đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã không đạt chuẩn, sức khoẻ hạn chế, năng lực, trình độ yếu kém, dôi dư do sắp xếp…

- Công tác quy hoạch cán bộ hàng năm phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã; có điều chỉnh, bổ sung kịp thời cán bộ trong diện quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bố trí cán bộ trong nhiệm kỳ và nhiệm kỳ kế tiếp, chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt kế cận và thay thế số cán bộ, công chức không đạt chuẩn.

- Thông báo công khai, rộng rãi việc tuyển dụng sinh viên tình nguyện, tạo nguồn, con cán bộ, diện chính sách được đào tạo trình độ từ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên… để bổ sung các chức danh còn thiếu và thay thế số cán bộ, công chức không đạt tiêu chuẩn. Ưu tiên tuyển chọn con cán bộ, diện chính sách, công nhân, nông dân tốt tại địa phương đã tốt nghiệp trung học phổ thông có nguyện vọng vào làm việc tại xã để đào tạo xong bố trí ngay, phục vụ công tác lâu dài ở địa phương.

- Tăng cường điều động, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, thị xã có năng lực, trình độ chuyên môn đến công tác có thời hạn hoặc lau dài tại cấp xã.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch của Nhà nước đối với hoạt động quản lý hành chính của cấp xã và các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức cấp xã, nhất là những lĩnh vực về quản lý hành chính có liên quan trực tiếp tới người dân.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức trong đơn vị và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của đơn vị, trách nhiệm công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của từng cán bộ, công chức trong hoạt động quản lý hành chính ở địa phương.

- Đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc của UBND cấp xã, các cơ sở đào tạo trong tỉnh, bảo đảm đáp ứng đủ nơi làm việc, đủ nơi đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện cung cấp đồng bộ các phương tiện, thiết bị cơ bản phục vụ công việc như: máy vi tính, máy photocopy, máy in… từng bước đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý ở cơ sở.

- Tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ, triệt để các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết Tỉnh uỷ đề ra.

- Áp dụng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, ngắn hạn, định kỳ cho cán bộ chủ chốt, công chức chuyên môn để cập nhật những chính sách mới, kiến thức, kinh nghiệm công tác, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ./.

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 49 - 53)

w