VÀI NÉT VỀ NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG ẤN ĐỘ

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 59 - 63)

I. Thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

VÀI NÉT VỀ NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG ẤN ĐỘ

VŨ THỊ PHƯƠNG MAI

Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nội vụ

ộng hoà Liên bang Ấn Độ giành độc lập ngày 15/8/1947 từ Vương quốc Anh, ban hành Hiến pháp ngày 26/1/1950 và đã sửa đổi nhiều lần. Hệ thống luật pháp của Ấn Độ chủ yếu dựa trên bộ luật chung của Vương quốc Anh thể hiện quan điểm hạn chế của tòa án đối với các bộ luật; chấp nhận phán xét bắt buộc của tòa án với sự bảo lưu; và áp dụng hình luật riêng biệt đối với các tôn giáo như đạo Hồi, Cơ đốc và Hindu. Số dân hơn 1,2 tỷ người, Ấn Độ có sự khác biệt giữa các sắc tộc về văn hóa và tôn giáo. Sự không thống nhất về sắc tộc làm nên nét khác biệt của Ấn Độ với các quốc gia khác. Hơn nữa, với sự rộng lớn và phong phú về văn hóa, tôn giáo, Ấn Độ được coi là cái nôi của nền văn minh thế giới. Những tôn giáo phổ biến của Ấn độ bao gồm đạo Hindu, Cơ đốc, Hồi, Sikh (từ Ấn Độ giáo), Phật, và Giai-na (từ Ấn Độ giáo) và người dân được tự do theo bất kỳ tín ngưỡng nào. 35 bang và lãnh thổ trên đất nước Ấn Độ với những nét riêng xuất phát từ nguồn gốc khu vực giữa các vùng khác nhau, những nền văn hóa khác biệt, đã hợp nhất nên một bức tranh đặc thù của nền văn hóa quốc gia Ấn Độ.

C

Theo Hiến pháp, Ấn Độ là một nước “có chủ quyền, xã hội chủ nghĩa, tôn giáo, và dân chủ cộng hòa”. Chính quyền Trung ương Ấn Độ tổ chức thành tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo mô hình của Nghị viện Anh, người đứng đầu hành pháp được bầu và chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp.

Hệ thống hành pháp

Ấn Độ tổ chức nhà nước theo hình thức chính quyền liên bang và chính quyền trung ương có quyền lực lớn hơn trong mối quan hệ với các bang, theo khuôn mẫu của hệ thống Nghị viện Anh. Chính phủ điều hành với quyền lực hành chính rộng lớn. Tổng thống và Phó tổng thống được một Ban bầu cử đặc biệt bầu gián tiếp theo nhiệm kỳ 5 năm. Các nhiệm kỳ của họ so le nhau và vì vậy Phó Tổng thống không thể nghiễm nhiên trở thành Tổng thống khi Tổng thống chết hay bị miễn nhiệm. Quyền hành pháp thực sự của quốc gia tập trung trong tay Hội đồng các Bộ trưởng (Nội các), do Thủ tướng đứng đầu. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng, người được các thành viên lập pháp của đảng phái chính trị chọn lựa hoặc đứng đầu liên minh đảng phái chiếm đa số trong nghị viện và bổ nhiệm các thứ trưởng để cố vấn cho Thủ tướng.

Chính quyền địa phương

Ấn Độ có 28 bang và 7 lãnh thổ hợp nhất. Ở cấp bang, một số cơ quan lập pháp là lưỡng viện, theo khuôn mẫu hai viện của quốc hội. Bộ trưởng thứ nhất của bang chịu trách

nhiệm pháp lý như Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Mỗi bang có một Thị trưởng được bổ nhiệm như Tổng thống và có thể nắm những quyền lực rộng lớn nhất định khi được chính quyền Trung ương trực tiếp chỉ định. Chính quyền Trung ương có ảnh hưởng lớn đối với các lãnh thổ hợp nhất hơn là đối với các bang. Chính quyền địa phương ở Ấn Độ có ít quyền hạn hơn nếu so với chính quyền địa phương của Mỹ. Một số bang đang cố gắng khôi phục lại Hội đồng làng xã truyền thống, để khuyến khích sự tham gia dân chủ của người dân.

Chức năng của chính quyền địa phương được chia thành hai loại bắt buộc và không bắt buộc. Các chức năng bắt buộc bao gồm: cung cấp nước sạch và không độc hại; xây dựng và bảo dưỡng hệ thống giao thông công cộng; chiếu sáng và tưới, tỉa, trồng cây cối và khơi thông cống rãnh; quy định về việc gây nguy hại hay gây khó chịu trong buôn bán và thăm hỏi hay thông lệ; duy trì và hỗ trợ các bệnh viện công; thành lập và duy trì các trường tiểu học; khai sinh và khai tử; di dời những vật chướng ngại và bảo vệ đường xá công cộng, cầu cống các nơi khác; đặt tên cho đường phố và đánh số thứ tự các ngôi nhà. Các chức năng không bắt buộc bao gồm: bố trí các khu vực; bảo vệ an ninh, di chuyển các tòa nhà, các vị trí nguy hiểm; xây dựng và duy trì các công trình công cộng như: công viên, vườn hoa, thư viện, nhà bảo tàng, nhà nghỉ, trại phong, trại trẻ mồ côi, nhà cứu tế cho phụ nữ.v.v...; trồng và chăm sóc cây cối ở hai bên đường và các nơi khác; cung cấp nơi ăn chốn ở cho những người thu nhập thấp; thực hiện các cuộc điều tra; tổ chức các buổi khai trương, triển lãm và vui chơi, cung cấp các phương tiện giao thông công cộng trong khu vực; khuyến khích sự thịnh vượng của người lao động trong khu vực và cung cấp âm nhạc cho người dân.

Nền công vụ và công chức

Hội đồng lập hiến, sau khi độc lập, đã nhận thấy sự cần thiết duy trì vị trí tự trị vững chắc cho Ban Công vụ ở cả cấp Liên bang lẫn cấp địa phương để đảm bảo việc tuyển dụng không thiên vị cho nền công vụ cũng như bảo vệ những quyền lợi của dịch vụ công. Hiến pháp mới (26/1/1950) đã đặt tên và công nhận Ban Công vụ Liên bang được tự trị hoàn toàn. Ban Công vụ Liên bang được trao các nhiệm vụ: tuyển dụng và bổ nhiệm công chức cho chính quyền Liên bang thông qua các kỳ thi cạnh tranh; tuyển dụng và bổ nhiệm công chức cho chính quyền Trung ương bằng việc lựa chọn thông qua các cuộc phỏng vấn; tư vấn, giới thiệu các công chức phù hợp để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo cũng như luân chuyển công tác; tư vấn cho Chính phủ những vấn đề liên quan tới phương pháp tuyển dụng đối với nền công vụ và các vị trí khác nhau; kỷ luật đối với công chức và các vấn đề khác liên quan tới trợ cấp ngoài lương, hoàn trả các chi phí hợp pháp.v.v…

Hai cơ quan chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự cho Chính phủ là Ban Công vụ Liên bang và Ban Tuyển chọn nhân sự. Theo Hiến pháp, Ban Công vụ Liên bang được trao quyền tổ chức các kỳ thi để bổ nhiệm các chức vụ cao của nền công vụ và các vị trí cán bộ của Chính quyền Liên bang, kể cả tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp toàn Ấn Độ. Ban Công vụ Liên bang tham mưu về tất cả các vấn đề liên quan tới phương pháp tuyển dụng,

nguyên tắc đề bạt và thuyên chuyển từ công việc này sang công việc khác và các vấn đề kỷ luật. Ban Tuyển chọn nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng các cán bộ cấp dưới như trợ lý, thư ký.v.v... Ban tuyển chọn nhân sự doanh nghiệp công chịu trách nhiệm lựa chọn và bổ nhiệm các vị trí nhân sự như chủ tịch, giám đốc điều hành hay chủ tịch kiêm giám đốc điều hành (cấp I), và giám đốc chuyên môn (cấp II) cho các doanh nghiệp khu vực công cũng như các vị trí do Chính phủ chỉ định ở tất cả các cấp.

Theo qui định của Chính phủ, với sự tham mưu của Ban Công vụ Liên bang, Trưởng ban hay một Phó Trưởng ban chủ trì cuộc họp Hội đồng đề bạt cấp sở ban ngành để xem xét việc đề bạt từ tổ chức này sang tổ chức khác và từ cấp này sang cấp khác trong một tổ chức, trong đó việc đề bạt dựa trên sự chọn lựa. Đối với các công chức cấp dưới việc đề bạt theo thâm niên công tác và kèm theo là các đặc quyền, đặc lợi. Các ứng cử viên được chọn sẽ qua một khóa đào tạo ngắn hạn trước khi đề bạt.

Học viện đào tạo văn phòng và quản lý được thành lập năm 1948 với ý tưởng “Nền công vụ tốt và hiệu quả” có nhiệm vụ đào tạo các cấp bậc quản lý văn phòng khác nhau trong Chính phủ. Mục tiêu của học viện: xây dựng, thiết kế và tổ chức các chương trình đào tạo cơ bản đầu vào cho công chức mới, và chương trình đào tạo chuyên ngành cho các cấp bậc văn phòng khác nhau cho đến quản lý bậc trung, để nâng cao năng lực chuyên môn thực hiện công việc hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn trong tương lai; đánh giá những nhu cầu đào tạo ở các cấp bậc khác nhau trong văn phòng cũng như các tổ chức liên quan và tổ chức các chương trình đào tạo theo nhu cầu của các cơ quan tổ chức; khuyến khích và bồi dưỡng những người tham gia đào tạo có cái nhìn tích cực và sáng tạo đối với công việc, có tinh thần đoàn kết và làm việc theo nhóm; tổ chức các chương trình đào tạo tại chỗ để hỗ trợ nền hành chính của Chính quyền bang và lãnh thổ hợp nhất, giúp họ thiết kế các khóa đào tạo và chuẩn bị các tài liệu giảng dạy và cung cấp các thiết bị và giáo trình, tài liệu giảng dạy, (bao gồm cả thiết bị nghe nhìn) liên quan tới các khóa đào tạo do Học viện thiết kế.

Học viện đào tạo văn phòng và quản lý là một trong những học viện đào tạo hàng đầu của Ấn Độ chịu trách nhiệm đào tạo công chức cho chính quyền trung ương và địa phương, các cơ quan kinh doanh và các tổ chức độc lập thuộc khu vực công trong các lĩnh vực chuyên ngành. Giám đốc Học viện là một quan chức có cấp bậc Bộ trưởng trong Chính phủ Ấn Độ. Năm 1997 sau khi được công nhận là Học viện đào tạo của Chính phủ thực hiện việc Quản lý theo chất lượng, Học viện đã xây dựng bản tầm nhìn và nhiệm vụ xác định các tiến trình chính yếu và các mục tiêu khung đưa Học viện tiến tới ý tưởng “Nền công vụ tốt và hiệu quả”.

Phòng, chống tham nhũng và Chính phủ điện tử.

Ban Phòng chống tham nhũng trung ương là cơ quan chống tham nhũng cao nhất đất nước, hoàn toàn độc lập với các cơ quan hành pháp khác, theo dõi tất cả các hoạt động phòng chống tham nhũng của chính quyền Trung ương và tư vấn việc thực hiện các quyền

hạn khác nhau của các cơ quan chính quyền Trung ương trong việc lập kế hoạch, điều hành, xem xét và cải cách việc phòng chống tham nhũng. Ban Phòng chống tham nhũng trung ương bao gồm Chủ tịch - Trưởng ban và không quá hai Phó Trưởng ban. Vị trí hiện nay của Ban Phòng chống tham nhũng trung ương do Thượng nghị viện và Hạ nghị viện thông qua năm 2003 trong Dự luật Ban Phòng chống tham nhũng trung ương và được Tổng thống phê chuẩn thành Luật Ban Phòng chống tham nhũng trung ương năm 2003. Ngoài ra, theo Nghị quyết về tố cáo lạm dụng lợi ích công và bảo vệ người khai báo được ban hành tháng 4/2004, Chính phủ Ấn Độ đã ủy quyền cho Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương với tư cách là “Cơ quan được chỉ định” nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về bất kỳ sự tham nhũng nào hay làm trái qui định của cơ quan và khuyến nghị biện pháp phù hợp.

Quyền hạn và chức năng của Ban Phòng chống trung ương bao gồm: giám sát toàn bộ việc thực hiện chức năng của đơn vị cảnh sát đặc biệt Delhi để điều tra theo Luật Chống tham nhũng năm 1988 hoặc vi phạm đạo đức công chức và hướng dẫn đơn vị Cảnh sát đặc biệt Delhi thực hiện sa thải; xem xét tiến trình điều tra của đơn vị cảnh sát đặc biệt Delhi có sự vi phạm nào theo qui định của Luật Chống tham nhũng; tiến hành thẩm tra, tìm lý do thẩm tra hay điều tra các hoạt động quản lý kinh doanh mà công chức thực hiện trong bất kỳ tổ chức nào có sự quản lý của Chính phủ Ấn Độ, có dấu hiệu hoặc bị nghi ngờ là tham nhũng hay sử dụng sai mục đích; đề nghị độc lập và tư vấn không thiên vị đối với việc kỷ luật và quyền hạn trong các trường hợp kỷ luật liên quan đến khía cạnh phòng chống tham nhũng ở tất cả các cấp độ và giai đoạn như điều tra, thẩm tra, thỉnh cầu, xem xét.v.v…; tiến hành kiểm tra và giám sát việc phòng chống tham nhũng ở các bộ, ngành của Chính phủ Ấn Độ và các tổ chức khác nằm dưới sự điều hành của chính quyền liên bang; chủ tọa Ban lựa chọn giám đốc, giám đốc bắt buộc và các quan chức lãnh đạo khác và tìm lý do thẩm tra những đơn thư khiếu nại tố cáo và khuyến nghị những biện pháp phù hợp.

Tổ chức chống tham nhũng của cơ quan điều tra trung ương thuộc Bộ Nhân sự, Khiếu nại và Trợ cấp công, đã giải quyết những trường hợp khiếu nại đối với các Bộ trưởng của Chính phủ, các quan chức thuộc khu vực dịch vụ công, các quan chức của Ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính.v.v… Các điều tra của cơ quan chống tham nhũng đã có tác động lớn đến đời sống chính trị - kinh tế của đất nước, góp phần làm trong sạch đội ngũ công chức và xây dựng một nền hành chính hiệu lực và hiệu quả.

Ấn Độ là một trong những nước phát triển về công nghệ thông tin và kỹ thuật phần mềm và là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu phần mềm. Chính phủ Ấn Độ rất coi trọng đầu tư công nghệ phần mềm và áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành đất nước. Chất lượng thông tin và hiệu quả thông tin đã hỗ trợ quản lý và phát triển nguồn nhân lực. Công nghệ thông tin cũng tạo điều kiện cho các công chức tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân.

Chính phủ điện tử cung cấp các thông tin về các chính sách, chương trình, ngân sách, các luật và qui định, và các văn bản khác về quyền lợi của người dân. Chính phủ Ấn Độ coi trọng những khuyến nghị và phản hồi của người dân thông qua các trang điện tử về những vấn đề đặc biệt và cụ thể. Chính phủ Ấn Độ khuyến khích người dân tham gia thảo luận chính sách thông qua cơ chế tư vấn điện tử nhằm tạo điều kiện cho công dân lựa chọn các chủ đề chính sách công và có thể thảo luận trực tuyến trong những thời điểm nhất định với sự hỗ trợ của các phương tiện nghe nhìn./.

Các tài liệu tham khảo:

1. Tài liệu của phòng Hành chính công và Quản lý phát triển thuộc Vụ Kinh tế và những vấn đề Xã hội - Liên Hợp Quốc, 2007.

2. Tài liệu của Cục lưu trữ Liên bang Ấn Độ, 2007. 3. Sách Sự thật Thế giới của Ấn Độ, 2006.

4. Sách Văn hóa và Di sản của Ấn Độ, 2005. 5. Tài liệu Chính phủ và Quốc hội Ấn Độ, 2007

6. Tài liệu của UESCAP về chính quyền địa phương của các nước khu vực châu á - Thái Bình Dương.

7. Tài liệu của Ban công vụ Liên bang, Bộ Nhân sự, Trung tâm hội nhập toàn cầu, dịch vụ công Ấn Độ, Học viện đào tạo văn phòng và quản lý, Ban Phòng chống tham nhũng Trung ương và Báo cáo khu vực công của Thế giới. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 59 - 63)