GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN Ở CƠ SỞ

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 56 - 58)

I. Thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN Ở CƠ SỞ

ĐỘI NGŨ ĐẢNG VIÊN Ở CƠ SỞ

THS. NGUYỄN VĂN HUY

Học viện Chính trị quân sự

ội ngũ đảng viên ở cơ sở là lực lượng cơ bản, nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục và giúp đỡ quần chúng nhận thức và thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, đội ngũ này đã và đang phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; tích cực chủ động sáng tạo, hăng hái cùng toàn dân thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Số đông đảng viên giữ vững được phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng; có lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, lành mạnh và gắn bó mật thiết với nhân dân lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Song bên cạnh đó, đội ngũ đảng viên ở cơ sở còn có những hạn chế và thiếu sót nhất định. Trong đó, một bộ phận đảng viên còn mắc căn bệnh hành chính, giấy tờ, sách vở xa rời thực tiễn; thiếu sâu sát trong chỉ đạo, bám nắm cơ sở… “Tình trạng nói nhiều, làm ít, làm không đến nơi đến chốn hoặc không làm còn diễn ra ở nhiều nơi,…Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt, yếu kém về phẩm chất và năng lực, vừa thiếu tính tiền phong gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ”(1).

Đ

Những hạn chế trên đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của đảng ở cơ sở. Để khắc phục những yếu kém, hạn chế đó các cấp uỷ đảng phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp để hướng cho đảng viên có “… óc suy nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi miệng nói tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh, họ phải thật thà nhúng tay vào việc”(2). Trước hết cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

1. Nâng cao phẩm chất chính trị cho đội ngũ đảng viên ở cơ sở, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với Đảng và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tin tưởng vào khả năng tất thắng của chủ nghĩa xã hội và ra sức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới hiện nay.

Bồi dưỡng nâng cao hơn nữa cho đội ngũ đảng viên về bản lĩnh chính trị luôn vững vàng lập trường quan điểm của giai cấp công nhân, không hoang mang dao động, suy giảm niềm tin trước âm mưu phá hoại của các thế lực phản động; trung thành tuyệt đối và ra sức bảo vệ, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời hiểu sâu sắc và thực hiện tốt hơn đường lối đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.

2. Nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng cho đội ngũ đảng viên ở cơ sở, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức giữ gìn đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Bồi dưỡng, xây dựng lối sống trung thực, lời nói đi đôi với việc làm; dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật; không giấu giếm khuyết điểm; luôn sống lành mạnh, sống bằng sức lao động của chính bản thân mình; đồng thời quan tâm giúp đỡ người khác, không ích kỷ, thực dụng, chạy theo đồng tiền; không tham nhũng, buôn lậu, không xâm phạm tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Luôn biết đặt lợi ích của Đảng và Nhà nước, nhân dân lao động lên trên lợi ích riêng của cá nhân, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ, gương mẫu hoàn thành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bồi dưỡng, nâng cao cho đội ngũ đảng viên đức tính luôn quan tâm, chăm lo thiết thực đến đời sống của quần chúng lao động, thực sự gần gũi nhân dân, hiểu biết nguyện vọng chính đáng của nhân dân, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của nhân dân; phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình, góp ý và thường xuyên tự phê bình, hoà mình vào quần chúng. Đây chính là nội dung quan trọng nhằm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở hiện nay.

3. Nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ đảng viên ở cơ sở theo hướng toàn diện, đồng bộ. Trước hết cần tập trung bồi dưỡng, nâng cao sự nhạy bén, nắm chắc tình hình; khả năng tư duy nhanh và khoa học; phân tích đúng và kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; nhanh chóng đề ra các giải pháp, giải quyết có chất lượng và hiệu quả mọi vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống. Thước đo cơ bản và chủ yếu là chất lượng, hiệu quả hoàn thành công việc được giao. Đồng thời, cần nâng cao năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho đội ngũ đảng viên. Bởi vì, chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn một cách tích cực sáng tạo mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển phẩm chất, nhân cách, đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ của người đảng viên.

Để góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ đảng viên ở cơ sở, cần tập trung và thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Đối với hệ thống cấp ủy đảng phải coi đây là thước đo căn bản nhất của người cán bộ ở cơ sở; là phương hướng chủ đạo trong đào tạo, sử dụng và đánh giá cán bộ. Do vậy, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ đảng viên ở cơ sở, trước hết phải nâng cao nhận thức về vai trò năng lực thực tiễn của đội ngũ đảng viên trong quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, quan điểm của Đảng. Họ thực sự phải là “linh hồn”, là “đại biểu của Đảng” ở cơ sở, nếu

không thấu suốt vấn đề này đội ngũ đảng viên sẽ không tránh khỏi giáo điều, duy ý chí, lý thuyết suông…

Hai là, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện đảng viên theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành sinh hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận cũng lãnh đạo thực hành”(3). Qua đó kiểm tra trình độ, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn của người đảng viên, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, đề ra biện pháp cụ thể nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác. Quá trình bồi dưỡng rèn luyện đảng viên cần phải thực hiện theo phương châm yếu cái gì, thiếu cái gì thì rèn luyện cái đó. Đồng thời, coi trọng tất cả các khâu, các bước của quá trình bồi dưỡng, rèn luyện theo cương vị, chức trách của người đảng viên ở cơ sở; động viên, khích lệ từng đảng viên ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn có chí tiến thủ, cầu thị, cầu tiến bộ, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, chủ động, tích cực, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; bám sát thực tiễn cuộc sống, quan hệ mật thiết với quần chúng lao động để thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng và tổ chức họ thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác quản lý đảng viên. Một trong những biện pháp quản lý là tạo điều kiện để đảng viên rèn luyện trong thực tiễn, giao nhiệm vụ cụ thể, đồng thời có cơ chế, chính sách đãi ngộ, sử dụng phù hợp. Đặc biệt những nhiệm vụ đặc thù, khó khăn đòi hỏi cao sự cống hiến về thể chất và tinh thần như chăm lo ổn định nơi ăn, ở, làm việc; kịp thời khen thưởng những đảng viên có thành tích tốt trong lao động, công tác và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những người vi phạm kỷ luật, để kích thích sự tự quản lý của họ trong thực tiễn...Qua đó động viên cán bộ, đảng viên đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Ghi chú:

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr.66 (2), (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, H. 1995, tr. 699, 77.

Một phần của tài liệu Tài liệu TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 2 NĂM 2009 docx (Trang 56 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(63 trang)
w