2. Kiến nghị với nhà nước và các ngân hàng
2.2 Về phía các ngân hàng
- Các tổ chức tín dụng phải chủ động tiếp cận với các DNNVV trong
quan hệ vay vốn, đảm bảo đủ vốn cần thiết cho các doanh nghiệp vay khi có các
dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho DNNVV về các thủ tục vay vốn trong phạm vi cơ chế tín dụng được phép. Để tháo gỡ vấn đề thế chấp, các ngân hàng nên chấp nhận cho DNNVV vay vốn nếu dự án khả thi với điều kiện doanh nghiệp phải có 50% tài sản thế chấp; 50% còn lại sẽ là vốn của ngân hàng. Trường hợp các DN chưa đủ 50% vốn vay mà dự án có triển vọng thì hiệp hội sẽ “rót” vốn tham gia đầu tư cho đủ yêu cầu để hỗ trợ DN vay được vốn.
- Các ngân hàng đào tạo một đội ngũ cán bộ cho vay vốn hiểu được đặc điểm tình hình của DNNVV, đồng thời ban lãnh đạo ngân hàng cũng phải có chính sách ưu tiên đối với DNNVV trong vay vốn, coi đây là dịch vụ tài chính cần thiết.
- Các ngân hàng cần đổi mới phương thức kinh doanh, tích cực hơn trong việc tìm kiếm khả năng cho vay, tăng cường đội ngũ cán bộ đi sát cơ sở, xây dựng và tổ chức tốt mạng lưới thông tin doanh nghiệp, bình đẳng hơn trong quan hệ tín dụng giữa các loại hình doanh nghiệp, đổi mới cơ cấu đầu tư và nâng cao tỷ trọng cho vay DNNVV.
Về phía các doanh nghiệp cũng cần phải có nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng lực, chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Các DNNVV phát triển theo cân đối nguồn vốn tự có và vay ngân hàng ở mức hợp lý để hoạt động sản xuất kinh
doanh, không dựa hoàn toàn hoặc chủ yếu vào vốn vay thương mại ngân hàng. Phải coi vốn vay ngân hàng là vốn vay bổ sung, cần thiết khi các điều kiện tính toán đã được xác lập trong quá trình đầu tư. Các DNNVV cần không ngừng đổi mới công nghệ, nắm bắt thông tin, chú trọng các sản phẩm hàng hoá làm ra phải có tính cạnh tranh cao và có thị trường tiêu thụ. Vay vốn ngân hàng phải được đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng. Phối hợp với các ngân hàng tuân thủ nghiêm ngặt các chế tài về tín dụng trước, trong và sau khi vay vốn. Doanh nghiệp nhỏ muốn vay vốn thành công cần phải thuyết phục được ngân hàng về mặt hiệu quả của phương án một cách rõ ràng và đầy đủ các yếu tố như lợi nhuận, chi phí, doanh thu, kế hoạch trả nợ… Các ngân hàng cũng cần hướng dẫn tận tình các DN về cách thức chuẩn bị các giấy tờ cần thiết đi kèm với bộ hồ sơ vay vốn; hồ sơ thực hiện dự án. Rút ngắn khoảng cách giữa ngân hàng và DN nhiều khi xuất phát từ những nỗ lực cụ thể, rất nhỏ…
Trên đây là một số những giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý chiến lược tại các DNNVV Việt Nam. Với sự dẻo dai, linh hoạt, tinh thần ham học hỏi và sự khao khát thành công, DNNVV Việt Nam không những sẽ vượt qua những thử thách và khó khăn hiện tại mà còn phát triển và thành công hơn nữa cả ở thị trường trong nước và trên trường quốc tế.
Kết luận
Tại Việt Nam, DNNVV mặc dù chưa được xem là “xương sống” của nền kinh tế nhưng kết quả đem lại trong những năm vừa qua, có thể khẳng định loại hình doanh nghiệp này giữ một vị trí vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn nhiều hạn chế và yếu kém về tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, kinh nghiệm thương trường, khả năng tiếp cận các nguồn lực đầu tư và đặc biệt là những yếu kém trong công tác quản lý chiến lược. Thiết nghĩ để vực dậy qua những khó khăn và thử thách này, trước hết, người phải cố gắng không ai khác mà phải là chính bản thân các doanh nghiệp. Chính họ phải khắc phục những yếu kém của bản thân mình, nhất là trong công tác chiến lược. Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, chiến lược lại đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Có chiến lược họ mới có thể duy trì, phát triển lâu dài và thể hiện được vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế nước nhà.