1. Đối với doanh nghiệp
1.1. Về nguồn nhân lực
Vấn đề đầu tiên và cấp thiết nhất cần được giải quyết tại các DNNVV Việt Nam đó là đào tạo. Đào tạo ở đây không chỉ dành riêng cho việc nâng cao trình độ cho các nhân viên mà còn là việc bổ sung kiến thức về kinh tế nói chung và về công tác quản lý chiến lược nói riêng đối với các chủ doanh nghiệp. Nói cách khác, không chỉ các công nhân viên phải học mà các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo cũng phải học. Tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong đó có DNVVN bằng cách nâng cao năng lực lảnh đạo của các chủ DN là yếu tố thiết yếu. Hai yếu tố thiết yếu hình thành năng lực tổng hợp của một doanh nhân đó là tố chất nghiệp chủ và năng lực quản lý. Tuy nhiên, ở nước ta trong nhiều trường hợp, một doanh nhân có được yếu tố thứ nhất lại thiếu yếu tố thứ hai; hoặc phát triển các yếu tố đó không đồng đều, không theo kịp sự phát triển nhanh chóng và sự đòi hỏi khắc nghiệt của hoạt động kinh doanh với mức độ cạnh tranh quốc tế hoá ngày càng cao. Để phát triển các năng lực nói trên, cần có sự nỗ lực của bản thân DN và sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức hữu quan; nhưng sự chủ động, tích cực phấn đấu của bản thân mỗi giám đốc và nhà kinh doanh phải là nhân tố quyết định. Doanh nhân cần được chú trọng nâng cao những kỹ năng cần thiết và cập nhật những kiến thức hiện đại để đủ sức bước vào nền kinh tế tri thức. Một số kiến thức và kỹ năng có thể đã có nhưng cần được hệ thống hoá và cập nhật, trong đó, cần đặc biệt chú ý những kỹ năng hữu ích như: Kỹ năng quản trị hiệu quả trong môi trường cạnh tranh; kỹ năng lãnh đạo của nghiệp chủ và
giám đốc DN; kỹ năng quản lý sự thay đổi; kỹ năng thuyết trình, đàm phán, giao tiếp và quan hệ công chúng; kỹ năng quản lý thời gian. Những kỹ năng này kết hợp với các kiến thức quản trị có hiệu quả sẽ có tác động quyết định đối với các doanh nhân, các nghiệp chủ và các nhà quản lý DN trong đó có DNVVN, qua đó làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN. Tiếp đó, các doanh nghiệp cần phát triển năng lực quản lý chiến lược của cán bộ quản lý. Sự yếu kém về tầm nhìn
chiến lược trong phát triển kinh doanh là một trong những nguyên nhân của sự thất bại trong phát triển dài hạn. Có DN hoạt động rất thành công ở quy mô nhỏ nhưng thất bại ngay khi bước vào giai đoạn mở rộng quy mô. Các DNVVN đều phải xây dựng khả năng phát triển một cách bền vững, nếu không sẽ khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh. Những trường hợp DN phát triển rầm rộ trong một vài năm, sau đó suy yếu nhanh, thậm chí tan vỡ là các minh chứng. Để bồi dưỡng, phát triển năng lực quản lý chiến lược và tư duy chiến lược cho đội ngũ giám đốc và cán bộ kinh doanh trong các DNVVN, cần chú trọng đặc biệt những kỹ năng: Phân tích kinh doanh, dự đoán và định hướng chiến lược, lý thuyết và quản trị chiến lược, quản trị rủi ro và tính nhạy cảm trong quản lý. Về mặt chiến lược cạnh tranh, các DN Việt Nam còn rất yếu về liên kết nhóm, đặc biệt là trên phạm vi quốc gia. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác, hợp tác để tăng cường khả năng cạnh tranh; nếu các DN chỉ thuần tuý chú ý đến mặt cạnh tranh mà bỏ qua mặt hợp tác thì rất sai lầm. Phải biết hợp tác đi đôi với cạnh tranh để giảm bớt căng thẳng và tăng cường năng lực cạnh tranh của DN [14]. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn cần được bồi dưỡng khả năng kinh doanh quốc tế từ đó nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc tế. Hiện nay, mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng
nếu so với trình độ quốc tế thì hầu hết cá c DNVVN Việt Nam còn tụt hậu một khoảng cách đáng kể. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thương trường quốc tế thì chính bản thân các giám đốc và cán bộ quản lý DN trước hết cần tăng cường khả năng đó. Đây là đòn bẩy nhân tố con người trong các tổ chức kinh doanh. Điều này các doanh nhân và nhà quản lý trong các DNVVN có thể thực hiện được (bằng chứng là đã có những doanh nhân Việt
Nam thành công trên thương trường quốc tế). Tuy nhiên, con số này còn quá ít và phát triển còn mang tính tự phát. Đã đến lúc ở cấp vĩ mô cần quan tâm có tính hệ thống nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Đối với giám đốc và nhà quản lý DN, để nâng cao khả năng làm việc và giao dịch quốc tế, tiếp cận các tiêu chuẩn, các thông lệ của thế giới thì cần chú trọng phát triển những kiến thức, kỹ năng chủ yếu như:
- Năng lực về ngoại ngữ (mặc dù có thể sử dụng người phiên dịch nhưng cần có ngoại ngữ tối thiểu và nên hạn chế sự phụ thuộc hoàn toàn vào phiên dịch). Đây có lẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất đối với các DN ở nước ta, đặc biệt là các DNVVN.
- Kiến thức cơ bản về văn hoá, xã hội, lịch sử trong kinh doanh quốc tế. - Giao tiếp quốc tế và xử lý sự khác biệt về văn hoá trong kinh doanh. - Thông lệ quốc tế trong lĩnh vực /ngành kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chất lượng nhân viên có vai trò cốt yếu quyết định sự thành công trong kinh doanh. Chính nhân tố con người tạo ra năng suất và hiệu quả làm việc khiến cho chất lượng hoạt động của cả doanh nghiệp được nâng cao. Hơn nữa, “những người được tuyển vào làm việc” trong một doanh nghiệp, hay bất kỳ một tổ chức nào sẽ tạo ra văn hóa kinh doanh, cái có thể làm bật lên vị thế và sự khác biệt của một doanh nghiệp nào đó so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, các DNNVV Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc giữ chân người tài ở lại. Việc giữ chân nhân viên giỏi cũng là một chiến lược. Để khắc phục điều này, DNNCV cần nỗ lực thực hiện tốt cả bốn khâu
khích lệ và duy trì nhân sự, thu hút và tuyển dụng nhân sự, bổ nhiệm và sử dụng nhân sự, huấn luyện và phát triển nhân sự. Đối với công tác tuyển dụng nhân sự,
danh tiếng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng thu hút người giỏi bên ngoài đồng thời giữ người giỏi bên trong. Vì vậy, để thu hút được nhân tài trước hết các
Doanh nghiệp cần phải tạo cho mình một hình ảnh đẹp cho đơn vị của mình. Mặt khác, điều kiện tiên quyết để có được một đội ngũ nhân sự có chất lượng là các cấp nhân viên và lãnh đạo trong công ty phải được tuyển dụng và phát triển theo những tiêu chí khả thi đã đặt ra, nghĩa là phải được gắn liền với chiến lược tổng thể dài hạn của doanh nghiệp. Trong việc bổ nhiệm và tuyển dụng nhân sự, đa phần doanh nghiệp đợi đến khi nhân viên nộp đơn xin nghỉ, mới tìm cách "níu chân", trong khi việc giữ người đúng phải bắt đầu ngay từ lúc nhân viên mới "bước vào cửa", doanh nghiệp phải hướng dẫn cho nhân viên mới hội nhập nhanh chóng. Trong quá trình cộng tác, doanh nghiệp luôn minh bạch, nhất quán trong chính sách nhân sự, công bằng trong đánh giá năng lực, tạo cơ hội phát triển như nhau, công việc thu hút và quan hệ làm việc tích cực. Để sử dụng nguồn nhân sự hữu hiệu, thì người quản lý cần phải đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên, từ đó có chính sách phân công, phân nhiệm hợp lý. Về công tác huấn luyện và phát triển nhân sự: bất cứ một nhân viên nào khi được tuyển dụng vào một công ty, cũng đặt ra câu hỏi là "mình có thể phát triển nghề nghiệp tại công ty này hay không?". Hiện nay, đa số các Doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ sử dụng nhân lực chứ chưa có chính sách đào tạo cho nhân viên của mình. Vì vậy, các doanh nghiệp sau khi tuyển dụng được nhân viên giỏi và sử dụng họ thì cần phải có chính sách đào tạo nhằm giúp họ phát triển khả năng trong tương lai, với chính sách hỗ trợ đào tạo thỏa đáng thì thiết nghĩ không có nhân viên nào lại có thể bỏ công ty ra đi được. Cuối cùng, để khích lệ và duy trì nhân sự, doanh nghiệp Cần xây dựng một quy chế lương thưởng hợp lý, đúng đối tượng. Đừng bao giờ để cho nhân viên của mình cảm thấy rằng có sự không công bằng giữa các nhân viên, có sự đăi ngộ chưa tương xứng với công sức của họ đóng góp cho công ty. Ngoài ra, các Doanh nghiệp cần phải phân loại hai nguồn nhân lực chính yếu: nhóm nhân sự nòng cốt và nhóm nhân sự bổ sung tạm thời. Để từ đó có chính sách duy trì và phát triển nguồn nhân lực nòng cốt này. Khi thực hiện bốn khâu trên tốt, với sự hỗ trợ và đồng lòng của nhân viên các cấp cùng hướng về mục tiêu chung, trong mối liên hệ hài hòa giữa nhân viên và ban
giám đốc trong công ty thì bài toán về nhân sự hầu như đã được giải quyết thỏa đáng: năng suất lao động gia tăng, các chỉ tiêu được thực hiện, kỹ năng cần thiết được đào tạo hợp thời và hợp lý, nhân viên được khích lệ và tưởng thưởng tương xứng, nhiệt tình và lòng trung thành của nhân viên đối với công ty cao…giúp doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn.