2. Sự cần thiết và thực trạng QLCL tại các DNVVN Việt Nam
2.1 Sự cần thiết phải QLCL tại DNVVN Việt Nam
Một trong những lý do then chốt khiến các doanh nghiệp Việt Nam nói chung duy trì tính ì và trì trệ trong một thời gian dài có lẽ là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp – cơ chế mà Việt Nam đã áp dụng trong một thời kỳ khá dài. Dưới cơ chế đó, các doanh nghiệp phải hoạt động theo các chỉ thị, những kế hoạch từ cấp trên chứ không phải do nhu cầu thị trường. Các chỉ tiêu do nhà nước đặt ra, các doanh nghiệp chỉ nhận vốn, nguyên vật liệu,…sau đó tiến hành sản xuất, việc tiêu thụ đầu ra cũng do nhà nước thực hiện. Chính cơ chế này đã làm thui chột tính sáng tạo và linh hoạt của các doanh nghiệp, gây ra hiện tượng khan hiếm trong sự dư thừa. Hoạt động với những điều kiện như vậy, doanh nghiệp không phải lo lắng về các đối thủ cạnh tranh, không cần biết thị hiếu của khách hàng, không cần biết họ nghĩ gì về sản phẩm của mình. Cũng do vậy, doanh nghiệp không quan tâm đến chiến lược cũng như quản lý chiến lược.
Tuy nhiên, qua nhiều sự thay đổi và biến cố của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế nước nhà nói riêng, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tư tưởng đổi mới, tự lực cánh sinh, đặc biệt là các DNVVN trong đó chủ yếu là công ty Tư nhân, công ty Trách nhiệm hữu hạn, công ty Cổ phần,…Thương trường là chiến trường. Doanh nghiệp tự hiểu rằng, trong sự cạnh tranh gay gắt này, họ không thể tồn tại nếu không có nỗ lực và hướng đi cho riêng mình.
Hơn nữa, khi Việt Nam đã gia nhập WTO, khi thị trường đã thật sự mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Đối thủ cạnh tranh lúc này không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn là các doanh nghiệp nước ngoài. DNVVN Việt Nam phải nhận thức được rằng các doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn và có nhiều lợi thế hơn về cả vốn đầu tư, các mối quan hệ, giá cả và chất lượng sản phẩm. WTO mang lại cho DNVVN Việt Nam những thuận lợi chưa từng có, nhưng đi kèm với đó là những thử thách không hề nhỏ [13].
Như đã đề cập ở trên, cuộc khủng hoảng kinh tế mà cả thế giới đang phải trải qua cũng đã giết chết không biết bao nhiêu DNVVN Việt Nam. Họ đã khó khăn lại càng khó khăn về mặt tín dụng, mạng lưới nhà phân phối và khách hàng, … Đứng trước những khó khăn đó, DNVVN Việt Nam phải phát huy khả năng sáng tạo và sự linh hoạt của mình, tự tìm ra cho mình hướng đi và con đường đúng đắn. Và để tìm ra con đường đó, Chiến lược và Quản lý chiến lược là một công cụ vô cũng hữư hiệu và có thể nói là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Một bản chiến lược kỹ lưỡng chuẩn bị cho sự chuyển mình của doanh nghiệp trong những năm tới đây là không thể thiếu.