Trường phái triết học VEDANTA:

Một phần của tài liệu Sự khác nhau trong giải thoát luận của triết học ấn độ cổ trung đại (Trang 41 - 44)

Vedanta có nghĩa là kết thúc, hoàn tất kinh Veda. Nó được coi như là sự tiếp nối giai đoạn cuối cùng của Veda. Trường phái triết học Vedanta đã phát huy những tư tưởng triết học trong Upanishadd. Kinh chủ yếu của Vedanta là Vedanta-Sutra được coi là của Badarayana. Nhưng cho đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa có tiểu sử của người này. Các nhà nghiên cứu triết học Ấn Độ chỉ biết nó được xếp là đối lập với Samkhya, như thế rất có thể Vedanta ra đời từ thế kỷ VII tcn.

Đối lập với các hệ thống triết lý tìm kiếm con đường giải thoát bằng nghi thức tế tự theo quy tắc, luật lệ, đạo pháp trong kinh Veda, Vedanta chủ trương đi vào phát triển con đường trí tuệ của Veda để đạt tới giác ngộ và sự giải thoát.

Vì nội dung của Upanishadd không thống nhất, nên trước hết Vedanta là sự hệ thống hoá, thống nhất các quan điểm triết học chứa đựng trong Upanishadd. Điều này được thể hiện rõ trong kinh Vedanta-Sutra (còn gọi là Brahmanna-Sutra). Nói chung, có thể chia thành hai thuyết chính là thuyết nhất nguyên (Vedanta-Advaita) và thuyết không nhị nguyên có phân lập (Visistadvaita).

Tư tưởng chủ yếu của Upanishadd mà Vedanta lấy làm cơ sở cho học thuyết của mình là tư tưởng cho rằng, bản chất sâu xa của mọi sự vật, hiện tượng tồn tại và từ đó nảy sinh ra và hoà nhập về với nó khi tiêu tan, là tinh

thần vũ trụ tối cao Brahman. Brahman là thực thể duy nhất, tuyệt đối, bất diệt, vĩnh hằng, là nguồn sống và bản thể của vũ trụ. Linh hồn cá nhân chỉ là hiện thân của Brahman trong mỗi thể xác của con người. Xét về bản chất, Brahman và linh hồn Atman chỉ là một. Giải thoát chính là dưt bỏ mọi sự ràng buộc của thể xác, nhục dục đối với linh hồn, đưa linh hồn bất tử này trở về với linh hồn vũ trụ tuyệt đối tối cao (Brahman).

Thuyết nhất nguyên Vedanta-Advaita cho rằng, trên thế giới không có thực tại nào ngoài bản chất tinh thần tối cao duy nhất, vĩnh cửu, dị dạng nhưng đồng tính là Brahman. Brahman là thực thể tinh thần thuần túy thực hữu, thực tại bản chất nhất, phổ quát nhất, duy nhất, tuyệt đối, vĩnh viễn và bất diệt, không bị phân chia. Mặc dầu bề ngoài sự vật, hiện tượng vô cùng, vô tận và đa dạng, phong phú và luôn ở trong quá trình biến hoá sinh diệt, nhưng thật ra chỉ là ảo tưởng (maya) do vô minh (avidya) của ta tạo nên, thật ra nó chỉ là sự thể hiện dưới các dạng khác nhau của một thực thể tuyệt đối, duy nhất, bất biến và tối cao Brahman mà thôi.

Bản chất của sự giải thoát theo hệ thống triết học của Vedanta là phải nhận thức được bản thể tối cao này, đạt được sự hoà nhập với bản thể tối cao ấy. Nhưng muốn đạt đến bản thể tối cao con người không thể nhận thức được bằng cảm giác hoặc tri năng và quá trình suy luận lôgíc mà phải dùng phép nội tỉnh và nhận thức trực giác. Vì ngũ quan và tri năng của ta bị mê muội, nhầm tưởng bởi thế giới hiện tượng hữu hình, hữu hạn, thường biến nên không thể thấy rõ cái linh hồn duy nhất, bất diệt đằng sau những linh hồn cá thể. Thực chất, linh hồn không phải là một thực thể riêng lẻ của ta, do ta, mặc dù nó tồn tại trong thân xác con người mà chúng chỉ là sự thể hiện của linh hồn vũ trụ tối cao trong mỗi chúng sinh thôi.

Theo Shamkara có hai cái ngã và hai thế giới. Cả hai cái ngã "tiểu ngã" và "đại ngã", xét về bản chất, chân tướng chỉ là một. Nhưng tiểu ngã gắn bó thể hiện trong mỗi thân xác chúng sinh nên bị che lấp bởi thế giới dục vọng, thế giới ảo tưởng vô thường. Hai thế giới, theo Samkara đó là thế giới hiện tượng và thế giới bản thể chân thực. Thế giới hiện tượng do Itvasha sáng tạo, điều khiển, hữu hạn, biến hoá trong thời gian và không gian theo luật Karma (nghiệp). Nếu hiểu biết Itvasha cũng như hiểu biết thế giới hiện tượng chỉ là bậc nhận thức hạ trí và tôn thờ Itvasha chỉ là tôn giáo, tín ngưỡng liên hệ với giác quan mà quần chúng tôn thờ. Đây không phải là chân lý tuyệt đối và không thể là cứu cánh cho sự giải thoát của con người. Mà phải vượt qua thế giới hiện tượng đó bằng nhận thức trực giác, "thực nghiệm tâm linh" để có sự

đồng nhất giữa linh hồn cá thể với linh hồn tối cao. Đạt được điều ấy là giải thoát con người khỏi thế giới ảo tưởng, mê hoặc, thoát khỏi nghiệp báo, luân hồ, vượt lên trên mọi quan niệm thiện và ác, sống và chết, sống hoà hợp, thanh thản, vô dục, an lạc, tự tại.

Cùng quan điểm và mục đích giải thoát như thuyết nhất nguyên, nhưng phái nhị nguyên của Vedanta lại xây dựng một cách thức giải thoát khác. Thuyết này do Ramanuja (1016-1091) sáng lập. Nếu như thuyết nhất nguyên chỉ thừa nhận duy nhất Brahman tồn tại, hiện hữu thì Ramanuja lại thừa nhận có ba thực thể tồn tại là Brahman, linh hồn cá thể (Atman) và thế giới vật chất.

Ba thực thể này trong sự liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Trong đó thực thể thấp nhất và thụ động phụ thuộc nhất là vật chất thể xác, còn thực thể tối cao nhất có vai trò sáng tạo và chi phối vũ trụ đó là linh hồn vũ trụ tối cao, tuyệt đối và bất diệt (Brahman). Còn linh hồn cá biệt Atman chỉ là sự biểu hiện của linh hồn tối cao trong thể xác của mỗi chúng ta mà thôi. Linh hồn cá biệt này bắt thể xác phải phục tùng nó. Cho nên linh hồn tối cao nhất thống trị cả thể xác lẫn linh hồn cá biệt và nếu không có linh hồn tối cao này thì cả linh hồn cá biệt, lẫn thế giới vạn vật chỉ có tồn tại một cách lạc lõng, cô độc và thiếu sinh khí ở dạng khả năng mà thôi.

Về giải thoát luận: Theo Ramanuja, linh hồn cá biệt là một bộ phận và cùng một thể với Braman. Nhưng linh hồn có tư duy ý tưởng để sinh ra ý thức, nhận thức chỉ huy hành vi, hành động của thể xác. Từ đó, ông cho rằng ý thức, hành vi cũng như hành vi có ý thức của con người đều phải nhân biết rõ bản chất, nguồn gốc của mình là thành tâm, thiện ý, tôn sùng, tu luyện, chiêm nghiệm nội tâm, kính yêu đấng sáng tạo Brahman. Tức con người phải nỗ lực để linh hồn của mình hoà nhập với Brahman. Đó là giải thoát linh hồn con người khỏi sự ràng buộc của thực thể thấp nhất - vật chất, của những ham muốn, dục vọng của thể xác con người. Đưa linh hồn con người về đồng nhất với linh hồn vũ trụ tối cao. Nhìn chung, tư tưởng triết lý của phái không nhị nguyên phân lập hướng con người vào quy y, vào "tín ngưỡng tâm" thờ hai thần nhất thể. Đó là Brahman (đấng sáng tạo, toàn năng) và Vishnu (bảo vệ, thuần nhất).

Nói tóm lại, các trường phái triết học chính thống như đã phân tích ở

trên, tuy họ có những chủ trương, mục đích và cách thức giải pháp khác nhau, nhưng quy lại chúng có những điểm chung sau:

Tất cả họ đều coi con đường giải thoát là con đường nối liền tiểu ngã tương đối đến đại ngã tuyết đối, bằng nhận thức trực giác của mình để nhận ra

bản chất chân thực của thực tại vũ trụ, của con người và của vạn vật, vượt qua thế giới hiện tượng hữu hình, hữu hạn, giả tưởng, ảo giác, để đưa linh hồn cá biệt đồng nhất với tinh thần thế giới vô ngã, tuyệt đối tối cao Brahman. Các trường phái triết lý này đều lấy sự tu luyện tri thức, "thực nghiệm tâm linh" và tu luyện hành động đạo đức, tâm lý, tỉnh tâm, thiền định, diệt dục vọng, xa lánh xã hội đương thời hay thế giới trần trục để làm mục đích đạt tới giác ngộ và sự giải thoát khỏi bể khổ. Do vậy, tư tưởng giải thoát trong các hệ thống triết học chính thống, chủ yếu đều tập trung vào lĩnh vực tinh thần, tâm lý, đạo đức, bác bỏ cuộc sống đương thời, phủ nhận mọi tham vọng, tiền tài vật chất và cả sự sinh tử của cuộc đời để hướng tới cuộc hoàn thiện hơn, vĩnh hằng và bất sinh bất diệt trong đời sống tâm linh của con người.

Tư tưởng giải thoát này đã trở thành lý tưởng sống, triết lý sống cho người dân Ấn Độ bị xã hội đè nén nghiệt ngã bởi chế độ phân biệt đẳng cấp.

Một phần của tài liệu Sự khác nhau trong giải thoát luận của triết học ấn độ cổ trung đại (Trang 41 - 44)