Một trong những đỉnh cao của tư tưởng giải thoát trong triết học-tôn giáo Ấn Độ cổ đại là triết lý giải thoát của Phật giáo. Đây là sự kế thừa, chắt lọc, dung hợp và hoàn thiện những mặt mạnh và cả những mặt yếu của tất cả
những quan điểm, mục đích, chủ trương, phương pháp giải thoát của các hệ thống triết học, tôn giáo đương thời để cố gắng vượt lên những tư tưởng của các trường phái này.
Người sáng lập ra Phật giáo là Thích Ca Mầu Ni, tên là Siddhattha (Tất Đạt Đa), họ Cù Đàm (Gautama), là con đầu của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), dòng họ Sakya, có kinh đô là thành Catìlavệ (Kapilavatha) ở phía Bắc Ấn Độ. Tất Đạt Đa sinh năm 563 tcn mất năm 483 tcn. Năm 29 tuổi, ông đã quyết định từ bỏ cuộc đời Vương giả để đi tu, tìm con đường "cứu độ chúng sinh". Sau bảy năm liền tu luyện, Thích Ca đã ngộ đạo và tìm ra con đường giải thoát con người khỏi những nổi khổ đè nặng trong đời sống xã hội Ấn Độ cổ-trung đại.
Tư tưởng triết học Phật giáo được thể hiện trong "Tam tạng". Kho kinh điển này gồm 500 cuốn, gồm ba bộ phận đó là: 1.Tạng kinh (Sutra pitaka) ghi đạo pháp của Phật dạy; 2.Tạng luật (Vinaya pitaka) gồm các giới luật của đạo Phật; 3.Tạng luận (Adhidharma pitaka) gồm các bài kinh luận giải, bình chú về giáo pháp của Phật và các học trò là cao tăng các thế hệ kế tiếp. Ngoài ra sự phát triển của Tiểu thừa và Đại thừa đã làm phong phú thêm những tư tưởng triết học sơ kỳ của Phật giáo. Nhưng tư tưởng cốt lõi cũng không nằm ngoài phạm vi những tư tưởng sơ kỳ, đặc biệt là quan điểm giải thoát luận của Phật giáo.
Khác với các tư tưởng giải thoát của thánh kinh Veda, Upanishadd, giáo lý Balamôn và các trường phái triết học đương thời thừa nhận sự tồn tại của một thực thể siêu nhiên tuyệt đối, tối cao, sáng tạo và chi phối toàn vũ trụ (Brahman), giáo lý Phật giáo cho rằng "vũ trụ này là vô thuỷ, vô chung, vạn vật trong thế giới này chỉ là những dòng biến hoá vô thường, vô định, không do một vị thần nào sáng tạo nên cả"[4; 164]. Theo triết lý nhà Phật, sở dĩ tất cả các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ (vạn pháp) luôn biến đổi không ngừng theo quá trình sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại không, là vì vạn pháp từ cái vô cùng nhỏ đến cái vô cùng lớn đều do "nhân duyên khởi". Nguyên lý "nhân duyên khởi", coi vạn vật trong vũ trụ đều có nguyên nhân tự thân, không do một đấng thần linh nào tạo ra cả. Nếu nhân duyên hội thì sự vật tạo ra. Nhân duyên hết thì sự vật không còn. "Nhân duyên" này quan hệ chặt chẽ với "nhân quả", nhân là nghiệp lực, quả là nghiệp lực đã thành hiện thực nhờ hội đủ duyên và cả hai duyên này là nguyên lý phổ biến tuyệt đối của mọi tồn tại. "Duyên" ở đây được hiểu là vừa là nguyên nhân sinh ra cái mới, vừa là kết quả của quá trình biến đổi trước đó. Nhân nhờ duyên mà thành quả, quả nhờ duyên mà thành nhân mới, nhân mới lại nhờ duyên mà thành quả mới... Quá trình này
cứ như thế nối tiếp nhau vô cùng, vô tận, và thế giới vạn vật, muôn loài cứ sinh sinh hoá hoá không ngừng. Sự biến hoá vận động không ngừng của vạn pháp do nhân duyên mà thành, Phật giáo gọi đây là "chư hành vô thường".
Triết lý Phật giáo quan niệm, do con người không thấy được nguồn gốc của sự biến hoá vô cùng, vô tận của vạn vật và cả chúng sinh là do lý nhân duyên. Cho nên, họ đã lầm tưởng rằng cái gì cũng thường định, tồn tại mãi mãi, cái gì cũng là của ta, do ta. Cho nên, con người cứ tham lam, dục vọng dẫn đến hành động chiếm đoạt để thoả mãn những dục vọng của mình, tạo nên những kết quả nghiệp báo (Karma), mắc vào bể khổ triền miên trong tam giới "vô thường", "vô ngã", trong sự luân hồi (Samsara).
Con đường giải thoát chúng sinh, tư tưởng giải thoát khổ đau không chỉ thể hiện qua lý "nhân duyên khởi", mà tập trung thể hiện trong "Tứ diệu đế" (Catvari Arya Satya), nhất là ở "thập nhị nhân duyên" (Dvadasanidânas) mà đặc biệt là "Bát chính đạo" (Âryâstangika mãrga). Ở đây, Phật giáo đã chỉ ra nguyên nhân biến đổi không ngừng của vũ trụ và thế gian, chỉ ra được nguồn gốc nỗi khổ của chúng sin. Từ đây vạch ra con đường, phương pháp để giải thoát chúng sinh ra khỏi nghiệp báo, luân hồi và nỗi khổ của cuộc đời, để đi đến cõi Niết bàn (Nirvana).
Triết lý nhà Phật hoàn toàn không thừa nhận thế giới quan thần quyền và cũng phủ định quan điểm về cái ngã cá nhân bất biến. Phật giáo không tán đồng với con đường và phương pháp tu luyện ép xác khổ hạnh để đạt tới giải thoát của đạo Jaina, coi đây là con đường làm suy giảm trí lực, khó có thể đạt tới minh giác. Phật giáo cũng phê phán chủ nghĩa “khoái lạc” vật chất của hệ thống triết học Lokayata, vì họ sa vào thế giới vật dục, đam mê theo đuổi cái ảo giác, làm mê tâm mờ tính, chậm trễ sự tiến bộ của tinh thần. Cả hai trường phái trên đều không thể dẫn đến trạng thái diệt ái dục, thanh khiết được. Mà chỉ có con đường cao thượng, đúng đắn nhất để đạt tới chính quả và giải thoát, là con đường trung đạo. Phật đã nói: "người xuất gia (Pabbajitena) có hai cực đoan (antã) cần tránh, một con đuờng thấp hèn chủ trương cuộc sống chỉ cần khoái lạc, một con đường cực nhọc vô ích chủ trương khổ hạnh ép xác. Con đường trung đạo thì ở giữa hai thái cực kia, có thể dẫn đến giác ngộ và giải thoát"[4; 167]. Giải thoát luận Phật giáo nhấn mạnh và nhắc nhở người tu hành không phải từ bỏ thế gian, mà cần phải tránh những điều thái quá hay những điều cực đoan mới đạt đến sự giác ngộ, thoát khỏi mọi khổ não của cuộc đời. Giải thoát luận Phật giáo được thể hiện rõ và tập trung nhất trong "Tứ diệu đế".
"Khổ thánh đế" (Dukkha Arya Satya): Xuất phát điểm trong tư tưởng giải thoát luận Phật giáo là từ nỗi khổ của cuộc sống con người. Đau khổ là một quá trình tồn tại. Đời là bể khổ "nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của bốn biển, vị mặn của máu và nước mắt của chúng sinh mặn hơn vị mặn của nước biển". Các nỗi khổ của con người được Đức Phật quy về bát khổ: Sinh là khổ; lão là khổ; bệnh là khổ; tử là khổ; ái biệt ly khổ; oán tăng hội khổ; sở cầu bất đắc khổ; thủ ngũ uẩn khổ.
Tập đế: Phật giáo quan niệm, nguyên nhân của đau khổ nằm trong trần
tục là vô minh, là dục vọng. "Thập nhị nhân duyên" là nguyên nhân cho cái tồn tại khổ kéo dài không ngừng và liên tục trong vòng quay vĩnh cửu. Mười hai nhân duyên ấy gồm: Duyên vô minh (Avidya), Duyên hành (Samskara), Duyên thức (Vijnâna), Duyên danh sắc (Mânarupa), Duyên lục nhập (Sandagatana), Duyên xúc (Sparaca), Duyên thụ (Védana), Duyên ái (Trisua), Duyên thủ (Upâdana), Duyên hữu (Bhava), Duyên sinh (Jati), Duyên lão tử (Jama mârana) đều là nguyên nhân gây khổ. Duyên "lão tử" vừa là kết quả cuối cùng của một quá trình, nhưng cũng là nguyên nhân của vòng luân hồi mới từ vô minh của cuộc đời khác. Mười hai nhân duyên này quan hệ ràng buộc lẫn nhau, vừa là nhân, vừa là quả của nhau, dẫn tới cay đắng của cuộc đời.
Diệt đế (Nirodha): Đức Phật nói rằng: "Đó là sự xa lánh trọn vẹn, là sự
tận diệt chính cái ái dục ấy. Đó là sự rời bỏ, sự khước từ, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục. Đó là chân lý cao thượng về sự diệt khổ"[4; 170], để đạt tới trạng thái Niết bàn. Niết bàn là trạng thái không tịnh, diệt trừ mọi danh sắc, cảm giác, ý thức, trạng thái diệt mọi ái dục, vô vi, thanh tịnh, là hoàn thiện, vĩnh hằng, và bất tử... "Niết bàn là ngừng định, ngừng hết tư tưởng vô và hữu, sắc và không"[4; 171]. Phật Thích Ca đã nói: "Con đường cao thượng là Bát chính đạo. Chân lý cao thượng nhất là Tứ Đế. Không luyến ái là trạng thái cao thượng nhất ..."[4; 173].
Đạo đế (Marga Satya): Đây chính là quan điểm về con đường, cách thức
hay phương pháp giải thoát của đạo Phật. Con đường trung đạo tiêu biểu là "Bát chính đạo". Tám con đường ấy chính là: 1. Hiểu biết, nhận thức đúng đắn nhất là "Tứ diệu đế" (chính kiến); 2. Suy nghĩ đúng và chân chính nhất là "Tứ diệu đế" (chính tư duy); 3. Hành động và làm việc chân chính (chính nghiệp); 4. Chỉ nói những điều hay, đúng và trung thực (chính ngữ); 5. Sống một cách trung thực, không tham lam vụ lợi (chính mệnh); 6. Cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập tu luyện và bỏ việc ác làm việc thiện (chính tịnh tiến); 7. Suy
nghĩ chính pháp, gạt mọi tà niệm (chính niệm); 8. Kiên định vào con đường chân chính để đạt đến giác ngộ (chính định).
Tám con đường này, triết lý Phật giáo quy về thực hiện ba nguyên tắc: Giới, Định, Huệ. Giới: giữ những điều kiêng kị để con người trở nên trong sạch, làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh. Định: làm cho thân, tâm tru, định, an lạc không bị tán loạn, không bị chi phối bởi hoàn cảnh. Định gồm có Chỉ và Quán. Nhờ chỉ mà mọi nghiệp dừng lại và ngưng động. Nhờ quán mà trí tuệ minh triết phát sinh. Huệ (Tuệ): nhờ định mà trí tuệ bát nhã phát sinh, lúc đó con người liền vượt qua bể khổ đạt đến bờ giải thoát (giác ngộ, niết bàn, quốc độ, tĩnh lặng ...).
Nói một cách khái quát, trong thuyết Tứ diệu đế, thì Khổ đế và Tập đế
trình bày về sự khổ và nguyên nhân của nỗi khổ. Đây là điểm xuất phát của tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo. Diệt đế là quan điểm của đạo Phật về mục đích và nhiệm vụ tối cao của sự giải thoát. Mục đích và nhiệm vụ này là xoá bỏ mọi vọng tưởng, thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới vật dục, diệt mọi ái dục nhằm đạt tới sự giác ngộ và cảch trí Niết bàn. Còn Đạo đế chính là con đường cách thức để dẫn tới sự giải thoát. Con đường và cách thức này chính là "Bát chính đạo".
Tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo đã thể hiện tính chất nhân bản rất sâu sắc. Nó không chỉ phủ nhận thế giới quan thần quyền và chủ nghĩa siêu nhiên đương thời mà còn lên án mọi sự bất công, khổ đau của xã hội do chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phân biệt đẳng cấp xã hội vô cùng trì trệ và lạc hậu, nghiệt ngã gây nên. Đức Phật quan tâm đến thân phận và đời sống của mỗi con người và chủ trương giải thoát cho tất cả chúng sinh khỏi những nỗi khổ của cuộc đời bằng tin tưởng vào đời sống đạo đức, từ, bi, hỉ, xả, bác ái và sức mạnh của trí tuệ, huệ giác của chính con người. Cho nên, đạo Phật thường nói Phật tại tâm và thường khuyên mọi người rằng không có chỗ dựa nào chắc chắn bằng chỗ dựa ở chính trong tâm mỗi người.
Giải thoát Phật giáo có một ý nghĩa thiết thực và giản dị. Nó trách phương pháp tu luyện có tính chất cực đoan, hay ép xác, khổ hạnh vô ích cùng thời. Nó chủ trương tu luyện toàn diện từ đời sống đạo đức, luân lý đến tâm linh, trí tuệ. Phật giáo đã tạo cho tư tưởng giải thoát trong đời sống triết học- tôn giáo Ấn Độ cổ đại một bước phát triển mới đầy sinh khí và có những ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội Ấn Độ lúc này. Đây là tiếng nói đại diện cho lòng khát vọng tự do tư tưởng và bình đẳng xã hội của nhân dân Ấn Độ cổ. Tuy vậy, do chưa giải thích đúng bản chất các hiện tượng xã hội và
chưa đặt ra được nguyên nhân đích thực của nỗi khổ con người, cho nên tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo chỉ dừng lại ở sự giải phóng về mặt đời sống tinh thần, đạo đức, tâm lý của con người.
Đối tượng giải thoát của đạo Phật là tất cả chúng sinh không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, nam, nữ, già, trẻ. Tất cả đều có thể giải thoát, có thể thành Phật. Bản thân Phật cũng không phải là vị thánh mà là một con người đã giải thoát, đã giác ngộ. Do đó, con người bằng phương pháp tu luyện hoàn thiện phẩm chất đạo đức và đời sống tinh thần theo giới luật và sự trầm tư mặc tưởng, đào sâu suy nghĩ trong thế giới nội tâm của con người, không kể đến sự khác nhau về địa vị, lợi ích của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ.
Chương 3: