Học thuyết này được xác lập gần như cùng thời với Phật giáo. Người sáng lập là đại sư hoàng tử Vardhamana (con vua Sreyama và hoàng hậu Trysala ở vương quốc Magadha thuộc bắc Ấn Độ) với tên hiệu của các đồ đệ đặt cho ông là Mahavira. Ông nổi tiếng là người đi đầu chống lại chế độ đẳng cấp của Ấn Độ, bởi thế mà nổi danh là Mahavira-vị đại anh hùng. Thân thế và sự nghiệp của ông cũng giống như thân thế sự nghiệp của TấtĐạtĐa đến mức, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng hai người chỉ là một, họ chỉ mang tên khác nhau.
Thật ra, về khởi đầu thì họ giống nhau nhưng kết thúc thì hoàn toàn khác nhau. Jaina theo tiếng phạn đó là sự Chiến thắng. Trường phái triết học,
tôn giáo này có ảnh hưởng rất lớn ở Ấn Độ. Khi Phật giáo bị suy tàn ở Ấn Độ thì Jaina vẫn tồn tại và phát triển.
Nội dung tư tưởng triết lý của Jaina nhìn một cách khái quát, ban đầu họ duy vật chất phác, có tính biện chứng ngây thơ về thế giới. Về sau này họ là nhị nguyên mang nặng màu sắc tôn giáo. Nhiệm vụ chính của họ là phản đối kinh Veda, đạo Balamôn, chỉ ra con đường và phương pháp giải thoát linh hồn bất tử khỏi thế giới kinh nghiệm trên cơ sở phủ nhận các đấng siêu nhiên sáng tạo thế giới. Trường phái Jaina cho rằng muốn "giải thoát linh hồn toàn năng ra khỏi nỗi khổ do dục vọng của con người gây nên, con người phải tu luyện đạo đức bằng phương pháp khổ tu, ép xác theo luật ahimsha, tức là không sát sinh, không ăn cắp, không nói dối, không dâm dục, không có của riêng, chối bỏ mọi thú vui trần thế, chuyên tâm thiền định. Giữ cho tâm hồn luôn luôn an tịnh, vô dục, thanh khiết"[1; 46].
Jaina không thừa nhận có một Thượng đế ngự trị và chi phối vũ trụ. Họ cũng chịu quy luật nghiệp báo luân hồi, nhưng coi các thiên thần sống trên các cõi trời cũng chỉ là một trong những sinh vật cao cấp. Số phận hiện nay của con người chính là do hành động của mình tạo ra trong những kiếp sống quá khứ. Hệ thống triết lý này cũng cho rằng không có gì là hoàn toàn chính xác, tri thức nào cũng bị hạn chế, cái mà chúng ta cho là đúng thì xét theo một quan điểm khác lại là sai. Do đó, phán đoán của con người ta rất có hạn và tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh. Chỉ có những đấng tối cao, tức là Jaina, cứ cách một thời gian lại xuất hiện, mới nắm bắt được chân lý tuyệt đối để giảng giải cho chúng sinh. Ngay cả những kinh Veda, Upanishadd cũng không phải là tuyệt đối và chúng không giúp gì cho con người cả.
Tư tưởng triết học của trường phái Jaina thể hiện rõ ở học thuyết về bản chất được coi là những thực thể đầu tiên tạo nên vạn vật và đó cũng là chân lý cơ bản để xây dựng nên tri thức. Những thực thể (dravaya) hay những chất liệu cơ bản đầu tiên, vĩnh cửu đó được chia làm hai loại: Một là Jiva - linh hồn hay sinh mạng mà bản chất của nó là ý thức. Hai là Ajiva - những thực thể không có sinh mệnh hay là phi linh hồn.
Thực thể không có sinh mạng được chia thành 5 yếu tố: Không gian (akasa), điều kiện của vận động (dharma), điều kiện của đứng im (adharma), thời gian (kala) và vật chất (pudgala). Các thực thể vật chất được cấu thành bởi nguyên tử. Nguyên tử không khác nhau mà chúng đồng nhất với nhau về chất lượng và chỉ có bằng cách kết hợp với nhau theo những thể thức nhất định, chúng mới tạo ra những sự vật, hiện tượng đa dạng của thế giới mà chúng ta có
thể cảm giác được. Vật chất được chia ra làm hai loại: Vật chất thô sơ và vật chất tinh tế. Vật chất thô sơ là những cái mà chúng ta có thể nhận thức được bằng cảm giác. Ngược lại, những cái mà không thể nhận thức được bằng cảm giác thì thuộc loại vật chất tinh tế. Nó quyết định mối liên hệ giữa linh hồn và thể xác.
Theo bản chất vốn có của mình, dù ở dạng tiềm năng, linh hồn có một năng lực vô cùng, vô tận và có thể thâm nhập tất cả và biểu hiện tất cả. Cái linh hồn tuy là lực lượng tối cao, nhưng nó bị hạn chế bởi những thân xác cụ thể mà linh hồn biểu hiện trong đó. Thể xác là vật chất xuyên sâu, phong tỏa vây hãm tính giác ngộ toàn năng vốn có của linh hồn, khiến cho linh hồn bị mờ ám, mê hoặc bởi những vật dục của thể xác và thực thể vật chất gói bọc linh hồn trong một thể xác sinh diệt vô thường, đầy sự tham lam và dục vọng, buộc linh hồn phải tồn tại dưới một trong bốn dạng tồn tại sau: Con người, súc sinh, trời và địa ngục ở mỗi một giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, linh hồn phải đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác, không thể hiện được bản tính vốn có của mình. Trong đó Karma thiện hay ác là do hành động con người quyết định.
Muốn giải thoát linh hồn toàn năng, thanh khiết, tuyệt đối, bất tử ra khỏi thế giới vật dục của trần thế, con người phải tu luyện đạo đức với phương pháp tu luyện khổ hạnh, ép xác theo luật ahimsha "không sát sinh dù đó là sinh vật nhỏ như kiến, muỗi, côn trùng; không ăn cắp; không nói dối; không dâm dục; không có của riêng dù đó là manh áo che thân; kèm theo một kỷ luật sinh hoạt nghiêm ngặt, khắc khổ như giảm mức ăn uống hàng ngày chỉ có cơm với muối mè, dần dần cho đến khi cơ thể yếu dần, để khi chết rồi không còn tái sinh được nữa"[4; 156]. Cùng với những phương pháp ấy, con người phải từ bỏ mọi thú vui của trần thế, chăm chú chuyên tâm thiền định để giữ cho tinh thần, tâm hồn, thanh tịnh, an lạc và vô dục. Jaina cho rằng, toàn bộ những cảm giác niềm vui của ngũ quan là tội lỗi; lý tưởng phải đạt được là thản nhiên với vui, khổ và hoàn toàn không bị thế giới sự vật hiện tượng bên ngoài chi phối. Chỉ có mỗi một sinh mệnh mà họ có quyền diệt là sinh mệnh của chính họ. Tinh thần, linh hồn của con người hoàn toàn thắng được những ý chí, mê muội, dục vọng mù quáng muốn sống của thể xác. Con đường và phương pháp giải thoát của Jaina hoàn toàn khó khăn và gian khổ. Họ chủ trương ăn chay.