7. Cấu trúc luận văn
1.3. Đôi nét thực trạng về dạy học toán ở trường THCS
Bàn về phương pháp dạy học và đổi mới phương pháp dạy học, trong khoảng hơn 10 năm gần đây, chúng ta tốn không ít thời gian và giấy mực. Song trong thực tế, phương pháp dạy học ở các bộ môn chưa thực sự trở thành một chìa khoá, một công cụ để giúp các thầy cô giáo trong giảng dạy mà phương pháp dạy học chủ yếu vẫn còn nằm trong chữ nghĩa giấy tờ, trong đó môn toán cũng không phải trường hợp ngoại lệ.
Khi bàn về hiện trạng phương pháp dạy học môn Toán những năm gần đây, chúng ta phải tránh một nhận xét chung chung là: Chúng ta đã sử dụng phương pháp dạy học lạc hậu trì trệ. Tuy nhiên, cũng không thể nói trong thực tế ngày nay phương pháp truyền thống vẫn được coi là ưu việt, bởi thực chất của phương pháp dạy học môn toán nói chung và chương trình toán THCS nói riêng những năm vừa qua chủ yếu vẫn xoay quanh việc: “thầy truyền đạt, giảng giải, trò tiếp nhận, ghi nhớ”. Nói như vậy, cũng không phủ nhận ở một số không ít các thầy cô giáo có ý thức và tri thức nghề nghiệp vững vàng vẫn có nhiều giờ dạy tốt, phản ánh được tinh thần của một xu thế mới.
Để học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập thì tất yếu phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Trên tinh thần đó, trong những năm gần đây toàn ngành giáo dục đã tập trung cho việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của HS. Muốn vậy, trước hết là trang bị về mặt lý luận cho đội ngũ quản lý giáo dục và đội ngũ GV.
Chúng ta cũng đã hiểu rằng đổi mới PPDH là phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS. Nhưng trên thực tế việc đổi mới có thực hiện đúng yêu cầu như vậy hay không? Thì đó là một vấn đề đang được quan tâm của toàn ngành giáo dục nước nhà.
Phong trào đổi mới phương pháp dạy học toán ở trường phổ thông nói chung và THCS nói riêng vẫn chưa đều khắp ở mọi vùng miền và ở ngay chính bản thân mỗi giáo viên. Nó mới chỉ dừng lại ở bề nổi của hình thức mà chưa đi vào chiều sâu của chất lượng và chưa được thường xuyên, liên tục. Nó chưa trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên. Chỉ khi nào mỗi giáo viên coi đổi mới phương pháp dạy học của bộ môn toán của chính mình như là một nhu cầu tự thân, không mang tính áp buộc từ bên trên, tự họ tìm tòi, không ngừng đổi mới và hoàn thiện tri thức, kỹ năng áp dụng và sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực thì việc đổi mới phương pháp dạy học mới thực sự sâu rộng, có hiệu quả và bền vững.
Trong thực tiễn dạy học bộ môn toán THCS, khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, đối với người dạy có khá nhiều trở ngại khách quan và chủ quan. Ta biết rằng, PPDH tích cực đòi hỏi người giáo viên phải tốn nhiều thời gian, công sức để kịp thời đáp ứng với yêu cầu. Sự đổi mới đó phần nào đã khắc phục được lối dạy học truyền thống. Thay vì trước đây HS chúng ta thường học tập thụ động, học vẹt, chỉ ghi nhớ những điều thầy giảng,... để rồi lúc kiểm tra thi cử còn gặp nhiều khó khăn và dẫn đến tình trạng quay cóp, gian lận trong thi cử đã từng phổ biến xảy ra và điều đó cũng gần như được hạn chế trong những năm thực hiện đổi mới PPDH vừa qua. Toàn ngành giáo dục cũng đã tập trung và đầu tư trong việc thực hiện đổi mới PPDH, tích cực hoá hoạt động học tập của HS và nó đã trở thành phong trào và đặc biệt đối với bộ môn toán THCS là một trong những sự quan tâm hàng đầu. Phong trào ấy đã rầm rộ nổi lên trong mấy năm liền và tất cả từ cán bộ quản lý cho đến tận từng GV trực tiếp đứng lớp cũng đã toàn tâm toàn lực hướng về sự đổi mới. Lúc này đội ngũ GV toán THCS là một trong những nòng cốt của phong trào. Bởi vậy, trong việc đổi mới PPDH chất lượng môn toán ở bậc THCS phần nào cũng có sự chuyển biến tích cực và làm cho một bộ phận GV đã có hứng thú và tâm huyết giảng dạy theo tinh thần đổi mới và cũng có nhiều HS đã yêu thích môn toán hơn. Tuy nhiên, phong trào ấy đã là một quá trình thí điểm việc đổi mới chương trình SGK và PPDH, nó đã có những bước tiến trong hoạt động dạy học. Thế nhưng trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn và có nhiều bất cập xảy ra và làm cho nhiều GV rồi phải “buông xuôi” trong vấn đề này, đặc biệt là các GV ở miền núi,vùng sâu, vùng xa. Chúng ta biết rằng, dạy toán là dạy hoạt động toán học. Vì thế, muốn cho quá trình dạy học đạt hiệu quả tốt thì trước hết hơn ai hết là người GV phải có trình độ nhất định về mặt lý luận, phải nắm vững các thành phần cấu thành PPDH Toán mà dựa vào đó chúng ta có thể tổ chức cho HS hoạt động tích cực, độc lập, sáng tạo bảo đảm sự phát triển nói chung và kết quả học tập nói
riêng. Vấn đề này đang còn hạn chế ở nhiều GV ở mọi vùng miền. Như vậy việc dạy học theo PPDH tích cực hoá hoạt động học tập của HS bắt đầu gặp khó khăn khi GV - những người trực tiếp đứng lớp thì họ chưa được trang bị kĩ về mặt lý luận. Bởi một lẽ rằng, đội ngũ GV thuộc thế hệ trước đây họ cũng ngại về việc tiếp thu và thực hiện những quan điểm mới về dạy học, họ cho rằng PPDH mà học sử dụng bấy lâu nay vẫn có hiệu quả vv... còn đối với đội ngũ GV trẻ họ cũng mới được đào tạo qua nhà trường sư phạm nhưng họ lại chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy. Còn các đợt chuyên đề thay SGK, đổi mới PPDH thì GV chỉ mới nắm được tinh thần nhưng chưa có điều kiện đi sâu. Hơn thế nữa việc áp dụng lý luận vào quá trình dạy học còn tuỳ thuộc vào từng đối tượng HS và vùng miền. HS ở vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn thông thường họ thiếu tính hiếu động, thiếu tự tin, các em thường không thực sự mạnh dạn thực hiện những nhiệm vụ học tập theo tinh thần đổi mới. Tuy nhiên HS ở vùng này thường xuyên tiếp xúc với công việc lao động hàng ngày nên trong khi học toán họ rất dễ tiếp thu các bài toán có tính chất thực tế trong cuộc sống và họ rất hưng phấn học những vấn đề này, còn những kiến thức toán học mà gắn với các thiết bị hiện đại thì họ thường bỡ ngỡ hơn. Đối với HS thuộc những vùng trung tâm, thành phố, thị xã,... các em mạnh dạn hơn, hiếu động hơn, do vậy họ đã góp phần tích cực hơn cho việc đổi mới PPDH. Tuy nhiên, nhìn chung sau nhiều năm tiếp cận, dạy chương trình mới của môn toán bậc THCS, một thực tế cho thấy rằng việc thực hiện đổi mới trong giờ lên lớp đang gặp nhiều khó khăn, nhiều tiết dạy không hết nội dung, bị cháy giáo án. Phần lớn GV có cố gắng thực hiện dạy học để HS hoạt động độc lập nhưng không thành công, bởi GV không tạo ra được sự hấp dẫn đối với HS trước khi giải quyết một vấn đề, một kiến thức toán học nào đó. Khi đó không tránh khỏi việc biến học tập tích cực của HS sang hoạt động “tự do” của họ dẫn tới lớp học ồn, giờ học kém hiệu quả,... Tình trạng này khá phổ biến và bản thân mỗi GV trực tiếp giảng dạy cũng thấy ngay điều đó nhưng
chưa có hướng khắc phục tối ưu. Nhiều GV đã tự mình buông xuôi sau nhiều lần cố gắng đổi mới mà không thành công, rồi họ lại trở về với PPDH truyền thống. Phong trào đổi mới đã lắng xuống lại không ai kiểm tra đôn đốc mấy nữa, thế rồi “ngựa theo lối cũ”. Tuy nhiên, ta cũng không phủ nhận ở một số GV họ đã chăm lo chuyên môn, hăng say nghề nghiệp và đã có rất nhiều giờ dạy thành công và HS rất hứng thú học với thầy. Những GV này chưa hẳn họ đã là những người giỏi giải toán hơn đồng nghiệp của mình, mà điều căn bản ở đây họ đã thấu hiểu tâm lý và đối tượng HS mình dạy, họ nắm bắt được động cơ và mục đích của việc dạy đối với từng đối tượng HS, họ biết cách dẫn dắt, thu hút HS tập trung vào bài học và xác định rõ kiến thức mình cần dạy để phù hợp với từng đối tượng, họ đã tạo niềm vui hứng thú học tập của các em chỉ đơn giản những ví dụ thực tế xung quanh mình hay tạo ra những tình huống có vấn đề mà HS có thể dễ hình dung giải quyết mà không gặp mấy khó khăn, vv... Thành công của thầy như thế là niềm vui cho các em HS, và cũng cho chính bản thân người thầy... Tất nhiên trong dạy học môn toán và các môn học khác cũng vậy nếu GV thực sự tâm huyết cố gắng tìm tòi, đổi mới phương pháp thì chắc chắn sẽ có nhiều GV giảng dạy đạt yêu cầu theo tinh thần đổi mới. Nhưng để có giờ dạy hay thì cũng không phải thầy giáo nào cũng làm được, cái đó còn phụ thuộc vào nghệ thuật giảng dạy của mỗi GV, nghệ thuật dạy học và nghệ thuật thức tỉnh trong tâm hồn các em thanh thiếu niên tính ham hiểu biết, dạy các em biết suy nghĩ và hành động tích cực, mà tính ham hiểu biết đúng đắn và sinh động chỉ có được trong đầu óc sảng khoái. Nếu nhồi nhét kiến thức một cách cưỡng bức thì hiệu quả giáo dục khó có thể như mong muốn, bởi để “Tiêu hoá” được kiến thức thì cần phải “Thưởng thức chung” một cách ngon lành.
Một số vấn đề về chương trình SGK
Chương trình mà sách giáo khoa Toán THCS hiện nay đã đạt được yêu cầu cần thiết chưa? Điều này rất khó xác định và đang gây nhiều tranh cãi. Về
cơ bản SGK cũng đã đáp ứng được với yêu cầu đổi mới PPDH, đã có nhiều bài toán liên hệ với thực tế. SGK cũng đã có gắng xoá bỏ lý thuyết “kinh viện”, “hàn lâm” và đi về với thực tiễn. Tuy nhiên trong việc trình bày SGK còn có khá nhiều chỗ gây nên vướng mắc trong việc tổ chức hoạt động HS và điều quan tâm nhất ở đây là các ?1, ?2. Điều này đã gây cản trở cho việc GV chủ động tổ chức các hoạt động học tập, đổi mới phương pháp dạy học. Thêm vào đó là hệ thống bài tập mà SGK đưa ra một số quá khó chưa phù hợp với mọi đối tượng HS. Tuy nhiên năm vừa qua Bộ GD đã ban hành tài liệu “Chuẩn kiến thức kỹ năng” nhằm quy định rõ những kiến thức cơ bản của chương trình SGK, Khi sử dụng SGK để thiết kế bài giảng GV cần căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng để phù hợp với khả năng HS, lấy trình độ HS làm căn cứ, phân hoá đối với những nhóm HS có trình độ khác nhau... Như vậy, việc dạy học trong thời điểm hiện nay về nội dung kiến thức thì nằm ở SGK, cơ sở pháp lý lại là tài liệu “Chuẩn kiến thức kỹ năng” và dạy học như thế nào để đạt chuẩn đó trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng HS vv... thì chính là công việc của GV. Vì thế, đây là cơ hội tốt cho GV có thể chủ động, phát huy hết khả năng và tài nghệ của mình trong việc giảng dạy mà không phải ràng buộc những gì ở SGK đã trình bày. Muốn vậy, hơn ai hết mỗi một GV Toán phải trang bị cho mình một phương pháp giảng dạy tốt và điều cần thiết ở đây là phải nắm vững và vận dụng tốt những thành tố cơ sở của PPDH để luôn tạo cho mình một phong cách sư phạm phù hợp với định hướng đổi mới PPDH trong giai đoạn hiện nay.